Thương mại toàn cầu năm 2025: Tìm cơ hội trong bất ổn
Năm 2025, thương mại toàn cầu được dự báo có sự trộn lẫn giữa cơ hội và bất ổn. Các tác động tiềm ẩn từ chính sách thương mại của Mỹ thời ông Donald Trump, cùng với những bước tiến mới trong thương mại điện tử và công nghệ tài chính thương mại, hứa hẹn sẽ định hình lại thương mại thế giới.
Tác động khó lường từ thuế quan của chính quyền Trump 2.0
Trong Báo cáo Cập nhật triển vọng thương mại toàn cầu công bố mới đây, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đã nâng dự báo tăng trưởng cho thương mại hàng hóa thế giới năm 2025 lên 3,3%, tăng 0,3% so với dự báo trước đó.
WTO chỉ rõ, rủi ro đối với dự báo này là tăng trưởng chậm hơn, chứ không phải cao hơn. Điều này có nghĩa là sự bất ổn trong căng thẳng địa chính trị, chính sách và xung đột khu vực có thể làm giảm tăng trưởng, bất chấp mức tăng dự kiến.
Thương mại được kỳ vọng tiếp tục phục hồi dần trong năm 2025, trong bối cảnh lạm phát giảm và lãi suất giảm theo - yếu tố thường kích thích chi tiêu và đầu tư. Các thị trường mới nổi, đặc biệt là ở châu Á, Trung Đông và Nam Mỹ, sẽ dẫn đầu tăng trưởng thương mại toàn cầu.
Cần lưu ý rằng, những đánh giá trên được đưa ra trước thời điểm ông Donald Trump giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2024 và sẽ chính thức trở lại nắm quyền Nhà Trắng ở nhiệm kỳ thứ hai trong ít ngày tới.
Các dự báo về kinh tế thế giới nói chung và thương mại năm 2025 được đưa ra sau khi ông Trump đắc cử đều nhấn mạnh đến rủi ro khó lường từ tác động chính sách thuế quan của chính quyền Trump 2.0, thậm chí còn xác định nó là thách thức lớn nhất đối với tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu.
Kể từ khi ông Trump giành chiến thắng bầu cử vào tháng 11/2024, ông vẫn tiếp tục đe dọa áp thuế quan bổ sung đối với các đối tác thương mại lớn của Mỹ, gồm Trung Quốc, Canada và Mexico. Cụ thể, ông dự định tăng thuế quan thêm 10% đối với tất cả hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ. Đồng thời, ông Trump cũng thông báo rằng, lệnh hành pháp đầu tiên trong số nhiều lệnh hành pháp mà ông đưa ra vào ngày nhậm chức (ngày 20/1/2025) là áp dụng mức thuế 25% đối với tất cả sản phẩm nhập khẩu từ Mexico và Canada.
Theo UNCTAD, thương mại thế giới tiến đến mức kỷ lục 33.000 tỷ USD trong năm 2024. Kết quả này không chỉ đánh dấu mức tăng 1.000 tỷ USD giá trị thương mại toàn cầu (tương đương mức tăng trưởng hàng năm 3,3%), mà còn nêu bật khả năng phục hồi của thương mại toàn cầu, bất luận những thách thức dai dẳng.
“Khó khăn lớn nhất đối với tăng trưởng toàn cầu là sự bất định và sự bất định này đến từ những gì có thể xảy ra ở Mỹ dưới thời Trump 2.0”, ông Luis Oganes, Trưởng bộ phận Nghiên cứu vĩ mô toàn cầu tại Ngân hàng đầu tư JP Morgan bình luận.
Ông Oganes cho rằng, Mỹ đang theo đuổi lập trường chính sách cô lập hơn, tăng thuế quan, cố gắng bảo vệ hiệu quả hơn cho ngành sản xuất của Mỹ. “Điều đó sẽ hỗ trợ tăng trưởng của Mỹ, ít nhất là trong ngắn hạn, nhưng chắc chắn sẽ gây tổn hại cho nhiều quốc gia phụ thuộc vào thương mại với Mỹ”, nhà phân tích của JP Morgan cảnh báo.
Còn theo ông Maurice Obstfeld, cựu kinh tế trưởng của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và là cố vấn kinh tế trước đây của Tổng thống Obama, thuế quan mới mà ông Trump đang dự liệu “có thể đặc biệt tàn phá” đối với Mexico và Canada, nhưng cũng “gây hại” ngược cho nước Mỹ. Điều này có thể đúng đối với ngành công nghiệp ô tô - vốn đang phụ thuộc vào chuỗi cung ứng trải dài ở ba quốc gia. Nếu chuỗi cung ứng đó bị phá vỡ, nó sẽ gây ra sự gián đoạn lớn trên thị trường ô tô.
Chưa hết, điều đó có khả năng đẩy giá lên cao, làm giảm nhu cầu về sản phẩm và gây tổn hại đến lợi nhuận của doanh nghiệp, từ đó có thể kéo giảm mức đầu tư. “Việc áp dụng các loại thuế quan này vào một thế giới phụ thuộc nhiều vào thương mại có thể gây hại cho tăng trưởng, có thể đẩy thế giới vào suy thoái”, ông Obstfeld cảnh báo.
Xét quan hệ thương mại Mỹ - Trung, mặc dù phần lớn hàng hóa Mỹ và Trung Quốc bán cho nhau đã phải chịu thuế quan từ nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Trump, nhưng mối đe dọa về thuế quan mới của chính quyền Trump 2.0 đang nổi lên là một thách thức lớn đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Trong bài phát biểu năm mới 2025, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thừa nhận “những thách thức từ sự bất ổn trong môi trường bên ngoài”, nhưng khẳng định rằng, nền kinh tế nước này đang “đi lên”.
Xuất khẩu hàng hóa giá rẻ đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế Trung Quốc. Nhu cầu giảm khi thuế quan đẩy giá lên cao sẽ làm trầm trọng thêm nhiều thách thức mà chính quyền Trung Quốc đang nỗ lực giải quyết, trong đó có chi tiêu tiêu dùng và đầu tư kinh doanh suy yếu.
Phân tích về tác động của chính quyền Trump 2.0 đến hệ thống thương mại toàn cầu, giáo sư kinh tế Robert Staiger (Dartmouth College) và hiện là nhà nghiên cứu cộng tác tại Cơ quan Nghiên cứu kinh tế quốc gia Mỹ cho rằng, những lời nói và hành động của ông Trump là minh chứng rõ ràng về tầm nhìn của ông về một hệ thống thương mại thế giới trái ngược với trật tự thương mại toàn cầu đa phương dựa trên luật lệ mà Mỹ đã góp phần tạo ra cách đây 75 năm.
Theo đó, những tuyên bố gần đây của ông Trump phản ánh tầm nhìn về mặc cả thuế quan dựa trên quyền lực và mở rộng nó để dùng thuế quan như một con bài mặc cả, ngoài việc mặc cả thuế quan truyền thống.
Cơ hội vẫn xuất hiện trong bất định
Không phủ nhận tác động sâu sắc từ chính sách thương mại và thuế quan của Mỹ đến thế giới, nhưng thành tích năm 2024 đã củng cố cho nhận định rằng, cơ hội vẫn xuất hiện ngay cả khi bất ổn, căng thẳng thương mại và địa chính trị.
Theo Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), năm 2024, thương mại thế giới tiến đến mức kỷ lục 33.000 tỷ USD, tăng 3,3% so với năm trước đó. Kết quả này cho thấy khả năng phục hồi của thương mại toàn cầu bất chấp những thách thức dai dẳng.
Các nền kinh tế đang phát triển, vốn là động lực mạnh mẽ của thương mại toàn cầu, đã đối mặt với nhiều trở ngại trong năm 2024, với lượng nhập khẩu giảm 1% và quý III/2024 cũng ghi nhận mức giảm cùng biên độ.
Ngược lại, các nền kinh tế phát triển dẫn đầu tăng trưởng trong quý III, với nhu cầu ổn định, thúc đẩy nhập khẩu tăng 3% và xuất khẩu tăng 2%.
Bất chấp nhiều thách thức, các nền kinh tế đang phát triển vẫn có cơ hội tận dụng các ngành tăng trưởng cao. Thương mại may mặc và công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) đã tăng vọt, với mức tăng lần lượt là 13% và 14% trong quý III/2024. Sự tăng trưởng này cho thấy tiềm năng đa dạng hóa và gia nhập các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng.
Trong khi lĩnh vực ICT và may mặc cho thấy động lực tăng trưởng mạnh mẽ, thì các ngành truyền thống quan trọng đối với các nền kinh tế đang phát triển lại phải đối mặt với sự suy giảm. Chẳng hạn, thương mại năng lượng giảm 2% trong quý III/2024 và giảm 7% trong cả năm, trong khi kim ngạch thương mại kim loại giảm 3% theo quý và theo năm. Ngoài ra, kim ngạch xuất nhập khẩu ô tô cũng giảm 3% trong quý III/2024 và ước đạt mức tăng trưởng khiêm tốn 4% trong cả năm.
Để đón bắt cơ hội, UNCTAD kêu gọi các nền kinh tế đang phát triển áp dụng các chính sách có mục tiêu nhằm tăng cường đa dạng hóa thương mại và đầu tư vào các ngành có giá trị cao để giảm thiểu rủi ro. Tổ chức này nhấn mạnh, thương mại là nền tảng của phát triển bền vững. Để tận dụng các cơ hội trong năm 2025, các nền kinh tế đang phát triển cần có sự hỗ trợ phối hợp để điều hướng sự không chắc chắn, giảm sự phụ thuộc và tăng cường các liên kết thị trường toàn cầu.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/thuong-mai-toan-cau-nam-2025-tim-co-hoi-trong-bat-on-d240719.html