Thuốc và các phương pháp điều trị liệt mặt
Mục tiêu chính của việc điều trị bệnh liệt mặt là tăng tốc độ phục hồi và phục hồi hoàn toàn, ngăn ngừa các biến chứng giác mạc và các di chứng khác...
Liệt mặt hay liệt dây thần kinh mặt (dây thần kinh sọ số 7) thường là vô căn (trước đây gọi là liệt Bell). Liệt dây thần kinh mặt vô căn là liệt dây thần kinh mặt ngoại biên một cách đột ngột. Đây là tình trạng một bên cơ mặt trở nên yếu hoặc chảy xệ xuống do dây thần kinh điều khiển cho cơ mặt bị tổn thương hoặc mất chức năng.
Nội dung
1. Điều trị nội khoa liệt mặt
1.1 Thuốc chống viêm điều trị liệt mặt
1.2 Thuốc tăng dẫn truyền thần kinh
1.3 Thuốc giãn mạch
2. Y học cổ truyền chữa liệt mặt
2.1 Cấy chỉ
2.2 Xoa bóp bấm huyệt
2.3 Điện châm
2.4 Điện châm không dùng kim
2.5 Xông hơ ngải cứu
2.6 Thủy châm
3. Tập vật lý trị liệu
4. Điều trị ngoại khoa
Trước đây, liệt Bell được cho là liệt dây thần kinh sọ não thứ 7 ngoại biên vô căn. Tuy nhiên, ngày nay liệt dây thần kinh mặt là một hội chứng lâm sàng do nhiều nguyên nhân gây ra và thuật ngữ "liệt Bell" không phải lúc nào cũng đồng nghĩa với liệt dây thần kinh mặt vô căn. Khoảng một nửa số trường hợp liệt dây thần kinh mặt là vô căn.
Cơ chế của những gì trước đây được cho là liệt dây thần kinh mặt vô căn có lẽ do rối loạn miễn dịch hoặc virus. Bằng chứng hiện tại cho thấy các nguyên nhân phổ biến do virus là:
Virus herpes simplex (phổ biến nhất)
Herpes zoster
Các loại virus khác có thể là nguyên nhân SARS-CoV-2 , coxsackievirus, cytomegalovirus , adenovirus và virus Epstein-Barr, quai bị, rubella và cúm B. Dây thần kinh bị phù nề và bị chèn ép tối đa khi đi qua xương đá, dẫn đến thiếu máu cục bộ và liệt.
Dây thần kinh mặt không chỉ chi phối các các cơ vận động vùng mặt hàm, mà còn chi phối các cơ hoạt động không tự chủ bên trong của tuyến lệ, tuyến dưới hàm, cảm giác đến một phần của tai và vị giác cho 2/3 phía trước của lưỡi. Vì vậy, khi bị liệt mặt, tất cả các bộ phận liên quan đến các sợi thần kinh này đều bị ảnh hưởng và có thể xuất hiện các dấu hiệu bao gồm:
Khô mắt, tuyến lệ hoạt động kém, sụp mí hoặc không thể nhắm hay nháy mắt
Miệng chảy dãi hoặc không thể khép miệng, khó mỉm cười
Dị cảm vùng trán, vùng khóe miệng
Đau quanh tai, thái dương, xương chũm, góc hàm
Thay đổi vị giác
Nhạy cảm với âm thanh
Rối loạn nhai nuốt hoặc lời nói
Trường hợp liệt mặt do nhiễm trùng herpes simplex hoặc zoster, người bệnh còn bị đau dữ dội, sau đó có thể xuất hiện mụn nước và tiến triển thành hội chứng Ramsay-Hunt. Hội chứng Ramsay-Hunt đặc trưng bởi các mụn nước ở vòm miệng hoặc lưỡi do rối loạn chức năng tiền đình-ốc tai gây ra.
Mục tiêu chính của việc điều trị bệnh liệt mặt là tăng tốc độ phục hồi, giúp phục hồi hoàn toàn, ngăn ngừa các biến chứng giác mạc và các di chứng khác, đồng thời ức chế sự nhân lên của virus. Tùy vào mức độ bệnh và nguyên nhân gây bệnh mà bác sĩ có thể chỉ định một hoặc kết hợp nhiều phương pháp điều trị cho bệnh nhân.
1. Điều trị nội khoa liệt mặt
1.1 Thuốc chống viêm điều trị liệt mặt
Điều trị sớm bằng thuốc chống viêm corticoid trong 48 giờ đầu, sau khi phát bệnh giúp phục hồi nhanh và hoàn thiện hơn. Tuy nhiên, cần loại trừ những trường hợp chống chỉ định như bệnh lao, đái tháo đường, rối loạn tâm thần, loét dạ dày tá tràng…
1.2 Thuốc tăng dẫn truyền thần kinh
Thuốc có tác dụng phục hồi chức năng dẫn truyền thần kinh, giúp cải thiện triệu chứng liệt mặt. Loại thuốc tăng dẫn truyền thần kinh phổ biến nhất là galantamin, đòi hỏi cần sử dụng với liều cao trong thời gian từ 7-10 ngày. Sử dụng bằng phương pháp điện di nivalin sẽ giúp thuốc ngấm nhanh và có tác dụng tốt hơn.
1.3 Thuốc giãn mạch
Thuốc có tác dụng chống co mạch, rối loạn vận mạch, làm mạch máu giãn ra và tăng cường nuôi dưỡng cho các vùng thiếu máu. Thuốc cũng có khả năng chống viêm (nhưng khá yếu). Cần thận trọng khi dùng thuốc giãn mạch, chỉ nên chọn các loại thuốc chẹn canxi có ưu thế trên mạch máu của hệ thống đầu mặt cổ.
Ngoài ra, bác sĩ có thể kê thêm một số loại thuốc khác như thuốc tăng tái tạo bao thần kinh, các chất chống gốc tự do, các vitamin nhóm B đặc biệt là vitamin B1, các thuốc lợi tiểu nhẹ nếu bệnh nhân có phù rõ, các kháng sinh bổ trợ nếu có nhiễm khuẩn.
2. Y học cổ truyền chữa liệt mặt
2.1 Cấy chỉ
Cấy chỉ, hay còn gọi là nhu châm. Kỹ thuật này bao gồm việc cấy các sợi chỉ tiêu vào các huyệt đạo, giúp duy trì kích thích lâu dài và liên tục tại những vị trí đã được cấy chỉ, từ đó mang lại hiệu quả điều trị bền vững.
2.2 Xoa bóp bấm huyệt
Xoa bóp bấm huyệt là một phương pháp điều trị liệt mặt ngoại biên rất hiệu quả, sử dụng sự khéo léo và lực tay để tác động lên các huyệt đạo, da, cơ và khớp của người bệnh. Kỹ thuật này không chỉ mang lại cảm giác thư giãn, mà còn giúp làm giảm đau nhức ở cơ bắp, khớp và hệ thần kinh, từ đó cải thiện tình trạng sức khỏe tổng thể.
2.3 Điện châm
Điện châm là phương pháp điều trị kết hợp giữa y học cổ truyền (châm cứu) và y học hiện đại thông qua việc sử dụng dòng điện. Kỹ thuật này sử dụng thiết bị điện tử để phát ra dòng điện ở tần số thấp, nhằm kích thích và điều hòa lưu thông khí huyết trong các kinh mạch.
Điện châm không chỉ hỗ trợ trong việc duy trì chức năng bình thường của cơ bắp và dây thần kinh mà còn góp phần tăng cường dinh dưỡng cho các cấu trúc và tổ chức tại vị trí điện châm được áp dụng.
2.4 Điện châm không dùng kim
Điện châm không sử dụng kim mang lại hiệu quả điều trị cao trong quá trình điều trị liệt mặt ngoại biên, tương tự như phương pháp điện châm truyền thống. Thay vì dùng kim, phương pháp này sử dụng các điện cực để kích thích sâu bên trong và ngoại vi, giúp tạo ra cảm giác thoải mái cho người bệnh.
Phương pháp này không chỉ nâng cao hiệu quả điều trị mà còn loại bỏ những lo ngại của người bệnh, đặc biệt là nỗi sợ hãi khi kim châm vào cơ thể.
2.5 Xông hơ ngải cứu
Xông hơ ngải cứu là một phương pháp điều trị sử dụng sức nóng để tác động vào các huyệt vị và đường kinh. Thực chất, "cứu ngải" là quá trình đốt lá ngải cứu khô, tạo ra hơi nóng nhằm kích thích các huyệt đạo.
Phương pháp này không chỉ giúp làm ấm cơ thể mà còn tạo ra phản ứng sinh lý, hỗ trợ trong việc phòng ngừa và điều trị nhiều loại bệnh. Sự tác động của nhiệt độ lên các huyệt vị giúp lưu thông khí huyết, giảm đau và cải thiện sức khỏe tổng thể.
2.6 Thủy châm
Thủy châm, hay còn gọi là tiêm thuốc vào huyệt, là một phương pháp điều trị liệt mặt ngoại biên, kết hợp giữa y học hiện đại và y học cổ truyền. Phương pháp này sử dụng thuốc tiêm vào các huyệt đạo, nhằm phát huy tác dụng kéo dài của thuốc tại vị trí điều trị.
Nhờ đó, thủy châm không chỉ nâng cao hiệu quả điều trị mà còn hỗ trợ phục hồi chức năng và giảm nhẹ các triệu chứng bệnh lý. Sự kết hợp này mang lại những lợi ích đáng kể trong việc điều trị nhiều loại bệnh, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến liệt mặt ngoại biên.
3. Tập vật lý trị liệu
Vật lý trị liệu liệt dây thần kinh số 7 đóng vai trò quan trọng trong việc phục hồi cho người bệnh. Các bài tập cho khuôn mặt có thể giúp cải thiện chức năng của khuôn mặt, giảm biến chứng khi bị liệt dây thần kinh số 7 cũng như rút ngắn thời gian phục hồi.
Việc tập vật lý trị liệt mặt có tác dụng tăng cường sức mạnh cho một số cơ mặt, đồng thời rèn luyện cho não khả năng nhận diện những xung điện cần thiết để điều khiển các cơ khác nhau trên khuôn mặt. Điều này sẽ giúp người bệnh sử dụng được các cơ mặt như bình thường sau khi đã khỏi bệnh.
4. Điều trị ngoại khoa
Phẫu thuật là các thủ thuật chuyên áp dụng trong ngoại khoa để chẩn đoán hoặc điều trị bệnh. Tùy vào tình trạng bệnh mà bác sĩ sẽ quyết định phẫu thuật nội soi hay tiến hành mổ mở trực tiếp.
Đối với việc phẫu thuật liệt dây thần kinh số 7, bệnh nhân sẽ được bác sĩ can thiệp vào dây thần kinh bằng phẫu thuật gỡ dính, nối lại hoặc ghép dây thần kinh nếu phát bệnh trước 9 tháng. Trường hợp đã tổn thương quá 9 tháng thì phải ghép thần kinh và cơ thay thế. Ngoài ra còn phải áp dụng các phẫu thuật tạo hình để cân đối lại cơ mặt.