Tích hợp ESG trong hoạt động ngân hàng
Là kênh cung ứng tài chính quan trọng của nền kinh tế, ngành ngân hàng luôn xác định vai trò, trách nhiệm trong việc 'xanh hóa' dòng vốn đầu tư và áp dụng các tiêu chí môi trường, xã hội và quản trị (ESG) nhằm góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.
Tích hợp ESG vào hoạt động kinh doanh
Đối diện với nhiều vấn đề môi trường và xã hội nổi cộm, chính phủ các nước đã và đang tập trung chuyển đổi sang mô hình kinh tế bền vững, vừa theo đuổi giá trị kinh tế, vừa đảm bảo các cam kết vì lợi ích cộng đồng.
Trong bối cảnh đó, ngành ngân hàng nổi lên như một lực lượng tiên phong của quá trình chuyển đổi. Là kênh cung ứng tài chính quan trọng của nền kinh tế, ngành ngân hàng luôn xác định vai trò, trách nhiệm trong việc “xanh hóa” dòng vốn đầu tư và áp dụng các tiêu chí ESG nhằm góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.
Tích hợp ESG vào hoạt động kinh doanh giúp ngân hàng vừa quản lý tốt rủi ro, vừa tận dụng các cơ hội mới. Có thể nói, quản trị ESG giúp gia tăng hình ảnh và phòng tránh các rủi ro danh tiếng. Tích hợp ESG vào mô hình kinh doanh cũng giúp đón đầu xu thế quốc tế, làm tăng lợi thế cạnh tranh…
Trong vòng 5 năm trở lại đây, các quốc gia trên thế giới đã đưa ra khái niệm rủi ro ESG 2.0, thay cho khái niệm rủi ro ESG 1.0 trước đó. Nếu như ESG 1.0 chỉ đề cập đến việc các doanh nghiệp phải quan tâm vấn đề rủi ro môi trường, thì ESG 2.0 đã mở rộng phạm vi ra các vấn đề xã hội ảnh hưởng đến lợi thế thương mại, danh tiếng của doanh nghiệp. Điều này cho thấy mối quan hệ chặt chẽ trong việc đánh giá hiệu suất rủi ro ESG và định giá thị trường/cổ phiếu. Đây cũng được coi là mục tiêu để các doanh nghiệp xây dựng chiến lược phát triển bền vững trong tương lai.
Điều này cũng lý giải vì sao nhiều quốc gia đã và đang thúc đẩy các ngân hàng thương mại tích cực xây dựng chính sách và áp dụng các tiêu chí đánh giá rủi ro ESG vào hoạt động của mình.
Thực trạng triển khai ESG trong hệ thống ngân hàng thương mại
Nhận thức được tầm quan trọng của việc thực hành ESG trong hoạt động ngân hàng, từ năm 2015, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-NHNN về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng.
Chỉ thị đặt ra mục tiêu ngay từ năm 2015, hoạt động cấp tín dụng của ngành ngân hàng cần chú trọng đến vấn đề nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, năng lượng, cải thiện chất lượng môi trường, bảo vệ sức khỏe con người, đảm bảo sự phát triển bền vững.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã giao nhiệm vụ cho toàn ngành phải thực hiện rà soát, điều chỉnh và hoàn thiện thể chế tín dụng cho phù hợp với mục tiêu tăng trưởng xanh; tập trung nguồn lực để cấp tín dụng cho các dự án, phương án sản xuất - kinh doanh thân thiện với môi trường và xã hội; yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh, triển khai các giải pháp quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng thông qua việc chủ động nghiên cứu, xây dựng hệ thống quản lý rủi ro môi trường và xã hội.
Trong khuôn khổ phối hợp với các tổ chức quốc tế, Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp với IFC ban hành Sổ tay đánh giá rủi ro môi trường và xã hội cho 15 ngành kinh tế trong hoạt động cấp tín dụng.
Trong năm 2018, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Quyết định số 1731/QĐ-NHNN về kế hoạch hành động của ngành ngân hàng thực hiện chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, lồng ghép định hướng các mục tiêu về môi trường và xã hội. Bên cạnh đó, ban hành Quyết định số 1604/QĐ-NHNN phê duyệt Đề án Phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam, mục tiêu là tăng cường nhận thức và trách nhiệm xã hội của hệ thống ngân hàng đối với việc bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, từng bước xanh hóa hoạt động ngân hàng, hướng dòng vốn tín dụng vào việc tài trợ dự án thân thiện với môi trường, thúc đẩy các ngành sản xuất, dịch vụ và tiêu dùng xanh, năng lượng sạch và năng lượng tái tạo; góp phần tích cực thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Triển khai nhiệm vụ được giao trong thi hành Luật Bảo vệ môi trường (2020), Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 17/2022/TT-NHNN ngày 23/12/2022 về quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng, có hiệu lực từ 1/6/2023. Đây là quy định bắt buộc các tổ chức tín dụng thực hiện quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng đối với các nhóm dự án đầu tư có nguy cơ tác động xấu đến môi trường.
Việc thực hiện Thông tư 17/2022/TT-NHNN thể hiện thông điệp mạnh mẽ về trách nhiệm của ngành ngân hàng đối với công tác bảo vệ môi trường, tăng cường khả năng quản trị rủi ro của tổ chức tín dụng trước rủi ro về môi trường, biến đổi khí hậu, hướng hoạt động ngân hàng Việt Nam ngày càng tiệm cận với các quy chuẩn, thông lệ quốc tế về thực hành ESG, tài chính bền vững; đồng thời, nâng cao chất lượng tín dụng, an toàn và hiệu quả hoạt động kinh doanh ngân hàng.
Ngày 26/7/2023, Ngân hàng Nhà nước ban hành Quyết định số 1408/QĐ-NHNN về kế hoạch hành động của ngành ngân hàng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 và Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị COP26 về biến đổi khí hậu. Kế hoạch đã đặt ra 7 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể của ngành ngân hàng, trong đó có việc hoàn thiện cơ chế, chính sách tín dụng phù hợp với mục tiêu tăng trưởng xanh; hợp tác quốc tế nhằm đẩy mạnh huy động nguồn lực cho tăng trưởng xanh.
Tính đến ngày 31/3/2024, có 47 tổ chức tín dụng phát sinh dư nợ tín dụng xanh với dư nợ đạt 636.964 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Dư nợ tín dụng được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội của hệ thống tổ chức tín dụng tăng trưởng đều qua các năm, đến nay đạt khoảng 2,9 triệu tỷ đồng, chiếm hơn 21%/tổng dư nợ cho vay của nền kinh tế.
Những kết quả trên cho thấy, các giải pháp triển khai của ngành ngân hàng thời gian qua đã góp phần thúc đẩy quá trình thực hành ESG, xanh hóa hoạt động ngân hàng, kịp thời đáp ứng nhu cầu về nguồn vốn để thực hiện các dự án xanh, bền vững, vì lợi ích cộng đồng. Đồng thời, nâng cao nhận thức cũng như năng lực thực thi các quy định về bảo vệ môi trường và trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp đang sử dụng nguồn lực từ hệ thống ngân hàng. Từ đó, điều chỉnh hành vi tiến tới thực hành các tiêu chuẩn ESG, xanh hóa hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững của nền kinh tế.
Thúc đẩy áp dụng ESG trong hoạt động ngân hàng
Có thể thấy, việc thực hành ESG trong hoạt động ngân hàng cũng như hoạt động của các doanh nghiệp là ngày càng cấp thiết. Tuy vậy, bên cạnh các cơ hội vẫn còn nhiều thách thức đặt cho cả cơ quan quản lý nhà nước và bản thân các đơn vị thực thi.
Để thúc đẩy thực hành ESG, xanh hóa hoạt động ngành ngân hàng, hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững, Ngân hàng Nhà nước sẽ thực hiện nhiều giải pháp.
Thứ nhất, tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện khuôn khổ pháp lý nhằm tăng cường quản lý rủi ro môi trường, xã hội và rủi ro khí hậu trong hoạt động cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng; theo dõi, hướng dẫn và kịp thời tháo gỡ khó khăn trong quá trình các tổ chức tín dụng thực hiện quản lý rủi ro môi trường theo quy định tại Thông tư 17/2022/TT-NHNN.
Thứ hai, chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung nguồn lực để tài trợ vốn cho các ngành, lĩnh vực kinh tế xanh, các dự án mô hình kinh tế góp phần thực hiện các yêu cầu về đổi mới mô hình tăng trưởng quốc gia, phát thải thấp; hướng dẫn các tổ chức tín dụng cấp tín dụng xanh, báo cáo tình hình triển khai tín dụng xanh sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục phân loại xanh quốc gia.
Thứ ba, đẩy mạnh đàm phán, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tài chính quốc tế và các tổ chức tín dụng trong nước tham gia hoạt động hợp tác quốc tế, tài trợ vốn cho các dự án xanh, có lợi ích về môi trường, xã hội, từ đó tăng cường huy động nguồn lực, góp phần thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và thúc đẩy thực hành ESG tại Việt Nam.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước sẽ tích cực tham gia các diễn đàn trong nước và quốc tế về tín dụng xanh, ngân hàng xanh, thực hành ESG và tăng trưởng bền vững; đồng thời thúc đẩy các hoạt động truyền thông, đào tạo nâng cao nhận thức và chất lượng của nguồn nhân lực ngành ngân hàng, nhằm đáp ứng các yêu cầu triển khai về thực hành ESG cũng như các tiêu chuẩn quốc tế trong phát triển bền vững.
Qua tổng kết, đánh giá giai đoạn 2014 - 2020 và theo dõi từ năm 2021 đến nay, các tổ chức tín dụng đã có sự thay đổi về nhận thức về phát triển bền vững và thực hành ESG trong hoạt động ngân hàng. Nhiều tổ chức tín dụng trên cơ sở quy định của Ngân hàng Nhà nước đã chủ động hợp tác, tiếp nhận các nguồn vốn xanh, hỗ trợ kỹ thuật từ các tổ chức tài chính quốc tế để xây dựng quy chế nội bộ thực hiện quản lý rủi ro môi trường và xã hội cho một số hoạt động cấp tín dụng đối với khách hàng.
Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/tich-hop-esg-trong-hoat-dong-ngan-hang-post358197.html