Tìm hiểu 'hội chứng màn hình xanh'

Ngày nay, công nghệ đã và đang trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hiện đại, nhưng mặt trái của nó cũng dần lộ diện với những vấn đề tâm lý ngày càng phổ biến trong giới trẻ. Một trong số đó là 'hội chứng màn hình xanh', đây không phải là một khái niệm chính thức trong y khoa, nhưng nó đang được dùng để mô tả những hệ lụy về sức khỏe tâm lý và thể chất khi thời gian sử dụng các thiết bị điện tử vượt quá giới hạn.

Mất ngủ, lo âu, rối loạn cảm xúc, giảm khả năng tập trung... là những dấu hiệu điển hình của hội chứng này. Ðiều đáng lo ngại là những tác động tiêu cực đó ngày càng trở nên phổ biến nhưng lại ít được chú ý, bởi nhiều người vẫn xem công nghệ như một phần tất yếu của cuộc sống hiện đại.

Em H.T.H, học sinh tại một trường THPT trên địa bàn tỉnh, thật thà chia sẻ: “Sáng nào em cũng bắt đầu ngày mới bằng việc mở điện thoại kiểm tra tin nhắn, xem mạng xã hội. Cứ thế, em nằm lướt Facebook, TikTok. Lúc nào rảnh, dù chỉ một chút thôi, là tay em lại vô thức cầm điện thoại. Có những hôm em lướt TikTok tới 2-3 giờ sáng. Em biết hôm sau sẽ mệt, nhưng mà không dừng lại được. Ban đầu em thấy kiệt sức, nhưng giờ thành thói quen luôn rồi, bây giờ mà bắt em bỏ điện thoại hay không cho mở máy tính trong một ngày chắc em không chịu nổi”.

Không chỉ các em học sinh, sinh viên, ngay cả những người đã đi làm cũng rơi vào vòng xoáy phụ thuộc vào màn hình. Anh Nguyễn Quốc Việt (Phường 5, TP Cà Mau), nhân viên văn phòng, cho biết: “Nhiều lúc tôi thấy điện thoại như là một phần cơ thể mình luôn, không rời được. Ðang làm việc mà cứ vài phút lại mở điện thoại ra kiểm tra mạng xã hội, dù chẳng có việc gì cần thiết cả”.

Theo báo cáo từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khoảng 1 trong 7 trẻ em và thanh thiếu niên từ 10-19 tuổi phải đối mặt với các vấn đề sức khỏe tâm thần, phổ biến nhất là lo âu, trầm cảm và rối loạn hành vi. Một tỷ lệ đáng kể các trường hợp này bắt đầu trước 14 tuổi và hơn một nửa xuất hiện trước 18 tuổi. Việc sử dụng thiết bị điện tử, bao gồm điện thoại thông minh và máy tính, nếu không được kiểm soát, có thể gây mất ngủ, căng thẳng kéo dài và ảnh hưởng tiêu cực đến cảm xúc và mối quan hệ xã hội.

Sự phụ thuộc vào điện thoại trong giờ học khiến học sinh mất tập trung, ảnh hưởng đến hiệu quả học tập và dễ dẫn đến các vấn đề về sức khỏe tâm lý. (Ảnh minh họa)

Sự phụ thuộc vào điện thoại trong giờ học khiến học sinh mất tập trung, ảnh hưởng đến hiệu quả học tập và dễ dẫn đến các vấn đề về sức khỏe tâm lý. (Ảnh minh họa)

Tiến sĩ, Bác sĩ Lê Nguyễn Trọng Nhân, Bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau, cho rằng: “Hội chứng màn hình xanh không phải là một căn bệnh riêng lẻ mà là tập hợp các vấn đề tâm lý, phát sinh từ việc sử dụng công nghệ thiếu kiểm soát. Các biểu hiện phổ biến bao gồm rối loạn giấc ngủ, lo âu, giảm khả năng tập trung và rối loạn cảm xúc. Ðặc biệt, ánh sáng xanh từ màn hình có khả năng ức chế việc sản sinh melatonin - hormone giúp điều hòa giấc ngủ. Khi tiếp xúc với ánh sáng này trong thời gian dài, cơ thể sẽ khó chìm vào giấc ngủ sâu, dẫn đến tình trạng mất ngủ kéo dài. Ðiều này lý giải tại sao nhiều bạn trẻ thường cảm thấy uể oải, mệt mỏi vào mỗi buổi sáng.

Chị Lê Ngọc Hân, Trưởng khoa Vật lý trị liệu, Bệnh viện Y dược cổ truyền - Phục hồi chức năng tỉnh, cho biết: “Không chỉ có vấn đề về tâm lý, việc ngồi lâu trước màn hình còn dẫn đến hàng loạt vấn đề thể chất nghiêm trọng. Các bệnh nhân trẻ tuổi ngày càng nhiều, họ thường xuyên gặp phải triệu chứng đau cổ, vai, lưng, thậm chí là tình trạng thoái hóa khớp. Chưa kể, việc ít vận động còn làm tăng nguy cơ béo phì và suy giảm thị lực. Hiện nay, bệnh viện chúng tôi đã tiếp nhận rất nhiều trường hợp điều trị cho nhóm đối tượng này, điều này cho thấy mức độ tác hại của việc lạm dụng công nghệ”.

Cô Trần Ngọc Trân, giáo viên Trường THPT Tân Ðức (xã Tân Ðức, huyện Ðầm Dơi), không khỏi lo lắng: “Nhiều học sinh bây giờ khó tập trung trong giờ học, các em đang học bài mà cứ liếc nhìn điện thoại, thậm chí có em còn kiểm tra tin nhắn ngay giữa giờ học. Việc này ảnh hưởng rất lớn đến kết quả học tập. Tôi nhắc nhở nhiều lần mà các em vẫn chưa thay đổi”. Theo cô Trân, thói quen gắn liền với điện thoại không chỉ khiến học sinh giảm khả năng tiếp thu kiến thức mà còn tạo ra một vòng luẩn quẩn, càng sử dụng nhiều các em càng dễ bị xao nhãng, kéo theo sự sa sút cả trong học tập lẫn đời sống tinh thần.

Sống trong thời đại số, công nghệ là không thể thiếu, nhưng thay vì để nó điều khiển, hãy học cách biến công nghệ trở thành công cụ phục vụ cuộc sống của bạn. Và hơn ai hết, các bạn trẻ là những người đang xây dựng tương lai của mình, cần học cách làm chủ công nghệ để bảo vệ sức khỏe thể chất và tinh thần, xây dựng một cuộc sống cân bằng và hạnh phúc.

Một số biện pháp để điều chỉnh thói quen phụ thuộc vào màn hình, theo khuyến cáo củaWHO:

Thứ nhất, hãy đặt ra thời gian sử dụng hợp lý. Thay vì dành hàng giờ liền cho màn hình, hãy thử áp dụng nguyên tắc “20-20-20”, cứ mỗi 20 phút nhìn vào màn hình, hãy rời mắt khỏi nó và nhìn ra xa 20 feet (khoảng 6 m) trong 20 giây để thư giãn.

Thứ hai, tăng cường các hoạt động ngoài trời. Việc tham gia thể thao hoặc các hoạt động cộng đồng không chỉ giúp cân bằng tâm lý mà còn cải thiện thể chất.

Thứ ba, cần có sự hỗ trợ từ gia đình, nhà trường và cộng đồng. Các bậc phụ huynh nên tạo ra những giờ “không công nghệ” trong gia đình để khuyến khích con trẻ tham gia các hoạt động thực tế. Các trường học có thể tổ chức các buổi tuyên truyền về tác hại của việc lạm dụng thiết bị điện tử và cách sử dụng chúng một cách lành mạnh.

Việt Mỹ

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/tim-hieu-hoi-chung-man-hinh-xanh--a36673.html