Tiên phong trong cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy - Bài 2: Nhận thêm nhiệm vụ, nỗ lực vì dân

'Hành trình' tinh gọn theo Nghị quyết 18-NQ/TW, Bộ Công an không chỉ giảm tầng nấc trung gian trong tổ chức bộ máy, mà còn nhận thêm 5 nhóm nhiệm vụ mới, mở rộng vai trò phục vụ nhân dân, minh chứng cho lý tưởng 'vì nước quên thân, vì dân phục vụ' – một truyền thống cao đẹp của lực lượng Công an Nhân dân.

Ngày 1/3/2025 đánh dấu một bước ngoặt lớn khi Bộ Công an tiếp nhận 5 nhóm nhiệm vụ mới từ các bộ ngành khác, bao gồm: Quản lý lý lịch tư pháp, sát hạch và cấp giấy phép lái xe, cai nghiện ma túy, an toàn thông tin mạng, và an ninh hàng không. Đây không chỉ là sự thay đổi về tổ chức, mà là một nỗ lực đồng bộ hóa quản lý nhà nước, mang lại lợi ích thiết thực cho hàng triệu người dân và doanh nghiệp trên cả nước.

Trước đây, ai từng đi xin phiếu lý lịch tư pháp chắc hẳn không quên cảnh chen chúc ở các văn phòng, chờ đợi hàng tuần, thậm chí cả tháng để có được tờ giấy cần thiết cho công việc, du học hay đơn giản là một thủ tục hành chính. Nhưng giờ đây, mọi thứ đã khác. Với sự chuyển giao nhiệm vụ từ Bộ Tư pháp, Bộ Công an đã đưa hệ thống VNeID vào vận hành, xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung, biến giấc mơ “cấp phiếu lý lịch tư pháp vài ngày là xong” thành hiện thực.

Tại lễ bàn giao nhiệm vụ, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh nhấn mạnh: “Việc bàn giao nhiệm vụ quản lý lý lịch tư pháp hôm nay có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện chủ trương của Đảng về sắp xếp, tinh gọn, tổ chức bộ máy, góp phần tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực tư pháp nói chung và lý lịch tư pháp nói riêng, bảo đảm sự liên thông, đồng bộ trong cung cấp, quản lý và khai thác các thông tin lý lịch tư pháp”.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh cho biết, Bộ Tư pháp tin tưởng rằng với sự chỉ đạo, lãnh đạo của Bộ Công an, công tác lý lịch tư pháp sẽ tiếp tục phát triển đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và đòi hỏi của đất nước trong kỷ nguyên mới.

Cán bộ công an hướng dẫn người dân làm thủ tục cấp Phiếu lý lịch tư pháp

Cán bộ công an hướng dẫn người dân làm thủ tục cấp Phiếu lý lịch tư pháp

Sự thay đổi không chỉ nằm trên giấy tờ hay lời nói, mà đã thực sự đến với cuộc sống của người dân. Với tinh thần “không được để ngắt quãng công việc”, nhiều cán bộ Phòng Hồ sơ nghiệp vụ, Công an TP Hà Nội sẵn sàng làm thêm giờ để phục vụ người dân làm thủ tục cấp phiếu lý lịch tư pháp cũng như giải quyết hồ sơ còn tồn đọng.

Thượng tá Phạm Thị Thùy Dương - Trưởng Phòng Hồ sơ nghiệp vụ - Công an Hà Nội cho biết: "Công việc có những lúc rất áp lực. Những ngày đầu có người con ốm, mẹ đi làm về rất muộn, nhưng vẫn cố gắng làm việc và không dám báo cáo. Thậm chí, có người hằng ngày đi làm từ nhà tới cơ quan 40 cây số…Nhưng với tinh thần quyết tâm cao nhất, các cán bộ không bao giờ có chuyện hết giờ làm mà phải là hết việc và hết việc của ngày hôm đó chứ không có nghĩa là hết việc của tất cả. Nhiều cán bộ làm việc đến 23 giờ đêm, gần như là triền miên".

Sau 1 tháng tiếp nhận nhiệm vụ, đến nay, công tác cấp phiếu lý lịch tư pháp tại Phòng Hồ sơ nghiệp vụ, Công an Hà Nội đã đi vào nền nếp, hồ sơ của người dân đều được tiếp nhận một cách nhanh chóng.

Bà Phạm Thanh Vân (63 tuổi, trú tại Đống Đa, Hà Nội) đến số 13 Hàn Thuyên làm thủ tục cấp phiếu lý lịch tư pháp cho con. Bà Vân cho biết đã bất ngờ khi vừa đến cửa đã được cán bộ hỏi thăm, hướng dẫn vào trong làm thủ tục. “Tôi không biết gì về giấy tờ, may mắn các cán bộ hướng dẫn từng bước rất bài bản, chuyên nghiệp” – bà Vân vui mừng nói.

Còn ông Trần Hàng - người Quảng Tây (Trung Quốc) cho biết, rất ấn tượng với trình độ ngoại ngữ của cán bộ công an trong quá trình làm việc.

“Bằng sự tận tâm với công việc, vượt qua khó khăn, chúng tôi luôn nêu cao tinh thần “Vì nhân dân phục vụ”, bởi đây không đơn thuần là một thủ tục hành chính mà còn là nhu cầu của công dân trong cuộc sống cũng như công việc” - Trung tá Nguyễn Lê Phương – Phòng Hồ sơ nghiệp vụ, Công an Hà Nội, chia sẻ.

Thượng úy Vân Anh hướng dẫn người dân làm thủ tục xác nhận lý lịch tư pháp.

Thượng úy Vân Anh hướng dẫn người dân làm thủ tục xác nhận lý lịch tư pháp.

Vào những ngày cuối tháng 3/2025, Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Thanh Hóa nhộn nhịp người ra vào làm các thủ tục hành chính. Đối diện lối vào sảnh chính là nơi bố trí 3 bàn làm thủ tục cấp phiếu lý lịch tư pháp thuộc Phòng hồ sơ nghiệp vụ, Công an tỉnh Thanh Hóa.

Thượng úy Nguyễn Thị Vân Anh chia sẻ: mỗi ngày, phòng tiếp nhận từ 400 đến 600 hồ sơ, cả trực tiếp lẫn qua dịch vụ công. Hồ sơ đạt yêu cầu thì chỉ 3-5 phút là xong, nhưng cũng có những trường hợp phức tạp hơn, như bố mẹ xin lý lịch tư pháp cho con ở nước ngoài. Nhiều người chưa quen công nghệ, không đăng ký trực tuyến được, nên đến đây để cán bộ hướng dẫn từng bước.

Khi nhắc đến những ngày làm việc không ngừng nghỉ, nữ cán bộ trẻ vẫn vui vẻ nói: “Có hôm đông quá, hơn 200 người đến, hôm ít cũng cả trăm. Để bà con không phải chờ lâu hay đi lại nhiều lần, chúng tôi thường làm qua giờ trưa, có khi đến tối, khi người dân cuối cùng rời đi.” Với những ai đã có định danh điện tử mức độ 2, cô khuyến khích: “Chỉ vài thao tác online là xong, chẳng cần đến tận nơi, tiết kiệm bao nhiêu thời gian”.

Sự tận tình của nữ thượng úy và đồng đội không chỉ thể hiện sự nhiệt huyết trong công việc mà còn gieo niềm tin vào một hệ thống hành chính gần gũi, ấm áp, nơi người dân cảm nhận được sự tận tâm của lực lượng công an.

Người dân đến làm thủ tục rất đông, hôm ít cũng hơn 100 trường hợp, nhiều thì hơn 200 trường hợp. "Để mọi người không phải chờ đợi, tôi cùng 2 cán bộ tiếp nhận hồ sơ có hôm buổi sáng phải làm quá giờ trưa hoặc còn buổi chiều đến gần tối khi hết người dân mới nghỉ" - Thượng úy Vân Anh chia sẻ.

Tinh thần “vì nước quên thân, vì dân phục vụ” không chỉ là khẩu hiệu mà đã trở thành hành động. Ngay khi tiếp nhận nhiệm vụ quản lý nhà nước về sát hạch, cấp Giấy phép lái xe cơ giới đường bộ, lực lượng CSGT toàn quốc đã nhanh chóng ổn định tổ chức, thực hiện khoa học, hiệu quả, liên tục, không ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của người dân và doanh nghiệp.

Tại Hà Nội, có những ngày người dân đến làm thủ tục đông nhưng được hướng dẫn tận tình để không phải đi lại nhiều lần.

Tại Hà Nội, có những ngày người dân đến làm thủ tục đông nhưng được hướng dẫn tận tình để không phải đi lại nhiều lần.

Tại Hà Nội, không khí ở các điểm tiếp nhận hồ sơ cấp đổi GPLX những ngày đầu tháng 3/2025 vô cùng tất bật. Để chuẩn bị, từ cuối tháng 2/2025, Công an TP Hà Nội đã tổ chức tập huấn kỹ lưỡng cho cán bộ Phòng CSGT, đồng thời thành lập Đội Sát hạch và cấp GPLX cơ giới đường bộ tại Phùng Hưng, Hà Đông.

Quản lý sát hạch, cấp giấy phép lái xe là nhiệm vụ được chuyển giao nhằm tăng cường kiểm soát TT-ATGT, giảm thiểu tai nạn liên quan đến vi phạm giấy phép lái xe – một vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân. Đại diện Bộ GTVT kỳ vọng Bộ Công an sẽ mang lại sự minh bạch và thuận tiện hơn cho người dân.

Ngày 1/3, dù chỉ mới triển khai hai điểm tiếp nhận và dòng người đổ về rất đông, hàng chục cán bộ CSGT vẫn kiên nhẫn phân luồng, hướng dẫn từng trường hợp với sự chu đáo đến bất ngờ.

Ông Đỗ Văn Chu (56 tuổi, Cầu Diễn, Bắc Từ Liêm) chia sẻ câu chuyện của mình với nụ cười rạng rỡ: “Tôi nghe nói đông lắm, nên 5 giờ sáng đã có mặt, chuẩn bị tinh thần xếp hàng cả ngày. Nhưng đến nơi, tôi ngỡ ngàng vì mọi thứ nhanh gọn quá! Cán bộ hướng dẫn từng bước, từ điền thông tin đến lấy số, chỉ vài phút là tôi nhận giấy hẹn. Thật sự khác xa những lần đi làm thủ tục trước đây!”

Cán bộ CSGT Công an tỉnh Thanh Hóa làm thủ tục cấp đổi GPLX cho người dân.

Cán bộ CSGT Công an tỉnh Thanh Hóa làm thủ tục cấp đổi GPLX cho người dân.

Tại Thanh Hóa, câu chuyện về sự tận tụy của lực lượng CSGT cũng thật ấm áp. Với địa bàn rộng, dân số đông, nhu cầu cấp đổi GPLX lớn, Phòng CSGT Công an tỉnh Thanh Hóa phải đối mặt không ít khó khăn khi mới tiếp nhận nhiệm vụ, đặc biệt khi lực lượng còn hạn chế. Nhưng bằng tinh thần “làm hết việc, không hết giờ”, các cán bộ đã mang đến sự hài lòng cho người dân.

Ông Ngô Đức Long, một người dân ở TP Thanh Hóa cho biết, “Chỉ mất 10 phút để đổi GPLX từ hạng B1 sang B. Tôi lấy số, nghe cán bộ hướng dẫn điền hồ sơ, chụp ảnh – thế là xong, nhận giấy hẹn ngay. So với trước đây thì tiện lợi quá, chẳng gặp chút trục trặc nào”.

Ông Long, Thắng bày tỏ sự hài lòng khi đến làm thủ tục đổi GPLX và làm thủ tục thi lại khi GPLX đã quá hạn.

Ông Long, Thắng bày tỏ sự hài lòng khi đến làm thủ tục đổi GPLX và làm thủ tục thi lại khi GPLX đã quá hạn.

Vừa đi công tác nước ngoài về sau Tết Nguyên đán, phát hiện bằng lái xe đã hết hạn, ông Mai Quốc Thắng, trú tại TP Thanh Hóa lo lắng vì công việc đòi hỏi phải lái xe: “Không có bằng lái là tôi không thể làm việc được. Nhưng đến đây, tôi bất ngờ vì mọi thứ nhanh gọn, cán bộ tận tình chỉ dẫn, còn động viên tôi. Giờ tôi đã có giấy hẹn, chỉ chờ thi lại là xong”.

Trao đổi với phóng viên, Thượng tá Lê Quang Hiền, Phó trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh Thanh Hóa, chia sẻ câu chuyện ấm lòng của cán bộ chiến sỹ: “Có người dân đi hơn 300 km từ huyện Mường Lát xuống Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh để đổi GPLX. Khi họ đến, đã quá giờ làm việc, nhưng anh em vẫn ở lại xử lý hồ sơ. Chúng tôi không muốn bà con phải lặn lội thêm lần nữa”.

Từ 1/3-18/3, Phòng CSGT Công an tỉnh Thanh Hóa thu nhận 1.856 hồ sơ cấp đổi, cấp lại GPLX, trong đó lực lượng công an tiếp nhận trực tiếp là 1.714 hồ sơ và 142 hồ sơ Sở GTVT chuyển sang.

Hiện Phòng CSGT tham mưu Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa triển khai tiếp nhận hồ sơ thêm tại 9 điểm tại các xã, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và dự kiến sẽ triển khai trong tháng 4/2025. Hiện nay, để tránh việc mất thời gian đi lại, cơ quan chức năng khuyến cáo người dân nên thực hiện thủ tục trên bằng hình thức trực tuyến.

Bên cạnh đó, nhiệm vụ quản lý cai nghiện ma túy, được chuyển giao từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, là một thử thách lớn nhưng đầy ý nghĩa nhân văn. Trước đây, cả nước có 97 cơ sở cai nghiện ma túy tại 60 địa phương, 3 địa phương chưa có Cơ sở cai nghiện: Kon Tum, Đắk Nông, Hậu Giang, nhiều cơ sở hiện nay đang quá tải và xuống cấp không đáp ứng được nhu cầu thực tiễn. Thực tế đã xảy ra nhiều vụ học viên gây rối, bỏ trốn. Việc bố trí, sắp xếp bộ máy tại các cơ sở chưa đồng bộ, thống nhất.

Bộ Công an tiếp nhận nhiệm vụ này để thay đổi căn bản, kết nối chặt chẽ giữa “giảm cung” và “giảm cầu” trong cuộc chiến chống ma túy, nhằm thay đổi căn bản, hiệu quả công tác cai nghiện, mang lại hy vọng cho hàng ngàn gia đình.

Cơ sở cai nghiện ma túy số 1 Công an tỉnh Thanh Hóa (huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa) hiện đang quản lý 621 học viên, trong đó, 543 học viên cai nghiện bắt buộc và 78 học viên cai nghiện tự nguyện. Ngay sau khi tiếp nhận nhiệm vụ mới, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an tỉnh Thanh Hóa đã phân công 11 cán bộ đến nhận nhiệm vụ.

Ông Tuấn kể lại hành trình cắt cơn khi vào cơ sở cai nghiện

Ông Tuấn kể lại hành trình cắt cơn khi vào cơ sở cai nghiện

Lần thứ 2 đi cai nghiện, ông Nguyễn Văn Tuấn (tên được thay đổi) vẫn nhớ như in những ngày điều trị tại khu cắt cơn trong tình trạng vật vã khi "nàng tiên nâu" tìm đến. "Lúc đó, cán bộ, chiến sĩ, nhân viên y tế tại trung tâm như luồng ánh sáng kéo họ ra khỏi bóng tối" - ông Tuấn nói.

Ông Tuấn kể, ban đầu bản thân mới vào cơ sở cai nghiện sức khỏe rất yếu, không ăn, không ngủ được. Nhưng được các cán bộ và lực lượng y tế rất quan tâm hỏi han, phát thuốc đúng thời gian vào khung giờ sáng và tối nên dần dần cũng qua cơn.

"Khi sức khỏe tôi đã phục hồi ổn định, các cán bộ tại trung tâm lại hướng dẫn học nghề, được cùng lao động tập thể với những học viên khác... nên đã dần dần quên ma túy" - ông Tuấn chia sẻ.

Sau khi có tiến triển trong quá trình điều trị nhiều học viên có thành tích tốt được tham gia tăng gia sản xuất, làm việc...

Sau khi có tiến triển trong quá trình điều trị nhiều học viên có thành tích tốt được tham gia tăng gia sản xuất, làm việc...

Ông Tuấn trải lòng, đối với những người nghiện như mình thì khi ở bên ngoài không quan tâm đến cuộc sống, chỉ suốt ngày nghĩ đến ma túy. Nhưng khi vào đây, các cán bộ đã hướng dẫn, phân tích, giải thích và tuyên truyền về tác hại của ma túy, cũng như quan tâm đến đời sống sức khỏe hằng ngày nên rất yên tâm điều trị.

Quá trình cắt cơn kéo dài khoảng 10-15 ngày là thời gian khó khăn nhất. Trong những ngày này, họ được cán bộ, bác sĩ ở đây chăm sóc tận tình.

Quá trình cắt cơn kéo dài khoảng 10-15 ngày là thời gian khó khăn nhất. Trong những ngày này, họ được cán bộ, bác sĩ ở đây chăm sóc tận tình.

"Tôi thấy đây là môi trường rất lành mạnh giúp những người lầm lỡ có chí hướng, suy nghĩ và định hướng về tương lai tốt hơn. Bởi bản thân tôi cũng mất mát quá nhiều và ngoài xã hội thường xa lánh những người nghiện ma túy" - ông Tuấn nói với quyết tâm sau này sẽ hoàn toàn từ bỏ ma túy.

Thiếu tá Nguyễn Tuấn Ngọc - Trưởng Cơ sở cai nghiện số 1.

Thiếu tá Nguyễn Tuấn Ngọc - Trưởng Cơ sở cai nghiện số 1.

Thiếu tá Nguyễn Tuấn Ngọc - Trưởng Cơ sở cai nghiện số 1 (Công an tỉnh Thanh Hóa) cho biết, ban đầu cũng có những khó khăn, bởi đây là nhiệm vụ mới đối với lực lượng công an, nên cũng cần phải có thời gian để nghiên cứu và tiếp cận các quy trình. Cơ sở vật chất có nhiều hạng mục đã bị xuống cấp và đang thiếu, ví dụ như các phương tiện, công cụ, xe cứu thương, và toàn bộ khu vực hàng rào cũng đã gãy đổ, dẫn đến việc mất an ninh, an toàn.

Đến giờ ăn cơm trưa, những học viên xếp thành hàng ngay ngắn bước vào nhà ăn.

Đến giờ ăn cơm trưa, những học viên xếp thành hàng ngay ngắn bước vào nhà ăn.

Mặt khác, các học viên đang điều trị tại cơ sở thường sử dụng ma túy nhiều năm ở ngoài xã hội có nguy cơ mắc phải nhiều bệnh truyền nhiễm như viêm gan A, B, bệnh lao, thậm chí HIV... dẫn đến nguy cơ lây nhiễm chéo cho các cán bộ, chiến sĩ công tác tại cơ sở.

Dù vậy, Thiếu tá Ngọc và đồng đội chưa từng chùn bước. “Chúng tôi không chỉ quản lý mà còn muốn giúp họ làm lại cuộc đời. Nhìn những học viên xếp hàng ngay ngắn vào nhà ăn, hay cười nói khi lao động, tôi thấy mọi vất vả đều xứng đáng” – anh nói đầy tự hào.

Từ những khó khăn ban đầu, Cơ sở cai nghiện số 1 đang dần trở thành một môi trường lành mạnh, nơi những người từng lạc lối tìm thấy chí hướng và hy vọng. Sự tận tụy của các chiến sĩ công an không chỉ dừng ở việc chăm sóc sức khỏe, mà còn là hành trình khơi dậy niềm tin, giúp học viên xây dựng tương lai tốt đẹp hơn. Mỗi bước tiến của các học viên tại đây là một minh chứng sống động cho tinh thần nhân văn sâu sắc, khi công an không chỉ giữ gìn bình yên mà còn chắp cánh cho những giấc mơ tái sinh.

Với lòng quyết tâm và sự đồng hành của các cơ quan chuyển giao, Bộ Công an đang biến thách thức thành cơ hội, khẳng định vai trò không chỉ là lực lượng bảo vệ an ninh mà còn là người bạn đồng hành của nhân dân trong cuộc sống.

5 nhóm nhiệm vụ Bộ Công an tiếp nhận gồm: nhiệm vụ quản lý nhà nước về an toàn thông tin mạng; nhiệm vụ quản lý nhà nước và thực hiện bảo đảm an ninh hàng không; nhiệm vụ quản lý nhà nước về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy; nhiệm vụ quản lý nhà nước về sát hạch, cấp Giấy phép lái xe cơ giới đường bộ và nhiệm vụ quản lý nhà nước về lý lịch tư pháp và thực hiện dịch vụ cung cấp Phiếu lý lịch tư pháp.

Nội dung: Nhóm phóng viên Thời sự | Ảnh: Thanh Hà | Đồ họa: Kiều Tú

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/tien-phong-trong-cuoc-cach-mang-tinh-gon-bo-may-bai-2-nhan-them-nhiem-vu-no-luc-vi-dan-post1727951.tpo