Tiền Giang: Tăng cường phòng, chống sốt xuất huyết

Bác sĩ chuyên khoa 2 Võ Thanh Nhơn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Tiền Giang cho biết: Theo số liệu thống kê ghi nhận qua phần mềm báo cáo bệnh truyền nhiễm theo Thông tư 54, dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn tỉnh tiếp tục phức tạp.

Theo báo cáo của CDC Tiền Giang, trong tuần 24 (từ ngày 6 đến 12-6), trên địa bàn tỉnh ghi nhận 1.233 ca SXH, số ca tuần 24 tăng 4,6% so với tuần trước đó và tăng 216% so với tuần cùng kỳ năm 2021, có 2 ca tử vong.

Cấp cứu bệnh nhi mắc bệnh SXH tại Bệnh viện Đa khoa trung tâm Tiền Giang ngày 13-6-2022.

Cấp cứu bệnh nhi mắc bệnh SXH tại Bệnh viện Đa khoa trung tâm Tiền Giang ngày 13-6-2022.

Cũng trong tuần 24 phát sinh thêm 50 ổ dịch SXH mới, tăng 100% so với tuần trước và tăng 284,6% số ổ dịch cùng kỳ năm 2021. Đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 208 ổ dịch SXH ở 10/11 huyện và đã tiến hành xử lý; riêng huyện Tân Phú Đông không phát hiện ổ dịch.

Qua giám sát công tác phòng, chống SXH tại 11 huyện, thị, thành vừa qua, CDC Tiền Giang nhận thấy, các địa phương đều điều tra ca bệnh đầy đủ. Tuy nhiên, các phường ở một vài địa phương vẫn còn ổ dịch SXH mà trạm y tế chưa phát hiện và xử lý kịp thời. Về giám sát điểm nguy cơ, từ tháng 5-2022 cho đến nay, các phường thực hiện giám sát đủ chỉ tiêu. Tuy nhiên, vẫn còn địa phương chưa thực hiện tái giám sát đối với những điểm nguy cơ phát sinh lăng quăng.

Trước tình hình trên, CDC Tiền Giang đề nghị các địa phương thực hiện chiến dịch diệt lăng quăng kết hợp hoạt động truyền thông. Cấp phường, xã cần rà soát, cập nhật danh sách các điểm nguy cơ gây dịch bệnh SXH. Đồng thời, xây dựng kế hoạch giám sát và xử lý đối với từng loại hình điểm nguy cơ.

Trạm Y tế phường, xã tiến hành điều tra dịch tễ các ca bệnh SXH khi nhận được thông báo và xử lý theo quy định. Thống kê ca bệnh và cập nhật ca bệnh trên hệ thống phần mềm nhằm đánh giá đầy đủ nguy cơ hình thành các ổ dịch và kiểm soát dịch tốt.

Ngoài ra, CDC Tiền Giang yêu cầu các huyện có các xã, phường vượt đường cong chuẩn và đường trung bình chuẩn trong tuần 24 phải theo dõi và xử lý dịch theo quy định. Đó là các huyện Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành và có 38 xã thuộc 10 huyện vượt đường cong chuẩn. TP Mỹ Tho, TX Cai Lậy, các huyện Tân Phước, Chợ Gạo, Gò Công Đông, Gò Công Tây và có 28 xã thuộc 8 huyện vượt đường trung bình chuẩn.

Trẻ mắc bệnh tay chân miệng đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa trung tâm Tiền Giang ngày 13-6-2022.

Trẻ mắc bệnh tay chân miệng đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa trung tâm Tiền Giang ngày 13-6-2022.

Đối với bệnh tay chân miệng, trong tuần, tỉnh Tiền Giang ghi nhận 113 ca, tăng 17,7% so với tuần trước. CDC Tiền Giang đề nghị các đơn vị liên quan triển khai hoạt động giám sát công tác phòng, chống bệnh tay chân miệng và phối hợp các đơn vị liên quan trong điều tra dịch tễ, thống kê ca bệnh để đánh giá nguy cơ hình thành ổ dịch và kiểm soát dịch. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Tiền Giang chưa ghi nhận ổ dịch tay chân miệng.

THANH HOÀNG

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/suc-khoe-y-te/202206/tien-giang-tang-cuong-phong-chong-sot-xuat-huyet-953362/