Tìm giải pháp phát triển logistics để khơi luồng hàng hóa cho ĐBSCL

Theo các chuyên gia, để gỡ những điểm nghẽn về dịch vụ logistic của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), cần nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó chú trọng tăng cường và cải thiện cơ sở hạ tầng logistics của vùng.

Logistics chưa tương xứng với tiềm năng

Tại Diễn đàn Logistics Việt Nam 2023, nhiều chuyên gia đã tham gia đóng góp ý kiến, để tìm giải pháp tháo gỡ những khó khăn, thúc đẩy logistics vùng ĐBSCL cất cánh.

ĐBSCL là vùng trọng điểm kinh tế, đóng góp khoảng 50% sản lượng gạo, 65% sản lượng thủy sản và 70% sản lượng trái cây xuất khẩu cả nước. Theo các chuyên gia, điểm mạnh dễ nhận thấy trong phát triển logistics của ĐBSCL chính là hệ thống cảng trải dài trên khu vực sông Hậu và sông Tiền.

Bên cạnh đó, vùng có lợi thế với hệ thống sông, kênh dài 28.000km; trong đó 23.000km có khả năng khai thác vận tải, có 2 tuyến đường thủy huyết mạch từ TP Hồ Chí Minh đi Kiên Giang, Cà Mau và kênh Quan Chánh Bố cho tàu tải trọng lớn ra, vào sông Hậu.

Dù tiềm năng và nhu cầu đối với dịch vụ logistics là rất lớn nhưng hiện nay hạ tầng và năng lực của ngành dịch vụ logistics tại khu vực còn nhiều hạn chế, chưa đóng góp được nhiều cho sự phát triển kinh tế - xã hội cho vùng.

Ông Lê Quang Trung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam đưa ra giải pháp thúc đẩy phát triển logistics tại ĐBSCL. Ảnh: CT

Những điểm nghẽn của logictics ĐBSCL

Nhận định về hệ thống logistics vùng ĐBSCL, ông Lê Quang Trung - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) cho biết: Tại 13 tỉnh ĐBSCL có 1.461 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics, chiếm khoảng 4,39% cả nước. Tuy nhiên, doanh nghiệp logistics chuyên nghiệp rất hạn chế, chủ yếu là các doanh nghiệp nông nghiệp.

Theo ông Lê Quang Trung, điểm nghẽn lớn nhất đối với phát triển kinh tế ĐBSCL chính là hệ thống logistics (chi phí chiếm đến 30% giá thành), kết nối tất cả các bên trong toàn bộ chu trình sản xuất tới tiêu dùng.

“Hệ thống logistics khu vực ĐBSCL thiếu tính liên kết đồng bộ, cơ sở hạ tầng không đáp ứng nhu cầu thực tế. Hạ tầng giao thông kết nối vùng trồng còn hạn chế, thiếu trung tâm đầu mối nông sản - hệ sinh thái dịch vụ logistics nông sản. Phần lớn các dịch vụ logistics chỉ dừng lại ở từng hoạt động riêng lẻ nên thường gây ra chậm trễ, chi phí phát sinh cao.” - ông Lê Quang Trung nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, ông Trần Việt Trường - Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho rằng, hoạt động phát triển logistics tại TP Cần Thơ và vùng ĐBSCL vẫn còn một số tồn tại, hạn chế.

Cụ thể, về đường bộ, vẫn còn các tuyến cao tốc trục dọc, trục ngang và các tuyến đường tỉnh, đường trục chính đô thị quan trọng đang trong quá trình triển khai đầu tư xây dựng. Về đường thủy nội địa, phần lớn các cảng, bến thủy nội địa có quy mô vừa và nhỏ, chưa có cảng tổng hợp hành khách, hàng hóa quy mô cấp vùng.

Đối với đường biển, cụm cảng biển Cần Thơ chưa khai thác hiệu quả do hệ thống kho bãi, hậu cần logistics chưa được đầu tư đồng bộ, luồng cho tàu biển có tải trọng lớn vào sông Hậu hiện nay chưa đáp ứng yêu cầu đạt mức nước độ sâu khai thác cho tàu tải trọng từ 10.000 đến 20.000 tấn.

Đặc biệt, hiện vùng chưa xây dựng được trung tâm logistics cảng biển, hàng không cấp vùng; một số bến xe khách trung tâm chưa có nhà đầu tư xây dựng và khai thác. Các trung tâm logistics đóng vai trò kết nối TP Cần Thơ với vùng và quốc tế chưa được đầu tư, xây dựng… dẫn đến chi phí logistics còn cao, chi phí vận tải chiếm 30 đến 40% giá thành sản phẩm. Điều này làm giảm khả năng cạnh tranh dịch vụ, hàng hóa của các doanh nghiệp TP Cần Thơ nói riêng và vùng ĐBSCL nói chung.

Quang cảnh diễn đàn. Ảnh: Hồng Thắm

Giải pháp phát triển logistics, khơi luồng hàng hóa cho ĐBSCL

Để logistics vùng ĐBSCL phát triển bền vững và bài bản, ông Lê Quang Trung - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam đưa ra giải pháp, cần tăng cường và cải thiện cơ sở hạ tầng logistics (kho bãi và vận chuyển) theo hướng chuyên môn hóa các công đoạn. Tăng cường vận tải đa phương thức và phát triển dịch vụ vận tải hàng không air cargo để tăng thời hạn sử dụng cho hàng nông thủy sản xuất khẩu.

Đồng thời, đầu tư hệ thống nhà kho thông minh kết hợp công nghệ bảo quản hiện đại đáp ứng nhu cầu lưu giữ kết hợp với đóng gói hàng hóa đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Cần đánh giá tiềm năng, thế mạnh, lựa chọn đối tác, mô hình cho liên kết vùng. Xây dựng và phát triển mạng lưới cung ứng và dịch vụ logistics cho vùng ĐBSCL, nhằm kết nối vận chuyển hàng hóa từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ nhanh nhất, chi phí thấp hơn.

Với vai trò là trung tâm vùng ĐBSCL, để tháo gỡ những điểm nghẽn về logistics của vùng, ông Trần Việt Trường cho biết: “Theo quy hoạch TP Cần Thơ có 03 trung tâm phát triển logistics phục vụ chung cho vùng ĐBSCL. Song song đó, TP đang hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông, tăng cường tính liên kết, kết nối với khu vực. Về đường hàng không, nâng cấp mở rộng Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ. Về đường bộ, tiếp tục đầu tư xây dựng hoàn thành đưa vào khai thác 03/03 trục đường bộ cao tốc qua địa bàn TP.

Đối với đường biển, TP đã thành lập Tổ công tác đối với chính sách về Nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An - Cần Thơ theo Nghị quyết số 45/2022/QH15 của Quốc hội. Xây dựng khu bến Cảng Cần Thơ trở thành cảng tổng hợp quốc gia đầu mối của khu vực (loại I) để từng bước triển khai thực hiện quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển ĐBSCL (nhóm 6)…

Ngoài ra, nhiều chuyên gia cho rằng, cần đẩy mạnh chuyển đổi số trong logistics để giúp giảm chi phí , nâng cao chất lượng dịch vụ và trải nghiệm khách hàng, tăng tính liên kết trong nội bộ tổ chức và giữa các bên trong chuỗi cung ứng. Từ đó cải thiện hiệu suất, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nói riêng, của ngành dịch vụ logistics và toàn bộ nền kinh tế nói chung.

Hồng Thắm

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/tim-giai-phap-phat-trien-logistics-de-khoi-luong-hang-hoa-cho-dbscl.html