Tiền Giang triển khai Luật Đất đai năm 2024
Sáng 8-8, UBND tỉnh Tiền Giang tổ chức Hội nghị triển khai các nội dung Luật Đất đai năm 2024 dưới hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến. Dự hội nghị có các đồng chí: Bùi Văn Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường); Phạm Văn Trọng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội của tỉnh.
Sau gần 10 năm thực hiện, Luật Đất đai năm 2013 đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Công tác quản lý đất đai đã đạt được những kết quả quan trọng, tạo hành lang pháp lý để khai thác và sử dụng hợp lý, tiết kiệm, có hiệu quả về đất đai. Nhất là phát triển các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, nhà ở đô thị, tạo điều kiện cho đất đai tham gia vào thị trường bất động sản; tạo ra những động lực mạnh mẽ cho phát triển đô thị, tăng đáng kể nguồn thu cho ngân sách... Bên cạnh đó, quá trình triển khai thi hành Luật còn bộc lộ những tồn tại, hạn chế.
Luật Đất đai năm 2024 được ban hành với 16 chương, 260 điều, đã góp phần hoàn thiện thể chế, chính sách về đất đai phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; giải quyết tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn trong các chính sách, pháp luật có liên quan đến đất đai; giải quyết các vấn đề vướng mắc, tồn tại từ thực tiễn công tác quản lý, sử dụng đất; tăng cường quản lý đất đai cả về diện tích, chất lượng, giá trị kinh tế.
Tại hội nghị, Phó Vụ trưởng Vụ Đất đai Bùi Văn Hải đã triển khai phổ biến một số điểm mới, nổi bật của Luật Đất đai năm 2024; tập trung chính vào các nội dung: Những điểm mới trong công tác thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, đăng ký đất đai, công tác giá đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng…
Để tạo điều kiện cho Luật Đất đai năm 2024 sớm đi vào cuộc sống, đồng chí Phạm Văn Trọng yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã tổ chức triển khai, tuyên truyền sâu rộng các nội dung của Luật đến cán bộ, công chức, viên chức, tầng lớp nhân dân; kiện toàn tổ chức bộ máy và đẩy mạnh cải cách hành chính trong công tác quản lý đất đai ở cả cấp tỉnh, huyện, xã, hướng tới thực hiện thống nhất, đồng bộ, hiệu quả, công khai, minh bạch, dân chủ trong quản lý đất đai. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc giao đất, cho thuê đất, việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và chuyển mục đích sử dụng đất theo đúng quy định...