Tiếp bước cho học sinh dân tộc thiểu số Nghệ An đến trường
Nghệ An với hơn 49.267 là người dân tộc thiểu số, chiếm 14,76% dân số toàn tỉnh. Trong đó, 129.568 là học sinh các cấp, với 91 trường chuyên biệt dành cho con, em vùng đồng bào dân tộc thiểu số .
Giáo dục Nghệ An trong những năm qua luôn có bước phát triển, chất lượng giáo dục đại trà ở giáo dục phổ thông đảm bảo ổn định vững chắc, chất lượng mũi nhọn tiếp tục nằm trong tốp đầu cả nước, tỷ lệ học sinh đậu tốt nghiệp THPT bình quân đạt 95% trở lên và là một trong những địa phương dẫn đầu phong trào học tập.
Công tác hướng nghiệp, dạy nghề luôn được chú trọng, ngày càng hiệu quả và thực chất hơn. Chất lượng giáo dục vùng dân tộc và miền núi có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao nguồn lực có chất lượng cho tỉnh nhà.
Theo số liệu từ Sở giáo dục và Đào tạo Nghệ An: Toàn tỉnh Nghệ An có 129.568 học sinh là người dân tộc thiểu số, chiếm 14,49% tổng số học sinh trên địa bàn, trong đó, mầm non có 28.694 cháu, tiểu học có 51.402 em, THCS có 36.190 em và THPT có 13.282. Với 91 trường chuyên biệt học dành cho con, em vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Nghệ An hiện có 2 Trường phổ thông dân tộc nội trú cấp THPT đó là: Trường Trung học phổ thông dân tộc nội trú (THPT DTNT) tỉnh với tổng số học sinh là 791 em và Trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học phổ thông số 2 (PTDTNT THPT) có số học sinh là 719 em; có 6 trường PTDTNT THCS đóng trên địa bàn các huyện vùng cao với tổng số 2.359 học sinh.
Các trường được đầu tư khá đầy đủ từ trang thiết bị dạy học đến khu vực ký túc xá. Học sinh tại đây, được hưởng chế độ theo Nghị định số 84/2020/NĐ-CP ngày 17/7/2020; Nghị định số 57/2017/NĐ-CP ngày 09/5/2017 của Chính phủ và Thông tư số 109/2009/TTLT/BTC-BGDĐT ngày 29/5/2009. Theo đó, có 3.686 học sinh được hưởng học bổng bằng 80% mức lương tối thiểu của Nhà nước với thời gian 12 tháng/năm.
Chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã thôn đặc biệt khó khăn theo quy định tại Nghị định số 116/2016/NĐ-CP của Chính phủ đã được tỉnh Nghệ An triển khai kịp thời, có hiệu quả, tạo điều kiện cho con em các gia đình ở vùng đặc biệt khó khăn, gia đình thuộc diện hộ nghèo ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới được đến trường học tập, qua đó, góp phần giúp các trường làm tốt công tác huy động học sinh ra lớp, hạn chế đến mức thấp nhất số học sinh bỏ học, tạo chuyển biến tích cực trong việc nâng cao chất lượng giáo dục của địa phương.
Cụ thể có 39 trường PTDTBTTH, 8 trường PTDTBT TH&THCS và 36 trường PTDTBT THCS đóng tại địa bàn các huyện Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, với 28.700 học sinh. Có 24.383 học sinh được hưởng chính sách theo Nghị định 116/2016 NĐ – CP. Theo đó, mỗi học sinh được hỗ trợ 40% tiền ăn, 10% tiền ở và 15kg gạo/tháng.
Song song với các chính sách hỗ trợ giáo dục từ Trung ương, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An đã ban hành một số chính sách khác như: Nghị quyết 57/2016/NQ-HĐND ngày 16/12/2016 quy định khoảng cách, địa bàn và tỷ lệ nấu ăn cho các trường PTDTBT và trường phổ thông nấu ăn tập trung cho học sinh theo; Nghị quyết số 10/2019/NQ- HĐND ngày 12/7/2019 quy định chế độ hỗ trợ nhân viên các trường phổ thông dân tộc bán trú và phổ thông dân tộc nội trú; định mức khoán kinh phí phục vụ việc nấu ăn cho học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú trên địa bàn tỉnh nghệ An…
Với việc triển khai các chính sách dành cho học sinh dân tộc thiểu số kịp thời mang lại hiệu quả thiết thực, giúp cho học sinh người dân tộc thiểu số có cơ hội được chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trong môi trường tốt hơn, nâng bước cho hàng nghìn học sinh dân tộc được đến trường. Góp phần quan trọng vào việc nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho địa phương