Tín dụng chính sách xã hội - trụ đỡ hợp 'Ý Đảng – Lòng Dân' (Bài 2)
Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư đã nâng cao vai trò và phát huy hiệu quả hoạt động TDCSXH. Qua sự phối hợp với UBMTTQ và TCCTXH nhận ủy thác, NHCSXH đã chuyển tải nguồn vốn ưu đãi đến hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác; khuyến khích họ tư duy, đổi mới cách làm, định hướng đầu tư, tính toán lợi ích, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tạo dựng cuộc sống ổn định... Đặc biệt, TDCSXH đã góp phần rất lớn trong việc xóa bỏ tình trạng cho vay nặng lãi, tín dụng đen, giữ ổn định trật tự xã hội, tạo niềm tin cho các tầng lớp nhân dân…
Bài 2: Lan tỏa niềm tin và khát vọng vươn lên
Cánh tay nối dài của NHCSXH
Thành công của hoạt động TDCS không thể không nói đến vai trò của MTTQ và các TCCTXH nhận ủy thác (Hội Nông dân, Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh). UBMTTQ và các TCCTXH tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về TDCSXH đến các tầng lớp Nhân dân, nhất là người nghèo và các đối tượng chính sách. Hằng tháng, các TCCTXH nhận ủy thác được NHCSXH cung cấp, thông tin những chủ trương, chính sách tín dụng mới ngay tại xã để thông báo, tuyên truyền cho người vay vốn thông qua các buổi sinh hoạt Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV).
Đến nay, các tổ chức CTXH cùng với chính quyền địa phương đã duy trì hoạt động trên 168 nghìn Tổ TK&VV theo địa bàn thôn, buôn, tổ dân phố; chuyển tải vốn TDCS đến hộ nghèo và các ĐTCS. Dư nợ ủy thác qua các tổ chức CTXH đạt 5.969 tỷ đồng/2.466 Tổ TK&VV/ hơn 100 ngàn khách hàng, tăng 3.814 tỷ đồng (+176,98%) so với năm 2014, chiếm tỷ lệ 99,88% trên tổng dư nợ của toàn Chi nhánh (tính đến ngày 30/6/2024). Trong đó, Hội Phụ nữ có dư nợ 2.161 tỷ đồng/872 Tổ TK&VV/37.141 khách hàng; Hội Nông dân có dư nợ 1.846 tỷ đồng/778 Tổ TK&VV/31.486 khách hàng; Hội Cựu chiến binh có dư nợ 993 tỷ đồng/423 Tổ TK&VV/16.644 khách hàng; Đoàn Thanh niên có dư nợ 969 tỷ đồng/393 Tổ TK&VV/15.773 khách hàng; Nợ quá hạn của các tổ chức CTXH đều không quá 0,04% tổng dư nợ.
Tổng dư nợ 17 chương trình TDCS trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng tính đến ngày 30/6/2024 đạt 5.976 tỷ đồng, tăng 3.814 tỷ đồng (trên 176,37%) so với năm 2014, với 101.177 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác còn dư nợ, chiếm 28,15% số hộ của tỉnh. Tốc độ tăng trưởng dư nợ bình quân hàng năm khoảng 10%; trong đó, dư nợ tại các xã xây dựng nông thôn mới là 4.574 tỷ đồng, chiếm 76,54% tổng dư nợ; dư nợ hộ ĐBDTTS là 2.112 tỷ đồng, chiếm 35,34% trên tổng dư nợ. Nguồn vốn hỗ trợ từ NHCSXH với lãi suất ưu đãi, hồ sơ thủ tục dễ làm, đầu tư đúng lúc, đúng thời điểm… đã giúp cho nhiều gia đình có thêm nguồn lực và niềm tin để vượt qua khó khăn, vươn lên thoát nghèo bền vững, làm giàu cho gia đình và góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Bên cạnh đó, NHCSXH đã thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa hoạt động tại 142 Điểm giao dịch xã theo lịch cố định ngày càng chuyên nghiệp, phục vụ khách hàng ngày càng tốt hơn. Từ tháng 1/2017, chi nhánh đã lắp đặt thiết bị kết nối với camera tại Điểm giao dịch xã để thực hiện giám sát trực tuyến hoạt động giao dịch. Năm 2016, đã nghiên cứu thực hiện đề tài cấp chi nhánh “Xây dựng định mức thời gian giao dịch tại Điểm giao dịch xã tại chi nhánh NHCSXH tỉnh Lâm Đồng” được Hội đồng khoa học NHCSXH nghiệm thu. Năm 2020 đã ban hành bộ tiêu chí xây dựng Điểm giao dịch xã kiểu mẫu làm căn cứ để Phòng giao dịch NHCSXH tổ chức thực hiện và đã xây dựng thành công 43/142 Điểm giao dịch xã kiểu mẫu. Từ năm 2022, triển khai ứng dụng VBSP SmartBanking của NHCSXH, mang đến nhiều tiện ích cho khách hàng…
Nỗ lực thoát nghèo bền vững
Trong Hội nghị Tổng kết 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 40 của tỉnh Lâm Đồng (được tổ chức tháng 7/2024), nhiều cái tên được vinh danh vì họ đã viết nên câu chuyện thoát nghèo ấn tượng, góp phần lan tỏa niềm tin và ý chí giảm nghèo đến các đại biểu, là tấm gương vượt khó vươn lên với các đối tượng chính sách khác, như ông Ya Biêng - Tổ trưởng Tổ TK&VV thôn Chơ Rung (xã Đa Quyn, huyện Đức Trọng), hộ vay vốn Triệu Văn Lưu (xã Đạ KNàng, huyện Đam Rông), hộ vay vốn Ya Hem (xã Tam Bố, huyện Di Linh), hộ vay vốn Nguyễn Thị Tứ (xã Lộc Nga, TP Bảo Lộc), hộ vay vốn Mai Văn Sang (xã Lộc Bảo, huyện Bảo Lâm)… Họ đại diện cho hàng chục ngàn hộ gia đình ở Lâm Đồng sử dụng nguồn vốn TDCSXH đang nỗ lực vươn lên, thoát nghèo, làm giàu cho gia đình và xã hội, góp phần vào công cuộc giảm nghèo của đất nước…
NHCSXH và UBMTTQ cùng các tổ chức CTXH không chỉ tập trung nguồn lực cho các chương trình TDCS; mà còn tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho thành viên Ban Đại diện là Chủ tịch/Phó Chủ tịch UBND cấp xã, cán bộ Hội đoàn thể nhận ủy thác các cấp, trưởng thôn và Ban Quản lý Tổ TK&VV; đồng thời, tích cực thực hiện công tác tuyên truyền để nâng cao ý thức của người vay trong việc sử dụng vốn đúng mục đích, thực hiện trả nợ theo phân kỳ, trả nợ khi đến hạn. Ban Quản lý Tổ TK&VV thực hiện đầy đủ các nội dung công việc được ủy thác, ủy nhiệm, hướng dẫn người vay cách thức sản xuất, chuyển giao khoa học kỹ thuật để nâng cao hiệu quả vốn vay…; phối hợp với NHCSXH tăng cường giám sát quá trình sử dụng vốn vay, nhằm hạn chế phát sinh nợ quá hạn và xử lý kịp thời các khoản nợ rủi ro…
Ông Phạm Triều - Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh Lâm Đồng, nhận xét: MTTQ đóng vai trò nồng cốt trong việc là cầu nối giữa Đảng – Nhà nước – Chính quyền với Nhân dân trong triển khai Chỉ thị 40. Qua 10 năm thực hiện, Chỉ thị 40 đã mang lại hiệu quả rất thiết thực. Kết quả bổ sung nguồn vốn ủy thác từ địa phương là điểm nổi bật trong việc thực hiện chủ trương tập trung huy động nguồn lực để phát triển TDCSXH, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh. Với phương châm “Giúp người nghèo giảm nghèo bền vững”, cho “cần câu” hơn cho “con cá”, UBMTTQ Việt Nam tỉnh Lâm Đồng đã cùng các tổ chức thành viên phát huy tính chủ động trong huy động, lồng ghép, sử dụng hiệu quả nguồn vốn TDCS với các nguồn lực đầu tư cho giảm nghèo khác; đồng thời, có nhiều cách làm hiệu quả, sáng tạo không chỉ giúp nhiều hộ thoát nghèo mà còn giảm nguy cơ tái nghèo…
Riêng hoạt động gửi tiền tiết kiệm chung tay vì người nghèo đã thể hiện tính nhân văn sâu sắc, tạo nguồn lực tài chính, đáp ứng tốt hơn nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác… Từ đó, đã tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động của các cấp, các ngành và toàn xã hội trong việc tạo nguồn vốn cho TDCSXH. Các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh phát huy truyền thống tương thân, tương ái, tham gia gửi tiền tiết kiệm chung tay vì người nghèo. Đây thực sự là hành động nhỏ - ý nghĩa lớn!