Tiếp tục hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể

Kinh tế tập thể (KTTT) với nòng cốt là các tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX) có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế nông nghiệp. Thời gian qua, với những chính sách hỗ trợ của các cấp, các ngành, hoạt động của các loại hình KTTT trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Nhiều kết quả khả quan

HTX Dịch vụ Sản xuất và Thương mại nông nghiệp Hương Trang (xã Bình Hòa Trung, huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An) có 683 thành viên, diện tích sản xuất gần 1.500ha. Hiện HTX ứng dụng công nghệ cao trên cây lúa, cung ứng vật tư nông nghiệp, giống, cơ giới hóa trong sản xuất (sử dụng máy sạ cụm, phun thuốc bằng máy bay không người lái, thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp,...). Đồng thời, HTX cũng thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ với Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời thu mua lúa cho thành viên HTX và người dân trong vùng.

Việc ký kết bao tiêu với các doanh nghiệp giúp thành viên Hợp tác xã Dịch vụ Sản xuất và Thương mại nông nghiệp Hương Trang an tâm về đầu ra

Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Dịch vụ Sản xuất và Thương mại nông nghiệp Hương Trang - Trần Văn Sửa cho biết: Thông qua việc ký kết bao tiêu đầu ra với các doanh nghiệp, thành viên HTX không chỉ tăng lợi nhuận trên cùng diện tích canh tác mà còn thay đổi phương thức, tư duy sản xuất theo hướng đáp ứng nhu cầu thị trường, không sản xuất theo cái mình đang có. Điển hình, các thành viên HTX chú trọng sử dụng giống lúa xác nhận, chất lượng cao, đưa cơ giới vào đồng ruộng.

Với 30 thành viên và trên 50ha chanh, HTX Dịch vụ Nông nghiệp Bến Lức (xã Lương Hòa, huyện Bến Lức) đang sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên cây chanh, sản xuất chanh theo tiêu chuẩn VietGAP. Đồng thời, HTX còn liên kết sản xuất, tiêu thụ với các doanh nghiệp thu mua chanh.

Ông Nguyễn Văn Minh - thành viên HTX Dịch vụ Nông nghiệp Bến Lức, chia sẻ: “Bên cạnh lợi nhuận tăng, lợi ích lớn nhất khi tham gia HTX là sự hỗ trợ về kỹ thuật, giống, thu hoạch,... Các loại máy móc được đẩy mạnh trong sản xuất nhằm giảm công lao động. Các tiêu chuẩn về vệ sinh môi trường, an toàn lao động được nâng cao”.

Bên cạnh hỗ trợ, tạo điều kiện cho các HTX phát triển, thời gian qua, các THT ở lĩnh vực sản xuất nông nghiệp cũng phát huy hiệu quả, giúp nông dân phát triển kinh tế.

Hoạt động của các THT, HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh ngày càng đa dạng và phong phú hơn trước từ dịch vụ cung ứng đầu vào đến tiêu thụ sản phẩm, tham gia liên kết tiêu thụ, xây dựng liên kết sản xuất đối với lúa và góp phần liên kết tiêu thụ một số sản phẩm chủ lực của địa phương như lúa, rau, chanh, thanh long,...

Tiếp tục hỗ trợ để kinh tế tập thể phát triển

Thời gian qua, tỉnh luôn xác định nông nghiệp là thế mạnh, giữ vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; phát triển KTTT vừa là nhiệm vụ, vừa là giải pháp quan trọng để xây dựng, phát triển nền nông nghiệp hiện đại, bền vững. Do đó, tỉnh có nhiều chính sách hỗ trợ cho HTX phát triển như vốn vay, khoa học, công nghệ, cơ giới hóa, sản xuất theo chuỗi giá trị. Từ đầu năm 2023 đến nay, toàn tỉnh thành lập mới 20 HTX và 70 THT trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp.

Nông dân ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất chanh

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Hồ Thị Ngọc Lan thông tin: Để hỗ trợ KTTT phát triển, thời gian qua, ngành phối hợp các ngành liên quan triển khai các chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho HTX như hỗ trợ kinh phí đầu tư máy móc sơ chế cho 2 HTX; hỗ trợ kinh phí cho 6 HTX sản xuất đạt chứng nhận VietGAP và 4 HTX xây dựng mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao trên cây lúa, cây chanh; hỗ trợ kinh phí cho 29 HTX xây dựng 8 dự án và 21 kế hoạch liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; tổ chức 6 lớp tập huấn bồi dưỡng nguồn nhân lực cho các HTX nông nghiệp; hỗ trợ các HTX nông nghiệp tham gia các hội chợ triển lãm thương mại, hội nghị xúc tiến đầu tư do các ngành chức năng của tỉnh, huyện và các đơn vị tỉnh bạn tổ chức;…

“Thời gian tới, Sở tiếp tục phối hợp các sở, ngành liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức cho cán bộ quản lý nhà nước về KTTT, cán bộ quản lý, thành viên HTX và người dân về bản chất của KTTT. Tiếp tục triển khai, thực hiện các chính sách hỗ trợ, phát triển HTX theo quy định. Thường xuyên tổ chức đối thoại, gặp gỡ giữa các HTX nông nghiệp, thành viên HTX và nông dân để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc sản xuất, kinh doanh, tiếp cận chính sách.

Tập trung hỗ trợ HTX nông nghiệp xây dựng nhãn hiệu, xúc tiến thương mại, xây dựng chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, xây dựng sản phẩm OCOP. Ngoài ra, Sở tổ chức các đoàn công tác khảo sát, đánh giá lại tình hình hoạt động của các HTX nông nghiệp, đặc biệt là các HTX trong vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng ứng dụng công nghệ cao của tỉnh, trong các xã đạt chuẩn nông thôn mới và xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao” - bà Hồ Thị Ngọc Lan thông tin thêm./.

Toàn tỉnh hiện có 3 liên hiệp HTX với 12 HTX thành viên, 235 HTX với 7.400 thành viên, 1.370 THT với 20.400 thành viên. Trong đó, có 80 HTX hoạt động hiệu quả (khá, tốt), chiếm gần 35% số lượng HTX toàn tỉnh; 2 liên hiệp HTX hoạt động hiệu quả, chiếm 67% số lượng liên hiệp HTX toàn tỉnh.

Minh Tuệ

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/tiep-tuc-ho-tro-phat-trien-kinh-te-tap-the-a165233.html