Thượng đỉnh Trung-Nhật-Hàn: Nối lại tình xưa?

Thượng đỉnh Trung-Nhật-Hàn vừa là kết quả từ sự 'hạ nhiệt' trong quan hệ giữa ba nước, vừa là động lực để các bên đẩy nhanh quá trình này.

(Từ trái sang) Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol sẽ gặp nhau tại Seoul. (Nguồn: EPA/Jiji)

(Từ trái sang) Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol sẽ gặp nhau tại Seoul. (Nguồn: EPA/Jiji)

Ngày 26-27/5, Thượng đỉnh Trung-Nhật-Hàn dự kiến diễn ra tại Seoul, Hàn Quốc. Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường, người đồng cấp Nhật Bản Kishida Fumio và Tổng thống nước chủ nhà Yoon Suk Yeol sẽ góp mặt.

Khi mùi thuốc súng dần tan

Đây là thượng đỉnh đầu tiên của lãnh đạo ba nước Đông Bắc Á trong năm năm qua, kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát tại khu vực. Tuy nhiên, đại dịch không phải lý do duy nhất trì hoãn cuộc gặp quan trọng này. Căng thẳng giữa Nhật Bản và Hàn Quốc liên quan đến vấn đề lịch sử, thương mại và công nghệ mới tạm lắng sau thỏa thuận của lãnh đạo hai bên hồi tháng Ba năm ngoái.

Quan hệ Trung Quốc-Nhật Bản cũng chứng kiến tín hiệu trái chiều. Một mặt, kênh ngoại giao cấp nhà nước gần như đóng băng do lập trường của Tokyo về vấn đề Đài Loan và việc Trung Quốc cấm hải sản nhập khẩu từ Nhật Bản. Mới đây, Sách trắng của xứ sở Mặt trời mọc cho rằng, hành động của Bắc Kinh đã dẫn đến tình trạng an ninh “nghiêm trọng và phức tạp” ở khu vực. Mặt khác, chính tài liệu này kêu gọi xây dựng “liên kết cùng có lợi” với Trung Quốc. Đồng thời, số liệu chỉ ra rằng, trong năm tài khóa vừa qua, 60 đoàn tỉnh trưởng, thị trưởng Nhật Bản đã thăm Trung Quốc. Dự kiến, con số này tiếp tục tăng.

Trong khi đó, ngày 20/5 đánh dấu lần đầu tiên trong bảy năm qua, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tiếp người đồng cấp Hàn Quốc ở Điếu Ngư Đài, Bắc Kinh. Ông khẳng định: “Không có xung đột lợi ích cơ bản nào giữa Trung Quốc và Hàn Quốc. Cả hai nên cùng hướng tới trạng thái hài hòa dù khác biệt”. Một trong những khác biệt đó là vấn đề Triều Tiên: trong tuyên bố chung, hai bên chỉ nêu lại lập trường, thay vì đồng thuận, đột phá trong thái độ đối với Bình Nhưỡng.

Khi ấy, thượng đỉnh Trung-Nhật-Hàn vừa là kết quả từ sự “hạ nhiệt” trong quan hệ giữa ba nước, vừa là cơ hội để các bên cùng nhau thúc đẩy quá trình này.

Nắm bắt cơ hội

Trên cơ sở đó, theo nguồn tin từ Tokyo, thượng đỉnh có thể thảo luận về sáu lĩnh vực chính gồm giao lưu nhân dân, khoa học và công nghệ, phát triển bền vững, y tế công cộng, hợp tác kinh tế - thương mại, hòa bình và an ninh. Trong cuộc gặp đầu tiên sau đại dịch Covid-19, lãnh đạo ba nước nhấn mạnh hợp tác về chia sẻ thông tin, ứng phó kịch bản tương tự trong tương lai.

Về hợp tác kinh tế, ba nước nhiều khả năng nhất trí mở rộng thương mại, đầu tư tự do và công bằng, song song với tăng cường kết nối chuỗi cung ứng. Trong vấn đề già hóa, suy giảm dân số, thách thức chung của cả ba, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức để giải quyết thực trạng này.

Theo một số nguồn tin khác, các bên đang thảo luận để nối lại đối thoại về thỏa thuận thương mại ba bên, tiến trình đã bị đình trệ từ năm 2019. Biên bản cuộc họp cũng có thể kêu gọi tổ chức thượng đỉnh ba bên theo hình thức thường niên.

Ông Lee Hee Sup, Tổng thư ký thuộc Ban thư ký hợp tác ba nước có trụ sở tại Seoul, cho rằng, thể chế hóa sự phối hợp ba bên là điều quan trọng nhất, đặc biệt trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ toàn cầu, căng thẳng địa chính trị và xung đột khu vực phức tạp hơn bao giờ hết. Quan chức này đánh giá hợp tác ba bên vẫn được duy trì, bất chấp biến động trong các mối quan hệ song phương. Từ khi được khởi xướng 25 năm trước, quan hệ hợp tác này đã góp phần thúc đẩy thương mại giữa Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản, từ 130 tỷ USD (1999) lên 780 tỷ USD (2022), góp phần thúc đẩy giao lưu nhân dân trong khu vực.

Đáng chú ý, ông nêu rõ quan hệ đối tác Trung-Nhật-Hàn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, còn liên kết Mỹ-Nhật-Hàn tập trung vào khía cạnh an ninh. Về khác biệt quan điểm giữa Bắc Kinh với Seoul và Tokyo về Bình Nhưỡng, Tổng thư ký Lee Hee Sup nhận định, không quốc gia nào muốn căng thẳng tại Đông Bắc Á, nhấn mạnh nhu cầu hợp tác để giải quyết tình hình bán đảo Triều Tiên.

Tuy nhiên, bên cạnh Triều Tiên, vấn đề Đài Loan tiếp tục là “điểm nghẽn”. Ngày 21/5, người phát ngôn của Đại sứ quán Trung Quốc tại Seoul lên tiếng chỉ trích việc các nhà lập pháp Hàn Quốc thăm đảo Đài Loan (Trung Quốc), chúc mừng người đứng đầu Lại Thanh Đức nhậm chức. Bắc Kinh cũng chỉ trích Tokyo đã chúc mừng ông Lại, nhấn mạnh rằng, Nhật Bản cần tránh “các hành động thao túng chính trị mang tính khiêu khích” trong vấn đề Đài Loan. Trước đó, Chánh Văn phòng nội các Nhật Bản Hayashi Yoshimasa khẳng định, Đài Loan (Trung Quốc) là “một đối tác đặc biệt quan trọng và người bạn của đất nước chúng tôi”, đồng thời cho biết lập trường của Tokyo là củng cố hợp tác và giao lưu ở kênh phi chính phủ.

Cuối cùng, việc nối lại thượng đỉnh Trung-Nhật-Hàn, từng được coi là truyền thống thường niên giữa ba nước láng giềng, sẽ góp phần tạo bầu không khí hợp tác, hữu nghị, cùng hướng tới một Đông Bắc Á hòa bình, ổn định và phát triển.

Minh Vương

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/thuong-dinh-trung-nhat-han-noi-lai-tinh-xua-272299.html