Thương hiệu – yếu tố quyết định nâng cao giá trị xuất khẩu nông sản

Theo các chuyên gia, nếu nông sản có thương hiệu chính danh thì không chỉ mang về giá trị cao hơn, thu nhập của người sản xuất sẽ tốt hơn mà thương hiệu quốc gia Việt Nam cũng được nâng tầm.

Tập kết hàng cà phê thô xuất khẩu ở Đắk Lắk. Ảnh: Sơn Nam

Tập kết hàng cà phê thô xuất khẩu ở Đắk Lắk. Ảnh: Sơn Nam

Gia tăng giá trị 200 - 300%

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), hơn 10 năm qua, xuất siêu nông sản bình quân khoảng 8 tỷ USD/năm. Các mặt hàng nông sản của Việt đang được người tiêu dùng thế giới đón nhận tích cực. Sản xuất chế biến và xuất khẩu các mặt hàng nông sản tiếp tục khẳng định vị trí chiến lược quan trọng, trụ cột vững chắc của nền kinh tế cũng như sự ổn định xã hội.

Mặc dù đạt kết quả ấn tượng trên hành trình chinh phục thế giới nhưng theo nhiều chuyên gia, nông sản Việt đang giới hạn ở sản phẩm thô, xuất khẩu dưới dạng bao trơn và phân phối dưới thương hiệu đơn vị nhập khẩu ở nước ngoài nên giá bán thường thấp. Trong khi giá trị gia tăng đối với hàng nông sản chủ yếu ở các khâu chế biến, bao gói, hoạt động thương mại.

Theo Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn, 80% sản phẩm nông sản xuất khẩu của chúng ta chưa có thương hiệu, chưa có logo, nhãn mác,… Đây là một trong những nguyên nhân khiến giá bán nông sản của ta chưa cao, giá trị thu về thấp, ảnh hướng lớn tới thu nhập của nhà nông, nhà vườn.

Chẳng hạn như mặt hàng sầu riêng, nếu không có thương hiệu sẽ thiệt thòi rất lớn. Sầu riêng giống Musang King thương hiệu từ Malaysia trồng tại Việt Nam được bán với giá 500.000 - 800.000 đồng/kg. Trong khi giống sầu riêng Ri6 của Việt Nam, chất lượng không thua kém, nhưng giá chỉ 100.000 đồng/kg, bằng khoảng 1/6 đến 1/8 so với sầu riêng Musang King.

Theo Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương), nông sản xuất khẩu có thương hiệu riêng sẽ gia tăng giá trị 200 - 300%, thậm chí có nông sản giá trị tăng đến 500%.

Các chuyên gia cũng đưa ra rất nhiều nguyên nhân như: công nghệ xử lý trước và sau thu hoạch lạc hậu, chuỗi kinh doanh từ sản xuất, chế biến đến marketing, phân phối và tiêu thụ chưa phát triển.

Việc xây dựng thương hiệu nông sản và đăng ký nhãn hiệu chứng nhận bảo hộ đối với nhiều nông sản chủ lực còn có vướng mắc về mặt pháp lý và kinh phí. Vấn đề xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản được đề cập nhiều nhưng vẫn chung chung, chưa cụ thể, chưa có chiến lược, chương trình tổng thể đặc thù cho nông sản; chưa có sự kết nối, điều phối giữa các bên liên quan.

Tiên phong trong xây dựng thương hiệu nông sản

Là địa phương có diện tích và sản lượng trồng cây cà phê, sầu riêng lớn nhất cả nước, theo nhận định của Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk, vài năm trước, việc tăng trưởng "nóng” về diện tích, sản lượng đang tiềm ẩn nhiều rủi ro khi có biến động phát sinh của thị trường.

Cùng với đó, việc sản xuất, chế biến, tiêu thụ hai ngành hàng này được xem là còn yếu về liên kết vùng trồng, tổ chức sản xuất, hoạt động thu mua, chế biến, bảo quản và tiêu thụ; vùng trồng còn nhỏ lẻ, phân tán, chưa kiểm soát tốt các đối tượng kiểm dịch thực vật mà nước nhập khẩu quan tâm...

Để khắc phục tình trạng này, UBND tỉnh Đắk Lắk đã xây dựng và thực hiện các chính sách ưu đãi để khuyến khích hình thành và phát triển các chuỗi giá trị cà phê, sầu riêng chất lượng cao. Theo đó, cơ quan quản lý sẽ hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường, xây dựng thương hiệu, hỗ trợ máy móc chế biến và hỗ trợ cấp chứng nhận.

Đối với cây cà phê, tỉnh Đắk Lắk được trồng chủ yếu ở vùng chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột. Nhờ sản xuất theo hướng nông sản sạch, đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe của nhiều thị trường, cà phê Đắk Lắk đã xuất khẩu đến hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

UBND tỉnh Đắk Lắk cũng hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất nguồn kinh phí xúc tiến thương mại để đẩy mạnh công tác xúc tiến, tìm kiếm thị trường, quảng bá sản phẩm cà phê chất lượng cao; hỗ trợ cho các doanh nghiệp cà phê của tỉnh đưa sản phẩm cà phê vào bán tại các siêu thị trong nước.

Vườn sầu riêng chất lượng cao tại Đắk Lắk. Ảnh: Sơn Nam

Vườn sầu riêng chất lượng cao tại Đắk Lắk. Ảnh: Sơn Nam

Đối với cây sầu riêng, hiện toàn tỉnh có 23 cơ sở đóng gói và 68 vùng trồng (tổng diện tích 2.521 ha) đã được phía Trung Quốc cấp mã số phục vụ xuất khẩu. Đắk Lắk đã có hai huyện được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Chứng nhận đăng ký nhãn hiệu là “Sầu riêng Krông Pắc” và “Sầu riêng Cư M'gar”; có 2 huyện đang xây dựng đề án và đăng ký bảo hộ nhãn hiệu là Krông Búk và Ea H'leo./.

Theo số liệu của Bộ NN-PTNN, xuất khẩu nông sản của Việt Nam hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Gia Cư

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/thuong-hieu-yeu-to-quyet-dinh-nang-cao-gia-tri-xuat-khau-nong-san-159615.html