Tịch thu xe máy dùng để đua, lạng lách: Liệu có ngăn được 'quái xế'?
Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh đường bộ do Bộ Công an soạn thảo, có đề xuất một số trường hợp sẽ bị tịch thu xe máy như: đua xe trái phép, buông cả hai tay khi đang lái xe, dùng chân lái xe, lái xe lạng lách hoặc đánh võng trên đường bộ trong và ngoài đô thị.
Nếu đề xuất này được thông qua, liệu có ngăn chặn được tình trạng đua xe, lạng lách, đánh võng...?
Thường xuyên phải đi làm ca đêm, mỗi lần về muộn, gặp phải đoàn xe tụ tập đông người, lạng lách, đánh võng, nẹt pô xe là anh Nguyễn Văn Tùng (ở Xuân La, Tây Hồ, Hà Nội) lại tự động tấp xe vào lề để tránh.
Chỉ đến khi đoàn xe đi hết, đường phố im ắng trở lại, anh Tùng mới dám đi tiếp: "Tôi mà gặp là tôi phải tránh xa. Nó nẹt pô, đi đánh võng, sợ lắm, toàn phải dẹp vào một góc, nhường đường cho họ đi. Mất an toàn của người đi đường, sợ lắm. Không cứ riêng ôi, người đi đường thấy xe đi kiểu đó đều phải dẹp hết vào một bên. Có những hôm tôi đi về lúc 2-3h sáng, sợ lắm, tôi phải dẹp vào".
Để ngăn ngừa, giảm thiểu tình trạng đua xe trái phép, mới đây, tại dự thảo nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ, Bộ Công an đã đề xuất tịch thu mô tô, xe gắn máy khi đua xe trái phép, lái xe lạng lách, đánh võng trên đường bộ trong, ngoài đô thị; lái xe chạy bằng một bánh, lái xe thành nhóm từ 2 xe trở lên chạy quá tốc độ quy định…
Trước đó, trao đổi với VOV Giao thông, Thượng tá Tạ Thị Hồng Minh, Phó trưởng Phòng Tuyên truyền, Cục CSGT, Bộ Công an cho biết, với tệ nạn đua xe và cổ vũ đua xe trái phép, Bộ Công an luôn chỉ đạo xử lý nghiêm minh nhất: "Lãnh đạo Bộ Công an đã chỉ đạo các địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Bộ Công an về phòng chống đua xe trái phép, trong đó thực hiện quyết liệt việc khẩn trương điều tra, giải quyết các vụ việc mới xảy ra để phối hợp với các cơ quan bảo vệ pháp luật để đưa ra truy tố, xét xử nghiêm các đối tượng tổ chức đua xe trái phép, gây rối trật tự công cộng".
Theo Thượng tá Nguyễn Văn Quỹ, nguyên Phó Đội trưởng Đội CSGT số 1, Phòng CSGT, Công an TP. Hà Nội, những hành vi đua xe trái phép, lái xe lạng lách, đánh võng… tiềm ẩn nguy cơ rất cao dẫn đến mất ATGT cho bản thân họ và cộng đồng. Bởi vậy, việc đưa hành vi này vào xem xét để tịch thu phương tiện vi phạm là hoàn toàn xác đáng để góp phần ngăn chặn tình trạng đua xe: "Những hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ đó là nguồn nguy hiểm cho xã hội mà họ không lường hết được những hậu quả, tác hại xảy ra. Muốn tịch thu phương tiện phải định ra những hành vi nào bị tịch thu phương tiện. Khi đã đưa vào luật những việc như vậy thì những hành vi đó sẽ bị xử lý đủ tính răn đe".
Từng nhiều lần đề xuất tăng mức phạt, tăng chế tài với hành vi đua xe trái phép, chuyên gia giao thông Khương Kim Tạo hoàn toàn đồng tình với đề xuất tịch thu phương tiện vi phạm để góp phần ngăn chặn tình trạng đua xe tồn tại dai dẳng, nhức nhối, đe dọa an ninh, an toàn xã hội: "Thời gian tới, khi điều chỉnh nghị định, thay Nghị định 100 của Chính phủ thì chúng ta sẽ nghiên cứu, điều chỉnh, tăng nặng mức phạt. Thứ 2 là chúng ta thông qua việc giám sát giao thông, sử dụng những thông tin chúng ta ghi được, nhân dân ghi được để xử lý triệt để những đối tượng này".
Luật sư Phạm Thành Tài, Giám đốc Văn phòng Luật sư Phạm Danh (Hà Nội) cho rằng, những hành vi vi phạm trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông được đề xuất tại dự thảo nghị định của Bộ Công an không phải là mới, mà đã được đề cập tại Nghị định 100, Nghị định 123 và Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi.
Thêm vào đó, trước thực tế tình hình TTATGT diễn biến phức tạp, vi phạm vẫn diễn ra phổ biến, tính chất nguy hiểm ngày càng tăng cao, thì việc đề xuất chế tài cho các hành vi vi phạm trong lĩnh vực đảm bảo TTATGT như Bộ Công an đề xuất là rất cần thiết.
Luật sư Phạm Thành Tài cho biết: "Nếu đề xuất nên trên được thông qua, với những quy định rõ ràng, bao quát và đầy đủ hơn đối với các trường hợp áp dụng hình thức tịch thu phương tiện, nếu có biện pháp tuyên truyền, phổ biến hiệu quả thì nhất định sẽ góp phần nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, giảm thiểu việc vi phạm về ATGT và góp phần ngăn chặn tình trạng đua xe trái phép".
Việc tịch thu phương tiện vi phạm giao thông, nhất là hành vi đua xe, lạng lách, đánh võng… đã được quy định từ Nghị định 100/2019, nghị định 123/2021 và cả Luật Xử lý Vi phạm hành chính sửa đổi 2020.
Bởi vậy, việc tiếp tục đưa chế tài này vào dự thảo nghị định mới là cần thiết và để thực hiện hiệu quả, các lực lượng chức năng cần xử lý một cách mạnh tay, quyết liệt và đồng bộ nhiều giải pháp mới góp phần ngăn chặn tình trạng đua xe trái phép.
Từ năm 2007, trước diễn biến phức tạp của tình hình trật tự an toàn giao thông, nhất là tình trạng đua xe và cổ vũ đua xe trái phép diễn ra thường xuyên, TP. Đà Nẵng đã tiên phong trên cả nước trong việc đề xuất và thực hiện việc tịch thu xe đua khiến dư luận đặc biệt quan tâm.
Mặc dù có nhiều ý kiến khác nhau, song dư luận đều nhìn nhận, việc tịch thu phương tiện đua xe, cùng với các biện pháp thưởng tiền cho lực lượng truy bắt, xây dựng phong trào toàn dân tham gia đảm bảo an toàn giao thông… đã góp phần không nhỏ trong việc ngăn ngừa, giảm thiểu tình trạng đua xe trái phép tại thành phố này.
Tuy vậy, hành vi đua xe trái phép trên cả nước không những chưa được ngăn chặn, mà nhiều thời điểm đã trở thành một vấn nạn nhức nhối tại nhiều địa phương, gây nguy hiểm cho những người tham gia giao thông, đe dọa trực tiếp đến an toàn của cộng đồng. Mặc dù đã có nhiều biện pháp xử lý, từ phạt hành chính đến giam giữ, tình trạng này vẫn có dấu hiệu gia tăng, phức tạp.
Không chỉ dừng lại ở việc tụ tập, gây rối trật tự công cộng, thậm chí chặn Quốc lộ để đua xe, các “quái xế” thường có hành vi thách thức pháp luật, coi thường tính mạng của người khác. Điều này gây ra sự bất bình trong cộng đồng, làm xói mòn lòng tin của người dân vào khả năng quản lý và xử lý của cơ quan chức năng.
Hiện nay, các biện pháp xử lý đối với hành vi đua xe trái phép chủ yếu là phạt hành chính, tạm giữ phương tiện, hoặc nặng hơn là truy cứu trách nhiệm hình sự. Về phương tiện, Nghị định 100/2019, Nghị định 123/2021 sửa đổi Nghị định 100 và đặc biệt là Luật Xử lý vi phạm hành chính 2020 sửa đổi cũng đã cho phép tịch thu phương tiện vi phạm giao thông.
Bởi vậy, việc đề xuất của Bộ Công an trong việc tịch thu phương tiện xe đua, dù không mới nhưng đã quy định rõ hơn và mở rộng các hành vi vi phạm bị tịch thu phương tiện được kỳ vọng sẽ giúp các lực lượng chức năng có chế tài xử lý mạnh mẽ hơn đối với hành vi vi phạm đặc biệt nguy hiểm này
Tuy nhiên, đa số vụ đua xe trái phép mà phương tiện các đối tượng sử dụng đứng tên người khác. Theo luật hiện hành, phải trả lại phương tiện cho chủ sở hữu, chỉ tịch thu nếu xe đó của chính người đua xe trái phép. Bởi vậy, dù có quy định tịch thu phương tiện xe đua trái phép, song để thực hiện được việc tịch thu này cũng không dễ.
Để tịch thu phương tiện xe đua, cần sửa quy định này theo hướng cứ đua xe trái phép là tịch thu phương tiện, không cần biết chủ phương tiện là ai. Khi biết rằng nếu vi phạm sẽ phải đối mặt với nguy cơ mất phương tiện, các “quái xế” sẽ có trách nhiệm hơn trong việc sử dụng xe cộ, kể cả phương tiện đi mượn.
Bên cạnh đó, cần xử lý trách nhiệm liên đới của cha mẹ khi để con em mình tham gia đua xe trái phép, nhất là khi chúng chưa đủ 18 tuổi. Nếu con cái đua xe trái phép, bố mẹ là chủ phương tiện phải chịu trách nhiệm.
Nếu những đứa trẻ mượn xe ở bên ngoài thì ai cho mượn phương tiện phải chịu trách nhiệm liên đới là đồng phạm. Trường hợp nếu chủ phương tiện giao xe cho người khác mà biết người sử dụng xe để đua thì xử là đồng phạm hình sự về tội đua xe trái phép.
Còn nếu bố mẹ là cán bộ, đảng viên, giữ chức vụ lãnh đạo, có con đua xe hay tổ chức đua xe trái phép thì cần xem xét xử lý kỷ luật, thậm chí cách chức.
Bên cạnh đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng trong việc thực thi. Cần tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về những nguy cơ và hậu quả của hành vi đua xe trái phép.
Ngoài ra, cần kết hợp nhiều biện pháp, từ giáo dục, tuyên truyền đến tăng cường lực lượng tuần tra, kiểm soát, sử dụng công nghệ giám sát giao thông để phạt nguội. Đặc biệt, cần xây dựng một cộng đồng với sự tham gia tích cực của người dân trong việc giám sát và ngăn chặn đua xe trái phép.
Khi mỗi người dân đều có ý thức và trách nhiệm trong việc bảo vệ sự an toàn giao thông phát hiện và tham gia tố giác kịp thời, vấn nạn đua xe trái phép sẽ dần bị đẩy lùi.