Tín dụng chính sách 'đồng cam, cộng khổ' cùng người nghèo (Bài 1)

Hơn hai tháng kể từ khi cơn bão số 3 (Yagi) quét qua nhưng hậu quả ở lại vẫn còn nặng nề và ám ảnh. 'Cơn giận' của thiên nhiên đã khiến hàng nghìn ngôi nhà bị sập đổ, hư hỏng; hàng chục héc ta lúa, hoa màu và rừng sản xuất mất trắng; hàng trăm con tàu bị chìm, đắm dưới lòng biển sâu. Thiệt hại sau bão không chỉ khiến người dân, doanh nghiệp mất trắng sau bão mà còn khiến người nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách vào tình cảnh bấp bênh hơn. Ranh giới giữa thoát nghèo và tái nghèo giờ đây trở nên mong manh hơn bao giờ hết...

Bài 1: Thách thức trước cơn giận của thiên nhiên

Lâm vào cảnh “màn trời, chiếu đất”

Men theo con đường liên xã còn ngổn ngang đất đá do sạt lở, chúng tôi đến thăm gia đình anh Hoàng Văn Thuận (thôn Nà Liền, xã Nam Cường, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn) sau cơn lũ dữ. Mới ngoài 40 nhưng những xoay vần của cuộc sống khiến gương mặt anh thêm phần khắc khổ. Anh Thuận cho biết, cánh đồng lúa là kế mưu sinh để vợ chồng chăm lo cho con nhỏ và bố mẹ già. Vậy mà cơn bão Yagi ập đến như cơn ác mộng cuốn trôi mọi hy vọng về cuộc sống đủ đầy, ấm no của gia đình anh. Cánh đồng lúa phía sau nhà trước đây tươi tốt, xanh ngát tới chân trời thì nay đã đổ gục, nằm rạp xuống đất. Nhìn cả cánh đồng úa tàn rồi chìm hẳn trong màu đất khiến nước mắt anh chực trào. Ngay cả ngôi nhà của gia đình cũng bị hư hỏng nặng, nền nhà lún lệch sang một bên, trên tường xuất hiện nhiều vết nứt lớn. Gia đình anh phải di dời khẩn cấp ngay trong đêm mưa bão, đến mười ngày sau mới quay trở về được.

Anh Hoàng Văn Thuận trong căn nhà bị hư hỏng nặng sau bão Yagi

Anh Hoàng Văn Thuận trong căn nhà bị hư hỏng nặng sau bão Yagi

"Buồn lắm anh chị ơi, chăm sóc nửa năm trời được một vụ cuối năm để có tiền đón Tết vậy mà mất hết rồi, rừng mỡ ở trên đồi mới trồng vài năm chưa thể thu hoạch được. Giờ không có nhà, không có ruộng, tôi không biết làm gì để trang trải cuộc sống, làm gì để nuôi con ăn học, chăm sóc bố mẹ già và người vợ nay ốm mai đau bây giờ", anh Thuận chia sẻ.

Ông Hà Sỹ Côn, Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh cho biết, Chợ Đồn, Ba Bể, Chợ Mới là những huyện chịu nhiều thiệt hại về giao thông, nhà cửa, hoa màu. Số khách hàng của toàn Chi nhánh bị thiệt hại về nhà cửa, hoa màu do bão số 3 và mưa lũ sau bão là 4.395 người với 6.817 món vay, dư nợ trên 343 tỷ đồng. Những con số thiệt hại do bão số 3 gây ra cho người dân là quá lớn, quá nặng nề, ảnh hưởng không nhỏ đến những nỗ lực trong công tác xóa đói, giảm nghèo bền vững của nước ta trong thời gian qua.

Thăm hỏi, trao quà cho gia đình bà Phạm Thị Bình ở thôn Đông Hà, xã Đông Xá, huyện Vân Đồn bị gió bão tốc hết mái nhà và cuốn trôi toàn bộ tài sản

Thăm hỏi, trao quà cho gia đình bà Phạm Thị Bình ở thôn Đông Hà, xã Đông Xá, huyện Vân Đồn bị gió bão tốc hết mái nhà và cuốn trôi toàn bộ tài sản

Còn tại tỉnh Quảng Ninh, con số thiệt hại càng "lạnh lùng" hơn khi càng gần hơn nơi tâm bão đi qua. Toàn tỉnh Quảng Ninh có 12.709 hộ đang vay vốn tín dụng chính sách với tổng dư nợ 741 tỷ đồng bị thiệt hại bởi cơn bão Yagi.

Bà Phạm Thị Bình, người phụ nữ ở thôn Đông Hà, xã Đông Xá, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh, vẫn không thể kìm nén được xúc động mỗi khi nhắc đến cơn bão số 3 vừa qua. Là người miền biển, gần cả cuộc đời gắn bó nơi đầu sóng ngọn gió, nhưng sự tàn phá khốc liệt của cơn bão số 3 thực sự ngoài sức tưởng tượng của bà Bình. Nhận được thông tin về cường độ của cơn bão, bà Bình cùng người thân trong gia đình đã chằng chống nhà cửa nhà giàn cẩn thận nhưng cơn cuồng phong đã cuốn đi mọi thứ mà gia đình bà dày công gây dựng.

“Trong khi nhiều gia đình khác may mắn còn nhặt lại được một ít phao, thì gia đình bà không thể tìm lại bất cứ thứ gì. Nhà có 3 giàn hàu thì bão cuốn mất 2 giàn, mỗi giàn có 30 dây, ước tính thiệt hại lên đến hơn 200 tấn hàu, tổng giá trị thiệt hại khoảng hơn 2 tỉ đồng,” bà Bình chia sẻ bằng ánh mắt tràn ngập nỗi buồn. Những giàn hàu ấy không chỉ đơn thuần là công sức, mà là tất cả những gì bà Bình có. Để đầu tư cho chúng, gia đình bà đã phải vay mượn khắp nơi – từ ngân hàng đến người thân, bạn bè. Không chỉ vậy căn nhà của gia đình cũng bị tốc mái hoàn toàn khiến "khó khăn" lại chồng "khó khăn". Bão đã tan, tài sản đã biến mất còn nợ nần thì vẫn còn đó, đè nặng lên vai bà.

Hiện hữu nguy cơ tái nghèo, cận nghèo

Đảng và Nhà nước ta luôn khẳng định công tác xóa đói, giảm nghèo, toàn diện, bền vững, nâng cao đời sống nhân dân là một chủ trương, mục tiêu xuyên suốt, quan trọng hàng đầu. Nhờ vào sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, Việt Nam đã xây dựng và thực hiện hàng loạt chính sách hướng đến mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm và bền vững. Theo Báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 của Chính phủ, tính đến hết tháng 9 năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo trên toàn quốc giảm 1%, còn ở mức 1,93%; 9 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thuộc 4 tỉnh đã được công nhận thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn và đưa ra khỏi Danh sách xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo giai đoạn 2021 - 2025.

Nơi nuôi trồng thủy sản của gia đình ông Lê Thế Xuân (TP. Hải Phòng) hoang tàn sau 1 đêm bão

Nơi nuôi trồng thủy sản của gia đình ông Lê Thế Xuân (TP. Hải Phòng) hoang tàn sau 1 đêm bão

Đặc biệt, trên hành trình giảm nghèo bền vững của cả nước, không thể không nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của tín dụng chính sách và NHCSXH khi trở thành “cánh én dệt mùa xuân", mang lại ấm no cho nhiều gia đình khó khăn, gia đình chính sách... Bởi, từ thực tiễn 10 năm triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tín dụng chính sách xã hội (Chỉ thị số 40-CT/TW), với quyết tâm cao trong lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của hệ thống NHCSXH ngày càng được hoàn thiện, hiệu quả. Mỗi cán bộ NHCSXH luôn thấm nhuần phương châm “thấu hiểu lòng dân - tận tâm phục vụ”, gần dân, sát dân, rà soát kịp thời các đối tượng, nắm bắt được nhu cầu của hộ nghèo và các đối tượng chính sách để cho vay đúng, cho vay đủ để “không ai bị bỏ lại phía sau” trong hành trình phát triển kinh tế.

Nhờ đó, tại hội nghị triển khai nhiệm vụ quý IV/2024 nhằm đánh giá kết quả hoạt động trong 9 tháng và triển khai kế hoạch nhiệm vụ những tháng cuối năm 2024, bà Lê Thị Đức Hạnh, Phó Tổng Giám đốc NHCSXH cho biết, tổng nguồn vốn chính sách đạt trên 375,7 nghìn tỷ đồng, tăng 29.286 tỷ đồng so với năm 2023, trong đó nguồn vốn nhận ủy thác từ địa phương đạt 48.527 tỷ đồng. Từ nguồn lực này, vốn tín dụng chính sách đã đến tay hơn 1,8 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác; tạo việc làm cho hơn 538 nghìn lao động, giúp gần 7.000 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài và gần 5,5 nghìn lượt người chấp hành xong án phạt tù có việc làm; gần 38,3 nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập; xây dựng gần 1.440 nghìn công trình nước sạch, công trình vệ sinh ở nông thôn; xây dựng 987 căn nhà ở cho hộ nghèo ổn định cuộc sống; hơn 3,8 nghìn căn nhà ở xã hội cho các đối tượng chính sách… góp phần ổn định và phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đầu tư tín dụng ưu đãi các Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Có thể thấy, công cuộc giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh đang tiến triển thuận lợi, hứa hẹn một tương lai đầy triển vọng. Tuy nhiên, cơn bão Yagi ập đến đã giáng một đòn nặng nề xuống những thành quả ấy. Bức tranh tươi sáng giờ đây đan xen những mảng màu u ám – những cánh đồng lúa mướt xanh lụi tàn trong nước lũ, những mái nhà khang trang minh chứng cho một chặng đường nỗ lực thoát nghèo đã bị phá hủy. Thời điểm này là lúc người nghèo, đối tượng chính sách cần được hỗ trợ và đồng hành nhiều hơn để tạo sinh kế mới, phục hồi kinh tế, tái thiết ổn định cuộc sống. Nếu không nguy cơ quay trở lại tái nghèo, cận nghèo của nhiều hộ nghèo trong thời gian tới rất cao.

Phạm Thị Trà Giang

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/tin-dung-chinh-sach-dong-cam-cong-kho-cung-nguoi-ngheo-bai-1-158554.html