Thống nhất tên gọi mới khi Thừa Thiên Huế lên TP trực thuộc trung ương
Thành viên Hội đồng thẩm định bỏ phiếu thống nhất đề nghị cấp có thẩm quyền thành lập TP Huế trực thuộc trung ương trên cơ sở địa giới hành chính tỉnh Thừa Thiên Huế.
Ngày 10-9, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, tại Hội nghị thẩm định Đề án thành lập TP Huế trực thuộc Trung ương, tất cả 17 thành viên Hội đồng bỏ phiếu thống nhất đề nghị cấp có thẩm quyền thành lập TP Huế trực thuộc trung ương trên cơ sở địa giới hành chính tỉnh Thừa Thiên Huế.
Hội nghị được tổ chức tại Hà Nội, do ông Nguyễn Hòa Bình - Ủy viên Bộ Chính Trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch hội đồng thẩm định chủ trì.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà báo cáo thẩm định hồ sơ Đề án thành lập TP Huế trực thuộc Trung ương đến nay, trình tự, thủ tục xây dựng và nội dung Hồ sơ đề án đã bảo đảm đầy đủ theo quy định.
Về tên gọi "TP Huế" phù hợp với lịch sử, truyền thống văn hóa của địa phương và được đại đa số cử tri đồng thuận, đạt tỷ lệ 98,67% trên tổng số cử tri của tỉnh Thừa Thiên Huế.
Đồng thời thống nhất với phương án sắp xếp, thành lập các đơn vị hành chính trực thuộc TP Huế trực thuộc trung ương như Đề án đã nêu. Sau khi thành lập, TP có 9 đơn vị hành chính cấp huyện (gồm 2 quận, 3 thị xã và 4 huyện), 133 đơn vị hành chính cấp xã, gồm (78 xã, 48 phường và 7 thị trấn).
Phát biểu kết luận hội nghị, ông Nguyễn Hòa Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Chủ tịch Hội đồng thẩm đề nghị UBND tỉnh Thừa Thiên Huế khẩn trương xây dựng kế hoạch để hoàn thiện các tiêu chuẩn đô thị loại I trực thuộc trung ương.
Đồng thời, xây dựng lộ trình về việc sắp xếp tổ chức bộ máy, chủ động giải quyết hợp lý vấn đề nhân lực, kịp thời động viên, làm tốt công tác tuyên truyền vận động, có chế độ chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong đó có số dôi dư.
Bên cạnh đó đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu của chính quyền đô thị trực thuộc trung ương, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; Xây dựng phương án sắp xếp, xử lý, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm đối với các trụ sở, tài sản công dôi dư theo đúng quy định của pháp luật.
Chủ tịch Hội đồng thẩm định cũng yêu cầu Bộ Nội vụ tiếp thu đầy đủ ý kiến Thành viên Hội đồng thẩm định, khẩn trương hoàn thiện dự thảo Tờ trình và Đề án của Chính phủ trình Quốc hội vào kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV (tháng 10 năm 2024).