Tìm giải pháp nuôi trồng thủy sản bền vững

Mới đây, tại TX Sông Cầu, Trung tâm Khuyến nông tỉnh tổ chức hội thảo chuyên đề về giải pháp nuôi trồng và phát triển thủy sản bền vững. Tại hội thảo này, nhiều đại biểu tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến nhằm phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững.

Ngư dân TX Sông Cầu đầu tư lồng nuôi bằng vật liệu mới HDPE để nuôi thủy sản. Ảnh: ANH NGỌC

Ngư dân TX Sông Cầu đầu tư lồng nuôi bằng vật liệu mới HDPE để nuôi thủy sản. Ảnh: ANH NGỌC

Còn nhiu bt cp

Vùng biển hở gần bờ và xa bờ ở Phú Yên có diện tích khoảng 34.000km2, rất thuận lợi để phát triển nuôi biển công nghiệp. Nghề nuôi biển ở Phú Yên đã phát triển hơn 30 năm nay, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho khoảng 6.000 lao động. Tuy nhiên, thực trạng nuôi trồng thủy sản (NTTS) hiện nay ở Phú Yên thiếu bền vững.

Ông Phạm Văn Phải ở phường Xuân Thành (TX Sông Cầu) cho biết: Thực trạng hiện nay cho thấy, môi trường các vùng NTTS ở TX Sông Cầu đều bị ô nhiễm. Nguyên nhân là mật độ lồng bè nuôi quá dày, trong khi đó chính quyền địa phương chưa giao đất mặt nước để người dân NTTS ổn định, lâu dài. Lâu nay, người nuôi tôm hùm chủ yếu sử dụng thức ăn tươi sống cho tôm ăn (chưa có thức ăn công nghiệp để thay thế), dẫn đến môi trường nuôi ngày càng ô nhiễm, khi gặp thời tiết bất lợi thì xảy ra tình trạng thủy sản nuôi chết hàng loạt, gây thiệt hại lớn.

Theo ông Đỗ Thanh Phước ở xã Xuân Thịnh (TX Sông Cầu), hiện nay, đa số lồng bè nuôi thủy sản ở TX Sông Cầu chủ yếu làm bằng vật liệu truyền thống như gỗ, tre, phuy nhựa… chưa thích ứng với sóng to gió lớn khi xảy ra thiên tai. Người nuôi thủy sản cũng rất muốn chuyển đổi từ lồng bè truyền thống sang lồng nuôi bằng vật liệu mới HDPE, nuôi theo hướng công nghiệp, nhưng giá thành đầu tư rất cao. Đối với con giống, đặc biệt là tôm hùm giống, người nuôi vẫn biết mua con giống trôi nổi trên thị trường thì chất lượng không đảm bảo, nhưng giá lại rẻ gấp nhiều lần so với con giống có giấy tờ đầy đủ…

Tính đến cuối tháng 6/2024, Phú Yên có hơn 186.000 lồng nuôi thủy sản, trong đó TX Sông Cầu hơn 134.600 lồng, huyện Tuy An hơn 12.900 lồng, TX Đông Hòa 38.500 lồng. Ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y (Sở NN&PTNT) cho biết: Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn TX Sông Cầu xảy ra hai đợt tôm hùm, cá biển nuôi chết đột ngột do môi trường, thiệt hại khoảng 45,7 tỉ đồng.

Nguyên nhân là do mật độ lồng nuôi quá dày, nhiều bè nuôi nhuyễn thể để làm thức ăn cho tôm hùm gây cản trở nước lưu thông và tiêu thụ nhiều ôxy vào ban đêm dẫn đến hiện tượng thiếu ôxy cục bộ. Bên cạnh đó, trong khoảng thời gian xảy ra hiện tượng tôm, cá chết, thời tiết nắng nóng kéo dài kết hợp với mưa dông vào chiều tối gây hiện tượng phân tầng nhiệt, thúc đẩy quá trình phân hủy chất hữu cơ tầng đáy, tiêu hao hàm lượng ôxy hòa tan, phát sinh khí độc… làm tôm, cá nuôi chết.

Theo ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN&PTNT, UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương sắp xếp lại các vùng NTTS ở vịnh Xuân Đài, đầm Cù Mông (TX Sông Cầu), đầm Ô Loan (huyện Tuy An) và vịnh Vũng Rô (TX Đông Hòa). Tuy nhiên đến nay, số lồng bè tại các vùng nuôi không những giảm mà tiếp tục tăng, gây ra hiện tượng quá tải trên các đầm vịnh, gây ô nhiễm môi trường và dẫn đến tình trạng tôm hùm, cá nuôi chết như thời gian vừa qua.

Các thương lái thu mua tôm hùm nuôi ở TX Sông Cầu. Ảnh: ANH NGỌC

Các thương lái thu mua tôm hùm nuôi ở TX Sông Cầu. Ảnh: ANH NGỌC

Để phát trin bn vng

Ông Bùi Văn Bấc ở xã Xuân Thịnh kiến nghị: Tỉnh cần có chính sách hỗ trợ để người dân chuyển đổi từ lồng bè truyền thống sang lồng bè bằng vật liệu mới, NTTS theo hướng công nghiệp bền vững. Các ngành chức năng tăng cường quản lý con giống thủy sản.

Các nhà khoa học xây dựng các mô hình, chuyển giao các đối tượng nuôi mới đạt hiệu quả kinh tế cao, nghiên cứu sản xuất giống tôm hùm nhân tạo và thức ăn công nghiệp cho tôm hùm. Chính quyền địa phương, ngành chức năng sớm sắp xếp lại lồng bè ở các vùng nuôi, sớm giao đất mặt nước để NTTS ổn định, tăng cường quản lý vùng nuôi, đưa ra những cảnh báo sớm về môi trường tại các vùng nuôi.

Hiện nay, Công ty TNHH Thủy sản Đắc Lộc đã hoàn thiện công nghệ nuôi thương phẩm tôm hùm trong bể trên bờ với quy mô nuôi thương phẩm hàng hóa. Mô hình này được xem là hướng đi mới, giải pháp phát triển chuỗi giá trị tôm hùm bền vững. Công ty cũng đã xây dựng được mô hình RAS (hệ thống nuôi trồng thủy sản tuần hoàn) hoàn chỉnh nuôi tôm hùm với quy mô hàng hóa. Công ty đang chuyển giao công nghệ mới này đến người nuôi trong và ngoài tỉnh có nhu cầu.

Còn ông Trần Thanh Trí, Giám đốc kinh doanh Công ty CP Nuôi trồng thủy sản STP Khánh Hòa cho biết: Lồng nuôi bằng vật liệu HDPE có tính mềm dẻo, độ bền cao, chống chịu sóng gió, thời gian sử dụng đến 40-50 năm và thân thiện với môi trường. Ngoài cung cấp mới, công ty đang đưa ra giải pháp hỗ trợ bà con NTTS tiếp cận lồng nuôi HDPE như cho thuê, mua trả góp với giá ưu đãi, hỗ trợ tới 30% chi phí chuyển đổi.

Theo bà Lê Thị Hằng Nga, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT), hiện nay, chuyển đổi sang lồng nuôi HDPE là xu hướng tất yếu trong NTTS trên biển, được các nước tiên tiến áp dụng rộng rãi. Bà con NTTS ở Phú Yên cũng cần chuyển đổi sang lồng nuôi này và nuôi theo hướng công nghiệp để vừa thích ứng với thiên tai, vừa đảm bảo cảnh quan môi trường.

Về vấn đề thức ăn cho tôm hùm, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III đã nghiên cứu, sản xuất thức ăn công nghiệp cho tôm hùm nuôi trong bể tái sử dụng nước bằng hệ thống RAS. Hiện nay, nuôi thương phẩm trong hệ thống RAS đang áp dụng 50% thức ăn viên công nghiệp và 50% thức ăn tươi cho tôm hùm bông, còn tôm hùm xanh có thể áp dụng 100% thức ăn viên đến cỡ trọng lượng tôm đạt 0,25kg/con.

TS Nguyễn Đình Quang Duy, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III cho biết: Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III đã thử nghiệm và sản xuất thành công nhiều giống thủy sản có giá trị nuôi kinh tế. Đơn vị đã chủ động công nghệ sản xuất giống và nuôi thương phẩm hải sâm cát, đây là đối tượng dễ nuôi, đầu tư thấp, ít dịch bệnh, đặc biệt cải tạo môi trường rất tốt.

Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III đang triển khai mô hình nuôi thương phẩm hải sâm cát ở các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ và thử nghiệm nuôi hải sâm ngoài đăng biển. Đơn vị đang xây dựng nghề nuôi trồng hải sâm cát bền vững, thân thiện môi trường và có tính cạnh tranh cao tại Việt Nam và thế giới.

Theo Sở NN&PTNT, đơn vị đang xây dựng Đề án tổng thể phát triển ngành NTTS Phú Yên giai đoạn 2021-2025. Đến nay, các địa phương đã thực hiện xong việc kiểm đếm lồng bè và đang quản lý không để phát sinh lồng bè mới.

Ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Để tăng cường công tác quản lý NTTS thời gian tới, các địa phương căn cứ quy hoạch sử dụng đất của địa phương, theo định hướng phát triển NTTS của tỉnh để xây dựng phương án, đề án chi tiết sắp xếp lại các vùng NTTS của địa phương mình. Các địa phương thực hiện giao khu vực biển, đất có mặt nước NTTS cho các tổ chức, cá nhân đủ điều kiện, nhằm phát triển NTTS theo hướng bền vững, ổn định. Các địa phương cần huy động nguồn kinh phí, nhân lực và sớm tháo gỡ một số vướng mắc, bất cập để cưỡng chế lồng bè vi phạm.

Tỉnh đang điều chỉnh cơ cấu diện tích NTTS giảm dần đến ổn định đối với diện tích nuôi đầm, vịnh, vùng biển ven bờ, đồng thời phát triển tương ứng tại các vùng biển hở và một số vùng nuôi công nghệ cao trên bờ. Phú Yên khuyến khích phát triển các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao, ứng dụng công nghệ nuôi tiên tiến, dễ mở rộng thị trường tiêu thụ như tôm thẻ chân trắng, tôm sú, tôm hùm, cá biển và thủy đặc sản…

Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Trọng Tùng

ANH NGỌC

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/82/319623/tim-giai-phap-nuoi-trong-thuy-san-ben-vung.html