Tín dụng chính sách góp phần xóa hộ nghèo

Từ đầu năm đến nay, nguồn vốn tín dụng chính sách tiếp tục phát huy hiệu quả góp phần quan trọng vào công tác giảm nghèo bền vững, giải quyết bài toán việc làm, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.

Giảm nghèo bền vững, động lực xây dựng nông thôn mới

Với quyết tâm "không để ai bị bỏ lại phía sau" trên hành trình giảm nghèo, các chương trình tín dụng chính sách xã hội được đánh giá là một chủ trương mang tính nhân văn sâu sắc, trở thành điểm sáng, một trong những trụ cột trong hệ thống chính sách, bảo đảm an sinh và an ninh xã hội của Bình Thuận trong nhiều năm qua. Nhiều hộ nghèo đã được thụ hưởng chính sách và vươn lên ổn định cuộc sống.

Sử dụng vốn tín dụng chính sách hiệu quả vào chăn nuôi ở Đức Linh

Sử dụng vốn tín dụng chính sách hiệu quả vào chăn nuôi ở Đức Linh

Trước đây, gia đình Lê Thị Thanh Vân ở xã Sùng Nhơn, huyện Đức Linh cuộc sống khó khăn, thiếu vốn sản xuất. Thông qua Hội Nông dân xã chị được giải quyết vay vốn NHCSXH chương trình sản xuất kinh doanh vùng khó khăn với số tiền 50 triệu đồng, thời gian vay 6 năm. Từ nguồn vốn vay, gia đình chị Vân đầu tư chăm sóc trên 40 ha ruộng bao gồm trồng mía đường, trồng lúa nước, trồng sen và nuôi cá. Hàng năm đã trừ chi phí lãi 100 triệu đồng, hiện nay gia đình vươn lên khá giả.

Tín dụng chính sách xã hội đã góp phần ngăn chặn tình trạng cho vay nặng lãi, đặc biệt là ở những vùng nông thôn, là một trong những "đòn bẩy" kinh tế kích thích người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội có điều kiện phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống, tự vươn lên. Từ đó, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới. Đơn cử ở thôn 4, xã Mê Pu, cách trung tâm huyện Đức Linh 10 km, có 1.896 khẩu và 542 hộ, chủ yếu làm nông nghiệp, hiện còn 14 hộ nghèo và 8 hộ cận nghèo. Trước đây, bà con gặp nhiều khó khăn do thiếu vốn sản xuất và chăn nuôi. Nhờ có nguồn vốn tín dụng ưu đãi từ NHCSXH, đời sống kinh tế của các hộ nghèo, cận nghèo và khó khăn nơi đây được cải thiện đáng kể. Đặc biệt, từ khi triển khai Chỉ thị 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, trở thành “kim chỉ nam” cho sự phát triển của hoạt động tín dụng chính sách xã hội. Toàn thôn có 4 tổ TK&VV với tổng dư nợ 6,395 tỷ đồng, hỗ trợ 240 hộ vay vốn, các hộ vay đều trả lãi và nợ đúng hạn, không có nợ quá hạn. Nguồn vốn đã giúp thôn 4 có thêm 15 hộ thoát nghèo bền vững, kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống 2,58% và cận nghèo xuống 1,47%. Hằng năm thôn được cấp trên tái công nhận thôn văn hóa. Hiện nay thực hiện mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, cùng với nhân dân trong xã Mê Pu, bà con thôn 4 ra sức thi đua tăng gia sản xuất, xây dựng các phong trào, phần việc, chỉnh sang khu dân cư, nâng cao các tiêu chí nông thôn mới vừa qua xã Mê Pu được UBND tỉnh công nhận xã nông thôn mới nâng cao năm 2023 và nay đang nỗ lực tiến đến xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.

Giao dịch tại NHCSXH chi nhánh tỉnh.

Giao dịch tại NHCSXH chi nhánh tỉnh.

Nâng chất lượng tín dụng chính sách

Có thể nói, tín dụng chính sách xã hội thời gian qua đã được lan tỏa, phủ rộng trên khắp địa bàn tỉnh, trở thành một trong những giải pháp căn cơ, trọng điểm để giúp giảm nghèo nhanh và bền vững. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã được phân bổ đến 100% thôn, khu phố các xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh, giúp người nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận vốn thuận lợi và kịp thời. Các tổ chức chính trị-xã hội các cấp đã thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các nội dung công việc được ủy thác, phối hợp chặt chẽ với NHCSXH, chính quyền địa phương trong việc quản lý và củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách xã hội. NHCSXH tỉnh tiếp tục triển khai hiệu quả mô hình tổ chức và phương thức quản lý tín dụng chính sách xã hội, thông qua 124 điểm giao dịch xã và 2.353 Tổ TK&VV, đảm bảo an toàn và hiệu quả. Tính đến 30/6/2024, 4 tổ chức chính trị - xã hội quản lý 2.353 Tổ TK&VV với dư nợ ủy thác đạt 4.860 tỷ đồng, chiếm 99,86% tổng dư nợ của chi nhánh. Nợ quá hạn ủy thác là 13.193 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 0,27% dư nợ ủy thác. Hiện tổng dư nợ thực hiện 21 chương trình tín dụng chính sách đạt 4.867 tỷ đồng với 116,2 ngàn hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách đang còn dư nợ.

Bà Võ Thị Minh Thảo - Giám đốc NHCSXH tỉnh cho biết, từ đầu năm đến nay nhờ sự chỉ đạo của Tổng Giám đốc, UBND tỉnh và sự phối hợp của các sở, ngành, Chi nhánh NHCSXH tỉnh đã hoàn thành 119% chỉ tiêu huy động vốn và 99% kế hoạch tăng trưởng dư nợ năm 2024, duy trì tỷ lệ nợ quá hạn dưới 0,5%. Tháng 6/2024, HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết bổ sung 110 tỷ đồng vốn ngân sách tỉnh ủy thác qua NHCSXH. Để đảm bảo hiệu quả tín dụng chính sách và sử dụng vốn vay đúng mục đích, đúng đối tượng thụ hưởng, trong 6 tháng đầu năm, 4 thành viên Ban Đại diện cấp tỉnh đã kiểm tra 4 huyện, 4 xã, 10 tổ TK&VV và 9 hộ vay. Tại cấp huyện, 179 thành viên Ban Đại diện HĐQT NHCSXH đã kiểm tra 316 xã, 799 tổ TK&VV và 1.966 hộ vay, đạt 74% kế hoạch năm.

Bà Thảo cho biết thêm, khó khăn hiện tại là nhu cầu vốn cho vay Nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP và chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo Nghị định 28/2022/NĐ-CP còn rất lớn, nhưng Chính phủ chưa phê duyệt bổ sung nguồn vốn cho năm 2024. Chi nhánh đã đề nghị Tổng Giám đốc NHCSXH bổ sung nguồn vốn để tiếp tục hỗ trợ các chương trình quan trọng này.

THANH DUYÊN

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/tin-dung-chinh-sach-gop-phan-xoa-ho-ngheo-123081.html