Tiền Giang: Ưu tiên nguồn vốn đầu tư công phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế
Tính hết ngày 31/5/2023, Tiền Giang đứng đầu cả nước với tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công, đạt 49,22% kế hoạch. Từ đầu năm đến nay, tỉnh Tiền Giang cũng đã thu hút thêm 10 dự án đầu tư mới, tổng vốn đăng ký trên 834 tỷ đồng, tăng gấp 4,68 lần so với cùng kỳ năm trước.
Tạo điều kiện cho doanh nghiệp, đón sóng đầu tư
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Tiền Giang, hiện tại các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh đã thu hút 81 dự án FDI, 29 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư trên 2,255 tỷ USD và trên 2.370 tỷ đồng, tỷ lệ lấp đầy đạt 91,6% tổng diện tích, tạo việc làm cho trên 93.000 lao động. Các cụm công nghiệp (CCN) cũng đã thu hút 7 dự án FDI, 73 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư trên 153 triệu USD và trên 2.415 tỷ đồng, tỷ lệ lấp đầy 83,4% tổng diện tích và tạo việc làm cho trên 17.000 lao động. Đồng thời, tỉnh cũng phát triển thêm 588 doanh nghiệp mới, tăng trên 62% so cùng kỳ năm trước và hơn 700 hộ kinh doanh thành lập mới, tăng hơn 22% so với cùng kỳ năm trước.
Tỉnh Tiền Giang đang tiếp tục quy hoạch phát triển thêm 3 KCN: Tân Phước 1, Tân Phước 2 (huyện Tân Phước) và Bình Đông (thị xã Gò Công); 15 CCN tại các vị trí đắc địa ở các huyện, thành phố, thị xã.
Ông Nguyễn Đình Thông - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Tiền Giang cho biết, giai đoạn 2021 - 2030, tỉnh sẽ thu hút 250 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký 70.000 tỷ đồng. Để tạo điều kiện tối đa cho các nhà đầu tư cũng như đón làn sóng đầu tư mới, các sở, ban ngành tỉnh, địa phương sẽ tiếp tục tăng cường công tác phối hợp, giải quyết nhanh các hồ sơ dự án đầu tư; tích cực hỗ trợ, hướng dẫn nhà đầu tư hoàn chỉnh hồ sơ dự án...
Tập trung 5 giải pháp trọng tâm
Để hoàn thành tốt các mục tiêu, định hướng thu hút đầu tư trong giai đoạn 2020 - 2025, Tiền Giang tập trung vào 5 giải pháp trọng tâm sau:
Một là, hoàn thành công tác xây dựng quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 theo hướng tích hợp, thống nhất, đồng bộ giữa các loại quy hoạch, nhằm khai thác tốt hơn tiềm năng, lợi thế của tỉnh…
Hai là, ưu tiên nguồn vốn đầu tư công phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, tạo nền tảng để thu hút, mời gọi nhà đầu tư. Ưu tiên các dự án hạ tầng giao thông, tạo quỹ đất để phát triển công nghiệp, thương mại dịch vụ, tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội như: Dự án đường tỉnh 864 nối dài, đường vào trung tâm Đồng Tháp Mười, hệ thống giao thông nối kết vùng nguyên liệu…
Ba là, tiếp tục cải cách hành chính, đơn giản hóa tối đa các thủ tục liên quan đến công tác đầu tư; thực hiện theo quy chế qua mạng, rút ngắn thời gian giải quyết; xây dựng, cập nhật thường xuyên danh mục dự án, tổ chức công bố công khai để nhà đầu tư thuận lợi từ khâu tiếp cận nghiên cứu, tìm hiểu...
Bốn là, tập trung thực hiện tốt và đạt tiến độ cho công tác giải phóng mặt bằng các dự án mời gọi đầu tư để sớm triển khai các dự án đầu tư, đây là khâu quan trọng và mất nhiều thời gian.
Cuối cùng, chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực lao động phục vụ các doanh nghiệp, đào tạo gắn với nhu cầu thị trường lao động của tỉnh.