Thượng úy QNCN Thạch Nhơn với những sáng tạo hiệu quả

Bằng đôi tay khéo léo và sáng tạo, Thượng úy QNCN Thạch Nhơn, nhân viên lái ca nô thuộc Đại đội 10, Tiểu đoàn 4, Lữ đoàn Công binh 25 (Quân khu 9) đã cho ra đời nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật được ứng dụng hiệu quả tại đơn vị.

Nổi bật trong những sáng kiến, cải tiến của anh Thạch Nhơn là “Cabin cứu nạn lắp trên đầu cần cẩu 25 tấn”; “Hệ thống cáng trượt, thang sắt cứu hộ, cứu nạn tầng cao”... Đặc biệt, sáng kiến “Cần cẩu mini nâng (hạ) bình điện, thùng nhiên liệu lên (xuống) ca nô BMK-T” đã giành giải Nhất Hội thi sáng tạo kỹ thuật cấp lữ đoàn và đạt giải Ba Giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo trong Quân đội năm 2021.

Bộ đội Lữ đoàn Công binh 25 sử dụng “Cần cẩu mini nâng (hạ) bình điện, thùng điện nhiên liệu lên (xuống) ca nô BMK-T” đưa ắc quy lên ca nô.

Bộ đội Lữ đoàn Công binh 25 sử dụng “Cần cẩu mini nâng (hạ) bình điện, thùng điện nhiên liệu lên (xuống) ca nô BMK-T” đưa ắc quy lên ca nô.

Lữ đoàn Công binh 25 được biên chế, trang bị nhiều chủng loại phương tiện, xe máy, khí tài, trong đó có ca nô điện từ BMK-T là một trong những phương tiện quan trọng của bộ cầu phao PMP. Để khởi động được khối động cơ diezel 350 mã lực, ca nô điện từ BMK-T phải cần hai bình ắc quy 12V-180Amh, trọng lượng khoảng 140kg. Tuy nhiên, để đưa được bình điện lên ca nô thì cần tối thiểu 3 người và sử dụng dây kéo lên bằng tay, khiến tốn nhiều thời gian, nguy cơ mất an toàn cao. Xuất phát từ thực tế đó và mong muốn tiện lợi, nhanh chóng, an toàn, Thượng úy QNCN Thạch Nhơn đã đo, tính toán thiết kế trên bản vẽ, dự kiến phương án gia công, dự trù vật tư để cho ra đời sáng kiến “Cần cẩu mini nâng (hạ) bình điện, thùng điện nhiên liệu lên (xuống) ca nô BMK-T”. Cấu tạo của thiết bị này gồm: Trục cần cẩu làm bằng sắt, có vòng bi gắn lên thanh chống va đập của ca nô; khóa cố định cần cẩu; thân cần cẩu được thiết kế bằng hộp sắt chữ nhật, gắn với trục; dây cáp chịu tải trọng lớn; tời quay tay dùng để nâng hạ bình điện... Thượng úy QNCN Thạch Nhơn cho biết thêm: “Khi nâng (hạ) bình điện, thùng nhiên liệu lên (xuống) ca nô, người sử dụng sẽ gắn bình và móc cẩu, đóng khóa cố định cần cẩu; sau đó bật cóc hãm của tời, quay tời để nâng bình điện lên ca nô. Khi tời được bình điện lên thành ca nô thì sẽ mở khóa cố định, sau đó xoay cần cẩu vào vị trí chứa bình điện rồi đóng khóa cố định cần cẩu. Bước cuối cùng là hạ tời vào vị trí gắn bình. Bình ắc quy thứ hai cũng làm tương tự theo các thao tác như trên”.

Thượng tá Đỗ Văn Trường, Phó lữ đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Lữ đoàn 25 bật mí: “Trong điều kiện kinh phí còn hạn hẹp, nhưng với tinh thần trách nhiệm trong thực hành tiết kiệm, phát huy phong trào sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, mỗi năm đơn vị đều có hàng chục sáng kiến, cải tiến kỹ thuật. Sáng kiến của Thượng úy QNCN Thạch Nhơn có ưu điểm là gọn nhẹ, dễ cơ động, vận chuyển tiện lợi trong quá trình sử dụng, phù hợp với mọi địa hình. Vừa phục vụ cho nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, cứu hộ cứu nạn, huấn luyện, sáng kiến còn rất tiện lợi trong việc bảo dưỡng, bảo quản ca nô BMK-T. Việc sử dụng sáng kiến này, còn giúp Lữ đoàn tiết kiệm được kinh phí để đầu tư các trang thiết bị khác”.

Bài và ảnh: QUANG ĐỨC

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/thuong-uy-qncn-thach-nhon-voi-nhung-sang-tao-hieu-qua-719313