Tiếp lửa niềm tin từ sự chân thực và sáng tạo

Niềm tin là một khái niệm trừu tượng nhưng xây dựng, tiếp lửa niềm tin lại bằng những thông tin, bằng chứng cụ thể, chân thực, tiêu biểu, bất ngờ, gây xúc động…

Trong bài viết này, chúng tôi thử đi tìm công thức “tiếp lửa niềm tin” - tuyên truyền giáo dục hiệu quả thông qua các chương trình sự kiện truyền hình trọng điểm của đất nước. Bài viết đề cập ba sự kiện truyền hình lớn được thực hiện trong thời gian qua: Kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (2/9/1969 - 2/9/2019), 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2020) và 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2020). Đây là ba trong số các chương trình Đài Truyền hình Việt Nam đã thực hiện năm 2019 và 2020 với chủ đề “Hồ Chí Minh - Hành trình khát vọng” và Cầu truyền hình “Ánh sáng niềm tin”.

Với những chương trình sự kiện trọng điểm của đất nước, các chương trình chính luận lịch sử thường gặp thách thức liên quan đến hai khía cạnh: Một là, sự kiện của đất nước mang tầm vóc lớn, có tính khái quát không thể đáp ứng ngay những nhu cầu thông tin cá nhân sát sườn như các vấn đề dân sinh, kinh tế, xã hội, an toàn, sức khỏe… Hai là, những đề tài lịch sử và chính luận càng có độ lùi xa về thời gian thì càng được khai thác và nhắc lại nhiều lần, nên hầu như công chúng không thiếu những thông tin chủ yếu về nhân chứng và sự kiện trong các đề tài đó. Đối mặt với những thách thức đó, đội ngũ thiết kế nội dung tuyên truyền giáo dục qua truyền hình đứng trước câu hỏi phải làm thế nào để khơi gợi, tác động và thỏa mãn nhu cầu tìm hiểu thông tin của công chúng về những đề tài chính luận lịch sử quan trọng.

Khi làm các chương trình chính luận lịch sử, chúng tôi luôn coi trọng những khía cạnh: cụ thể, chân thực, có mục đích, định hướng, có cách thức phù hợp.

CÂU CHUYỆN THỨ NHẤT

Khi thực hiện phóng sự “Bác Hồ và sự thành lập Đảng” trong chương trình Cầu truyền hình “Ánh sáng niềm tin” thực hiện vào ngày 3/2/2020, yêu cầu đặt ra đối với chúng tôi là cần chuyển tải được những nội dung: Tháng 7/1920, Nguyễn Ái Quốc đọc bản Sơ thảo lần thứ nhất những đề cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lênin; tại Đại hội Tours tháng 12/1920, Người đã dứt khoát đứng về phía Quốc tế Cộng sản, tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp; giữa những năm 20 của thế kỷ XX, Nguyễn Ái Quốc quyết định tìm đường trở về Tổ quốc để phát động và tổ chức phong trào cách mạng; tháng 6/1925, Nguyễn Ái Quốc đã tổ chức ra Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên; từ giữa tháng 6 đến tháng 9/1929, đã có ba tổ chức đảng ở Việt Nam lần lượt tuyên bố thành lập; từ ngày 6/1 đến ngày 7/2/1930, Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản đã họp dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc. Hội nghị đã thống nhất 3 tổ chức cộng sản: Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng và Đông Dương Cộng sản Liên Đoàn thành một Đảng, lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam.

Với đặc trưng của truyền hình là tính hình ảnh, chương trình có thể sử dụng những tư liệu lịch sử như bài viết, bức ảnh, bài báo để thể hiện những nội dung trên. Tuy nhiên, phóng sự vẫn cần có những chi tiết cụ thể hơn để người xem dễ hiểu, dễ hình dung. Vì vậy, nhóm biên tập đã chọn những cách thức thể hiện như sau: 1) Câu chuyện cụ thể của Bác được tái hiện bằng nghệ thuật truyền hình dựa trên các tài liệu lịch sử; 2) Bối cảnh diễn ra câu chuyện, lời nói và hành động của Bác, những hiểm nghèo Người đã vượt qua để chuẩn bị mọi mặt cho sự kiện thành lập Đảng 3/2/1930; 3) Dựa vào những bài báo của Bác viết khi ở Pháp, những bản báo cáo của Bác gửi Quốc tế cộng sản, kết hợp bình luận, phân tích của các nhà nghiên cứu để người xem hình dung rõ vai trò của Hồ Chí Minh trong sự kiện lịch sử nói trên

Nhờ có những chi tiết cụ thể được thể hiện sống động, gây ấn tượng mà một đề tài lịch sử khó như “Bác Hồ và sự thành lập Đảng” đã được trình bày dễ hiểu, dễ nhớ và đạt được hiệu quả tuyên truyền.

CÂU CHUYỆN THỨ HAI

Đó là câu chuyện cảm động của một chiến sĩ cộng sản luôn giữ vững niềm tin vào Đảng trong chương trình Cầu truyền hình “Ánh sáng niềm tin”. Nhóm biên tập chọn tấm gương người cộng sản Lưu Chí Hiếu để khắc họa sức mạnh của niềm tin vào Đảng. Phong trào chống ly khai Đảng ở Côn Đảo với tấm gương Lưu Chí Hiếu đã được đưa vào nhiều tài liệu tuyên truyền. Chính vì thế, cần cụ thể hóa hơn nữa câu chuyện này để khán giả dễ hình dung khi lịch sử đã lùi xa hơn nửa thế kỷ. Nhóm biên tập đã chọn cách thức tái hiện lịch sử, cùng lời kể cụ thể của hướng dẫn viên Bảo tàng Côn Đảo. Tuy nhiên, ấn tượng xúc động với người xem lại ở tình tiết mới là chiến sĩ cộng sản Lưu Chí Hiếu đã để lại người con gái chưa biết mặt cha trước khi bị bắt ở Côn Đảo.

Cuộc phỏng vấn người con gái luôn chờ mong, thương nhớ người cha không bao giờ trở về (sau này chỉ được gặp cha qua tác phẩm Bất khuất của Nguyễn Đức Thuận) đã khắc họa và thể hiện sâu sắc hơn sự hy sinh vô bờ bến cho lý tưởng cộng sản, lý tưởng giải phóng dân tộc của các chiến sĩ cách mạng. Qua đó, chân dung của người chiến sĩ cộng sản Lưu Chí Hiếu hiện lên rõ nét sinh động. Phóng sự đã đạt được mục tiêu chuyển tải thông điệp: những người cộng sản luôn giữ vững niềm tin vào Đảng, dù là trong bối cảnh khó khăn, ngặt nghèo nhất, cận kề cái chết. Từ đó khơi gợi, đánh thức suy nghĩ của người xem về trách nhiệm thiêng liêng giữ vững lòng tin vào Đảng hôm nay.

MỤC ĐÍCH CÀNG RÕ RÀNG, HIỆU QUẢ TUYÊN TRUYỀN CÀNG CAO

Một yêu cầu quan trọng với công tác tuyên truyền là tính mục đích, tính định hướng. Tuyên truyền cho ai, tuyên truyền để làm gì là tiêu chí rất quan trọng cần đặt ra. Đối với một tác phẩm tuyên truyền, không có một chi tiết nào là không có lý do. Nếu có những chi tiết “không có lý do” sẽ có thể khiến nội dung đi xa mục đích, thậm chí làm thất bại, hỏng cả tác phẩm.

Với những sự kiện lịch sử mà chúng tôi nêu lên trong phạm vi nghiên cứu của bài viết này, mục đích ý nghĩa là kim chỉ nam và sợi chỉ đỏ xuyên suốt tác phẩm. Thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị và Kế hoạch số-03KH/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, nhân dịp sơ kết 3 năm thực hiện Chỉ thị 05 và 50 năm thực hiện Di chúc của Người, chương trình giao lưu điển hình toàn quốc 2019 trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với chủ đề “Hồ Chí Minh - Hành trình khát vọng” đã được phát sóng dịp 2/9/2019.

“Hồ Chí Minh - Hành trình khát vọng 2019” là một chương trình giao lưu với những con người của thời đại mới trên nhiều lĩnh vực trên một chuyến hành trình đặc biệt, trở về với những câu chuyện sinh thời của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chương trình đã ôn lại những câu chuyện của Người, để nói về những câu chuyện của ngày hôm nay, của thời đại hôm nay. Những nhân vật của chương trình đã có chuyến hành trình đến với những điểm mang dấu ấn của Bác và trở về trên sân khấu của cuộc giao lưu để cùng chia sẻ về chuyến đi, những trải nghiệm, những việc đã làm và bài học họ rút ra từ những trải nghiệm đáng quý này.

Với chương trình “Hồ Chí Minh - Hành trình khát vọng 2019”, mục đích ý nghĩa được xác định như sau: Thời đại Hồ Chí Minh; Tư tưởng Hồ Chí Minh; Đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là di sản to lớn Người để lại cho Đảng ta, dân tộc ta, nhân dân ta; toàn Đảng, toàn dân, mỗi con người Việt Nam trong nhiều năm qua đã ra sức phấn đấu, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Mục đích đó được thực hiện xuyên suốt 120 phút của chương trình thông qua hành trình của các nhân vật điển hình đến với những nơi có dấu ấn của tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh cả trong thực tế và trong tâm tưởng. Ba chuyến đi của các nhân vật tới các địa điểm: Bình Định - nơi Bác đã chia tay người cha để ra đi tìm đường cứu nước, thực hiện khát vọng độc lập tự do; Côn Đảo - nơi thể hiện rõ nét nhất niềm tin son sắt vào lý tưởng giải phóng dân tộc; Sóc Trăng - nơi có đền thờ Hồ Chí Minh trong những năm kháng chiến chống Mỹ. Qua đó, dẫn dắt người xem đồng hành, đồng cảm và nhận thức rõ mục đích, ý nghĩa tuyên truyền, giáo dục từ chương trình.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc tổ chức kỷ niệm một số ngày lễ và sự kiện lịch sử quan trọng trong năm 2020, chương trình Cầu truyền hình “Ánh sáng niềm tin” đã được chúng tôi tổ chức tại 4 điểm cầu Hà Nội, Hải Phòng, Vĩnh Long, Côn Đảo. Xác định đây là sự kiện chính trị đặc biệt quan trọng kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2020), yêu cầu đặt ra đối với chúng tôi là: thông qua chương trình phải làm nổi bật được ý nghĩa, giá trị tuyên truyền, giáo dục cao về chính trị tư tưởng. Đồng thời phải “làm mới” so với trước đây, để tăng tính hấp dẫn, có sức lay động lòng người, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, rộng khắp trong các tầng lớp xã hội; tôn vinh một cách chân thực, xúc động những tổ chức đảng, đảng viên tiêu biểu, những tấm gương dũng cảm trong chiến đấu, lao động sáng tạo; toát lên yêu cầu của thời đại, của dân tộc với các cán bộ đảng viên trong thời kỳ mới, trước ngưỡng cửa của Đại hội XIII, để từ đó tiếp tục “thắp lửa niềm tin” vào sự lãnh đạo của Đảng trong thời đại mới.

Để đạt được mục tiêu nêu trên, chủ đề “Ánh sáng niềm tin” được chúng tôi lựa chọn. Theo đó, phần mở đầu và kết thúc của chương trình đã được xây dựng theo ý tưởng “truyền lửa” với ý nghĩa như sau: Sự nghiệp cách mạng là một cuộc chạy tiếp sức của nhiều thế hệ đảng viên. Những đảng viên đầu tiên thắp lên ngọn lửa cách mạng. Ngọn lửa được truyền cho các lớp đảng viên tiếp theo. Trên đường đi của ngọn lửa, diễn tả bao quát các thách thức và những thành tựu lịch sử của Đảng trong 90 năm. Ngọn lửa được “thắp lên” từ cuốn “Đường kách mệnh” của Nguyễn Ái Quốc - tác phẩm lý luận đầu tiên của cách mạng Việt Nam và được rước về Hoàng thành Thăng Long, thắp sáng lên khát vọng xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường. Ý tưởng về ngọn lửa niềm tin tiếp tục được nuôi dưỡng xuyên suốt trong toàn bộ chương trình. Các phóng sự được cân nhắc và lựa chọn kĩ càng để nói lên phẩm chất quý giá của những đảng viên ưu tú được tôn vinh trong lịch sử 90 năm của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Cầu truyền hình “Ánh sáng niềm tin” đã được Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đánh giá cao, nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của khán giả xem truyền hình cả nước vì những thông tin, tư liệu lịch sử chính xác, có giá trị cao về tuyên truyền, giáo dục và mang tính thuyết phục, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước. Nội dung thể hiện trong chương trình đã đi đúng mục đích, khẳng định sự lựa chọn của Đảng Cộng sản Việt Nam là tất yếu lịch sử, Đảng hành động theo quy luật khách quan; những thắng lợi vĩ đại dưới sự lãnh đạo của Đảng trong suốt 90 năm qua là của nhân dân, của dân tộc Việt Nam.

Từ những ví dụ nêu trên, cho thấy: thông qua các sản phẩm báo chí, các phương tiện truyền thông trình bày các sự kiện theo cách đưa ra một quan điểm cụ thể và giải thích. Bằng cách như vậy, các phương tiện truyền thông đã đưa ra một khung tham chiếu mà qua đó câu chuyện được khán giả diễn giải. Nó cũng đặt “đường ray” cho những cuộc thảo luận tiếp theo về vấn đề này. Đó chính là tính mục đích, định hướng của các sản phẩm tuyên truyền. Mục đích ý nghĩa càng rõ ràng thì tác phẩm càng có hiệu quả tuyên truyền cao. Mục tiêu cuối cùng của các sản phẩm tuyên truyền chính là để hun đúc niềm tin, khơi dậy nhiệt tình và tinh thần hết lòng phục vụ của cán bộ, của quần chúng đối với sự nghiệp cách mạng do Đảng lãnh đạo.

Mục tiêu cuối cùng của các sản phẩm tuyên truyền chính là để hun đúc niềm tin, khơi dậy nhiệt tình và tinh thần hết lòng phục vụ của cán bộ, của quần chúng đối với sự nghiệp cách mạng do Đảng lãnh đạo.

TẠO SỰ HẤP DẪN, TẦM ẢNH HƯỞNG VÀ TÁC ĐỘNG CỦA THÔNG TIN

Theo chúng tôi, đối với tác phẩm tuyên truyền nói chung, sản phẩm tuyên truyền trên truyền hình nói riêng, những tình tiết mới lạbất ngờ chính là một trong những cách để “giải bài toán” làm thế nào tăng tính hấp dẫn, thuyết phục, qua đó góp phần “tiếp lửa niềm tin” cho công chúng. Những câu chuyện cụ thể, có cảm xúc là một trong những cách “giải quyết thách thức” khá hiệu quả đối với những chương trình giáo dục tuyên truyền. Bên cạnh đó là nhiều “bí quyết sáng tạo” mà người làm chương trình phải tìm ra, nếu muốn tác phẩm chinh phục được lòng người.

Trong chương trình “Hồ Chí Minh - Hành trình khát vọng 2020”, câu chuyện những lần gặp Bác và được Bác góp ý phê bình của Trung tướng Nguyễn Xuân Mậu, nguyên Phó Chính ủy Quân chủng Phòng không không quân, đã gây bất ngờ và xúc động cho khán giả. Bất ngờ vì đã 99 tuổi, người cựu chiến binh vẫn rất minh mẫn, nhớ kỹ bảy lần gặp Bác. Những lời dạy của Bác Hồ thông qua lời kể của nhân chứng đã tạo hiệu ứng với người xem, qua đó làm thấm thía hơn tư tưởng “phải đặt quyền lợi của nhân dân lên trên hết” của Người.

Cũng trong chương trình “Hồ Chí Minh - Hành trình khát vọng 2020”, Thượng tá Trịnh Quốc Việt, Bí thư chi bộ, Phó Trưởng phòng, Phòng Phòng chống ma túy và tội phạm, Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng Sơn đã gây xúc động về câu chuyện 34 năm xa gia đình làm công tác tuần tra biên giới, về một số chi tiết gian khổ “đến tận cùng” trong quá trình truy tìm tang vật cho những vụ án liên quan đến ma túy… cùng những giọt nước mắt của nhân chứng, những gian truân, vất vả và niềm tự hào của anh cùng đồng đội khi được dấn thân cho Tổ quốc… đã truyền cho khán giả sự rung động chân thực, thắp lên ngọn lửa niềm tin về quyết tâm của những chiến sĩ biên phòng làm theo lời Bác gìn giữ biên cương, phên dậu của Tổ quốc. Qua lời kể của “người trong cuộc”, khán giả xem truyền hình hiểu rõ hơn: khó khăn lớn nhất trong cuộc chiến với tội phạm ma túy chính là “cuộc chiến bên trong” - cuộc chiến với chính những so bì tính toán thiệt hơn của mỗi cá nhân khi đứng trước cám dỗ vật chất. “Chiến thắng bên trong” mới là chiến thắng lớn nhất.

Niềm tin là một khái niệm trừu tượng nhưng xây dựng, tiếp lửa niềm tin lại bằng những thông tin, bằng chứng cụ thể, chân thực, tiêu biểu, bất ngờ, gây xúc động… Chỉ với những câu chuyện và nhân vật như vậy, thông điệp truyền thông mới có thể chạm vào trái tim và khối óc, tạo sự rung động và lan tỏa trong xã hội. Tác động vào cảm xúc góp phần quan trọng trong việc thay đổi nhận thức, tạo ra niềm tin và hành vi tích cực.

Nêu bật thông tin và định hướng thông tin là phương pháp truyền thông gây ảnh hưởng và thuyết phục công chúng. Theo đó, sự cụ thể, chân thực, tính mục đích và cách thức tuyên truyền sáng tạo chính là “công thức” để nâng cao chất lượng, hiệu quả trong mỗi tác phẩm tuyên truyền (đặc biệt là tuyên truyền về những ngày lễ, sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước), để sản phẩm tuyên truyền, giáo dục đến được với đối tượng tiếp nhận. Trong thời đại truyền thông đa phương tiện, tuyên truyền cần có sự đổi mới để đi vào lòng người, tạo sự lan tỏa sâu rộng. Đây vừa là yêu cầu nhiệm vụ, đồng thời là điều kiện để công tác tuyên truyền thành công.

Năm 2020, cùng với nhiều vận hội lớn của đất nước là không ít những khó khăn, thách thức đặt ra. Điều này đòi hỏi công tác tuyên truyền, giáo dục, trong đó có các sản phẩm truyền hình phải không ngừng tăng cường chất lượng, hiệu quả, góp phần vào xây dựng, tiếp lửa niềm tin trong nhân dân. Với chủ trương và định hướng của Ban Tuyên giáo Trung ương, Đài Truyền hình Việt Nam đã và đang tiếp tục tìm tòi, nỗ lực thực hiện tốt hơn nữa các chương trình, sự kiện trọng điểm nhằm góp phần tạo hiệu ứng tích cực trong công tác tuyên truyền, giáo dục lòng tự hào về truyền thống dân tộc, tăng cường niềm tin vào lý tưởng cách mạng./.

TS. Tạ Bích Loan

Trưởng ban VTV3 Đài Truyền hình Việt Nam

Nguồn Tuyên Giáo: http://www.tuyengiao.vn/van-hoa-xa-hoi/van-hoa/tiep-lua-niem-tin-tu-su-chan-thuc-va-sang-tao-128960