Tin sáng 10/3: Hà Nội lên phương án ứng phó nếu dịch tiếp tục kéo dài, phức tạp; Có nên từ bỏ khái niệm F0, F1?

Trước tình hình số ca mắc COVID-19 tiếp tục tăng tăng nhanh, diện bao phủ vaccine rộng nhưng vẫn còn một số ý kiến trái chiều quanh việc Việt Nam có nên từ bỏ khái niệm F0, F1?

Có nên từ bỏ khái niệm F0, F1?

Theo bác sĩ Phạm Văn Phúc, Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, khái niệm F0, F1 nên bỏ. Bởi khái niệm F0, F1 chỉ là phân loại trong trường hợp dịch bệnh còn ít và chúng ta có thể khống chế theo kiểu Zero COVID. Còn thời điểm này, cùng với việc mở cửa, chấp nhận sống chung, thích ứng an toàn, số lượng F0 tăng lên nhanh chóng thì cũng dần coi bệnh COVID-19 là một bệnh thông thường.

Điều mà vị bác sĩ chuyên ngành truyền nhiễm lo ngại chính là cách quản lý người bệnh F0 hiện nay sẽ gây ra tình trạng bệnh nhân không biết dựa vào ai. Bởi khi trở thành F0 họ phải cách ly tại nhà và không được thăm khám bởi các chuyên gia y tế, rất khó khăn cho họ trong việc được tư vấn, hướng dẫn và điều trị kịp thời. Theo BS Phúc, có những trường hợp người bệnh quen biết bác sĩ đúng chuyên ngành, họ được hướng dẫn, tư vấn rất tốt. Tuy nhiên, những trường hợp không tiếp cận được các bác sĩ thì dễ dẫn đến điều trị sai và có thể ảnh hưởng đến sức khỏe sau này.

Có quan điểm trái ngược, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, cho rằng ở thời điểm hiện tại, Việt Nam vẫn cần phân định rõ về F0, F1, điều này giúp kiểm soát được tình hình dịch, tránh chủ quan, buông lỏng khi nguy cơ vẫn còn.

Theo PGS Phu, Bộ Y tế vẫn rất cẩn trọng, các quốc gia trên thế giới cũng đang tiếp tục theo dõi tình hình dịch. Trong khi đó, hệ thống y tế của Việt Nam chưa thể so sánh với các nước phát triển. "Vẫn phải giữ khái niệm về F1 để người dân biết cách phòng bệnh. Vẫn phải biết ai là F0 để thống kê, qua đó bám sát tình hình dịch trên cả nước. Vấn đề là cách ly bao nhiêu ngày, có cách ly hay không sẽ cần tính toán thêm" - ông Trần Đắc Phu cho biết.

Vị chuyên gia này cũng khẳng định thời điểm nào Việt Nam nên coi COVID-19 là bệnh thông thường sẽ cần được cân nhắc kỹ lưỡng hơn.

Hà Nội lên phương án ứng phó nếu dịch tiếp tục kéo dài, phức tạp

Hà Nội sẽ xây dựng phương án, ứng phó, rà soát, chuẩn bị nâng cấp hệ thống điều trị để không bị động nếu dịch diễn biến phức tạp hơn và kéo dài (Ảnh: Mạnh Quân).

Hà Nội sẽ xây dựng phương án, ứng phó, rà soát, chuẩn bị nâng cấp hệ thống điều trị để không bị động nếu dịch diễn biến phức tạp hơn và kéo dài (Ảnh: Mạnh Quân).

Bí thư Thành ủy Hà Nội chỉ đạo thành phố đánh giá tình hình dịch bệnh để có phương án ứng phó kịp thời; rà soát, chuẩn bị nâng cấp hệ thống điều trị để không bị động nếu dịch diễn biến phức tạp hơn và kéo dài.

Yêu cầu nêu trên được Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nêu ra tại Hội nghị Thường trực Thành ủy Hà Nội về công tác phòng, chống dịch COVID-19 vừa diễn ra.

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, trong tuần qua, các cấp, các ngành từ thành phố xuống cơ sở đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện nghiêm và có hiệu quả chỉ đạo về tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 từ cơ sở. Nhờ đó, số ca F0 tăng lên nhưng mục tiêu cốt lõi của công tác phòng, chống dịch vẫn được bảo đảm.

Tuy nhiên, ông lưu ý, để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát thật hiệu quả dịch thì cả hệ thống chính trị từ thành phố xuống cơ sở và nhân dân cần tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, kinh nghiệm đã có trong quá trình vượt qua giai đoạn khó khăn do COVID-19 gây ra trong hơn 2 năm qua; đặc biệt là tinh thần chủ động, sáng tạo trong phòng, chống dịch đáp ứng yêu cầu mới hiện nay.

"Trước đây, khi chưa tiêm phủ vaccine, trong hoàn cảnh phải cách ly, phong tỏa rất vất vả nhưng nhờ tinh thần đoàn kết, cộng đồng trách nhiệm, chúng ta đã vượt qua. Nay trong điều kiện thích ứng an toàn, thuận lợi hơn nhờ độ bao phủ rộng về vaccine và hệ thống y tế đã được củng cố, chúng ta phải kiểm soát tốt dịch bệnh, hạn chế bệnh nhân chuyển tầng, tăng nặng" - ông Dũng nhấn mạnh.

Tiếp đó, ông Dũng đề nghị các cơ quan liên quan tiếp tục xác định "dân là gốc", phát huy sức mạnh lòng dân, coi người dân là chủ thể, nòng cốt là các tổ COVID-19 cộng đồng, các tổ hỗ trợ theo dõi người nhiễm COVID-19 tại nhà; huy động sự tham gia của các tình nguyện viên, trước hết là đoàn viên thanh niên, hội viên hội phụ nữ, cựu chiến binh... bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu quản lý và hỗ trợ người dân theo địa bàn quản lý.

Chủ tịch UBND TP.HCM: F0 không triệu chứng vẫn có thể đi làm

Nếu F0 không có triệu chứng thì có thể làm việc phù hợp. Do đó, chúng ta nên cập nhật vào bộ tiêu chí để vận dụng phù hợp.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết thông tin trên tại buổi họp Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 và phục hồi kinh tế TP với các quận, huyện, TP Thủ Đức, sáng 9/3.

"Giờ cách ly 7-10 ngày thì rất bị động công việc. Tất nhiên F0 có triệu chứng cần phải nghỉ ngơi, chăm sóc sức khỏe đảm bảo trên hết trước hết. Nhưng F0 không triệu chứng thì vẫn có thể đi làm" - ông Mãi nói.

F0 ho, sốt 39 độ vẫn 'gánh' việc công ty

Anh Minh Phương làm việc tại nhà trong thời gian mắc COVID-19. Ảnh: Đ.X.

Anh Minh Phương làm việc tại nhà trong thời gian mắc COVID-19. Ảnh: Đ.X.

Ngày 26/2, sau nhiều ngày có dấu hiệu cảm sốt, anh Minh Phương (biên tập viên ở TP.HCM) xét nghiệm nhanh Covid-19 thì nhận kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2.

Sau khi báo cho cơ quan, anh Phương ở nhà theo dõi tình hình sức khỏe và làm việc từ xa.

Người đàn ông 34 tuổi cho biết anh không lạ lẫm với chuyện làm việc từ xa, bởi trong thời điểm TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội, nhiều tháng liền anh không thể đến cơ quan. Tuy nhiên, làm việc trong tình trạng sức khỏe thiếu ổn định thì không đơn giản.

Không trực tiếp đi quay tại hiện trường hoặc ở đài, Phương vẫn trực tiếp biên tập tin, bài trên máy tính, đọc các chương trình phát thanh và phỏng vấn người dân qua ứng dụng Zoom.

Cơn sốt nóng lạnh, ho liên tục trong nhiều ngày liền ảnh hưởng không ít đến quá trình làm việc tại nhà.

"Ho nhiều khiến giọng tôi khàn, hơi khó để đọc tin, nhưng vẫn cố gắng để thu âm. Thật ra vẫn có thể nhờ đồng nghiệp thu âm giúp, nhưng thời điểm đó hầu như ai cũng đang nhiễm bệnh", anh Phương chia sẻ.

Đồng Nai tăng cấp độ dịch, 22 nghìn học sinh trở thành F0

Một lớp học trực tiếp tại Đồng Nai

Một lớp học trực tiếp tại Đồng Nai

Ngày 9/3, thông tin từ Trung tâm chỉ huy phòng chống COVID-19 tỉnh Đồng Nai cho biết, số ca nhiễm COVID-19 trên địa bàn tiếp tục tăng cao; toàn tỉnh ghi nhận 4.834 ca mắc mới trong 24 giờ qua.

Cập nhật đánh giá phân loại cấp độ dịch, tỉnh Đồng Nai ở mức nguy cơ cấp độ 2, nguy cơ trung bình (tăng 1 cấp độ so với tuần trước do mức độ lây nhiễm tăng lên mức độ 3); ở cấp huyện có 7 huyện, thành phố tăng lên cấp độ 2, còn lại 4 huyện, thành phố giữ ở cấp độ 1.

Long An quy định tạm thời F0, F1 được tham gia làm nhiệm vụ quan trọng và cấp bách

(Ảnh minh họa): Người lao động làm việc tại một Công ty may mặc tại Long An.

(Ảnh minh họa): Người lao động làm việc tại một Công ty may mặc tại Long An.

Theo đó, các trường hợp F0 không triệu chứng, F1 là cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động của các tổ chức, cơ quan, đơn vị nhà nước trên địa bàn tỉnh Long An sẽ được đến cơ quan làm việc để thực hiện nhiệm vụ quan trọng và cấp bách của cơ quan trên tinh thần tự nguyện và phải được sự đồng ý của Thủ trưởng cơ quan hoặc cấp trên trực tiếp quản lý.

Đối với doanh nghiệp đang thiếu hụt nguồn lao động để hoàn thành các hợp đồng đúng thời gian giao hàng hoặc các trường hợp cấp thiết khác mà không tuyển dụng kịp thời nguồn lao động thì được phép sử dụng lao động F0 không triệu chứng của công ty đang trong thời gian cách ly.

Dở khóc dở cười F0 khỏe mạnh nằm xem phim, F1 phục vụ bở hơi tai

Mỗi bữa cơm, chị Thịnh lại đặt sẵn suất ăn trước cửa phòng cách ly của chồng.

Mỗi bữa cơm, chị Thịnh lại đặt sẵn suất ăn trước cửa phòng cách ly của chồng.

Năm ngày qua, chị Vũ Thịnh (Hà Đông, Hà Nội) dù chỉ chăm sóc có 1 F0 trong nhà nhưng thấy mệt hơn cả người bệnh.

Nhà chị chỉ có 2 vợ chồng và 1 đứa con 8 tuổi. Từ khi phát hiện chồng dương tính, chị cách ly anh sang phòng riêng, hằng ngày cơm bưng nước rót đầy đủ 3 bữa.

Từ hôm ấy, chị vừa phải làm việc tại nhà, vừa kèm con học online, vừa nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa, thay vì được chồng đỡ đần như mọi khi.

"Ngày thường tôi chỉ phải nấu bữa tối. Vì trưa chồng ăn cơm trên cơ quan, ở nhà chỉ có 2 mẹ con sẽ ăn đồ từ hôm trước hoặc ăn gì đó nhẹ nhàng. Bây giờ, tôi phải nấu 2 bữa chính đầy đủ. Mọi khi buổi sáng có thể dậy muộn một chút vì tôi được làm việc ở nhà. Nhưng bây giờ phải dậy sớm để đưa đồ ăn sáng vào cửa phòng cho chồng. Nói chung, sinh hoạt gia đình đảo lộn hết cả".

"Omicron tàng hình" chiếm ưu thế và lây lan mạnh ở Hà Nội

Trong cuộc họp Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 sáng 5/3, Bộ Y tế cho biết, biến thể Omicron có xu hướng gia tăng lây nhiễm nhanh trong thời gian gần đây phổ biến ở các tỉnh, thành phố, nhất là TP. Hà Nội và TP.HCM, thay thế dần biến thể Delta.

Theo báo cáo của TP. Hà Nội, biến thể Omicron đã ghi nhận ở 20/30 quận, huyện. Trong đó, biến thể phụ BA.2 chiếm tới 87% tổng số các mẫu phát hiện biến thể Omicron.

Theo Bộ Y tế, biến thể phụ BA.2 còn được gọi là "Omicron tàng hình" đang lây lan trên 82 quốc gia, khi mắc BA.1 vẫn có khả năng tái nhiễm BA.2 ở phần lớn những người trẻ tuổi, chưa được tiêm chủng

Ngoài ra, BA.2 có khả năng lây lan nhanh hơn 1,5 lần biến thể gốc BA.1 và có khả năng tránh tác động miễn dịch của các loại vaccine hiện tại hơn biến thể gốc BA.1 khoảng 30%.

Trước đó, ngày 26/1, Hà Nội ghi nhận ca nhiễm Omicron cộng đồng đầu tiên. Nữ nhân viên vệ sinh buồng phòng 41 tuổi, trú tại quận Đống Đa, làm việc tại khách sạn cách ly người nhập cảnh. Trong các đoàn khách, có 7 người nhiễm chủng Omicron.

Hà Nội sẵn sàng phương án tiêm vaccine cho trẻ từ 5-11 tuổi ngay khi được cấp phát

Hà Nội sẵn sàng tiêm vaccine cho trẻ từ 5-11 tuổi khi được cấp phát.

Hà Nội sẵn sàng tiêm vaccine cho trẻ từ 5-11 tuổi khi được cấp phát.

Kết luận Hội nghị Thường trực Thành ủy Hà Nội cho ý kiến về công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn chiều 7/3, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh phải phát huy sức mạnh lòng dân, tổ chức thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh từ thôn, tổ dân phố với nòng cốt là các tổ Covid-19 cộng đồng. Ông Dũng cũng lưu ý, phải chuẩn bị sẵn sàng để khi được phân bổ vaccine là có thể tiến hành tiêm ngay cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi.

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, trong tuần qua, các cấp, các ngành từ thành phố xuống cơ sở đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện nghiêm và có hiệu quả chỉ đạo của Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy, UBND thành phố về tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 từ cơ sở. Nhờ đó, khi thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ và mở cửa hầu như tất cả các dịch vụ trong bối cảnh mùa du lịch, lễ hội, số ca F0 tăng lên là tất yếu, nhưng mục tiêu cốt lõi của công tác phòng, chống dịch vẫn được bảo đảm.

Ông Dũng gửi lời cảm ơn và đánh giá cao lực lượng y tế các cấp, nhất là với tinh thần "Thầy thuốc như mẹ hiền", vì nhân dân phục vụ, nhiều y, bác sĩ mặc dù thuộc diện F0, F1 vẫn vừa chăm sóc, điều trị cho mình, vừa tham gia tư vấn, hỗ trợ trực tuyến cho người dân...

Do chủ quan, nhiều người tái nhiễm COVID-19 sau chỉ 1 tháng

Rất nhiều người sau khi mắc COVID-19 thì chủ quan cho rằng mình đã có kháng thể, lại đã tiêm 3 mũi vaccine nên không lo bị tái nhiễm trong ít nhất 3-6 tháng. Tuy nhiên, trong thực tế có không ít trường hợp mắc COVID-19 điều trị khỏi, trong vòng hơn 1 tháng lại tiếp tục bị tái nhiễm lần 2.

Trao đổi với phóng viên, Thạc sĩ – BSCKII Nguyễn Thu Hường, Trưởng khoa bệnh nghề nghiệp, BV Thanh Nhàn cho hay, quan điểm đã mắc COVID-19 rồi không mắc lại là sai lầm, vì mình có thể mắc biến chủng này rồi lại mắc biến chủng khác và tại chính biến chủng Omicron cũng có những thể nên khác nhau hoàn toàn có thể tái nhiễm.

Việc tái nhiễm COVID-19 của một người có thể mắc nhiều lần và số lần không hạn định tùy thuộc ở mỗi người, sau khi mắc và khỏi vẫn phải tuyệt đối tuân thủ 5K. Những người tâm lý chủ quan khi mắc COVID-19 sẽ có những hệ lụy sau này như rối loạn giấc ngủ, mệt mỏi, hụt hơi, thậm chí nặng hơn ảnh hưởng đến hệ tim mạch và hô hấp.

TP.HCM: Biến thể "Omicron tàng hình" chiếm ưu thế và lây lan nhanh

Thông tin được giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng đưa ra tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế TP.HCM, sáng 9/3.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên và Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cùng tham dự cuộc họp.

Giám đốc Sở Y tế TP.HCM nhận định một câu hỏi hiện nay được nhiều người quan tâm là sau Omicron sẽ còn làn sóng COVID-19 mới nào không?

Trao đổi về việc này, ông Thượng cho biết theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), chủng Omicron có hai biến thể là BA.1 và BA.2. Hiện nay, biến thể lây nhiễm ở các nước chủ yếu là BA.1, biến thể BA.2 chỉ mới xuất hiện tại một số nước ở châu Phi và dự kiến sẽ xuất hiện tại Ấn Độ thời gian tới.

"Biến chủng BA.2 lây lan nhanh hơn BA.1. Nếu có làn sóng lây nhiễm mới biến thể BA.2, vắc xin vẫn có hiệu quả bảo vệ cơ thể không bị nặng, nhưng vắc xin không đủ để bảo vệ người không bị nhiễm. Do vậy việc tiêm chủng vắc xin COVID-19 vẫn đang được đẩy mạnh" - ông Thượng thông tin.

Điều không nên làm trong vòng 30 phút trước khi test nhanh COVID-19

Kết quả test nhanh có thể bị sai lệnh bởi nhiều yếu tố.

Kết quả test nhanh có thể bị sai lệnh bởi nhiều yếu tố.

Giáo sư Azeem Majeed, người đứng đầu bộ phận chăm sóc ban đầu và sức khỏe cộng đồng tại Đại học Hoàng gia London (Anh), cho biết "Kỹ thuật đúng có ảnh hưởng lớn đến kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2. Mọi người cần xì mũi, rửa tay và không nên ăn trước khi lấy mẫu". Những quy tắc này nhằm đảm bảo có một mẫu sạch.

Trước khi thực hiện bất kỳ xét nghiệm nào, bạn nên đọc hướng dẫn trên hộp vì mỗi loại có thể khác nhau. Hầu hết sẽ yêu cầu bạn đợi 30 phút sau khi ăn uống để lấy mẫu.

Khả năng tái nhiễm của biến thể Omicron là như thế nào

K.N (th)

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/tin-sang-10-3-ha-noi-len-phuong-an-ung-pho-neu-dich-tiep-tuc-keo-dai-phuc-tap-co-nen-tu-bo-khai-niem-f0-f1-1722203091351379.htm