Kỳ 1 - Thuốc lá làm nóng: Định nghĩa và sự phổ biến toàn cầu

Tên gọi thuốc lá làm nóng bao hàm cơ chế hoạt động là làm nóng điếu thuốc lá, và điếu thuốc này có chứa nguyên liệu thuốc lá.

Sự xuất hiện của các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới (TLTHM), bao gồm thuốc lá nung nóng – còn gọi là thuốc lá làm nóng (TLLN), thuốc lá điện tử (TLĐT) trong gần một thập kỷ qua, hiện các cơ quan hữu trách vẫn chưa tìm được tiếng nói chung trong việc áp dụng khung pháp lý để kiểm soát.

Do đó, tại nhiều cuộc họp bộ ngành, các đại biểu đều đồng thuận điều kiện tiên quyết là cần xác định rõ TLLN là sản phẩm thuốc lá bằng văn bản, nhằm phân biệt với thuốc lá điếu và các loại TLTHM khác, để từ đó có hướng quản lý phù hợp.

Thuốc lá làm nóng: Phổ biến và không còn xa lạ trong xã hội

Suốt nhiều năm lưu hành, thuốc lá làm nóng, TLĐT được biết đến với tên gọi chung là TLTHM. Về bản chất, thuốc lá làm nóng chỉ khác thuốc lá điếu ở cách sử dụng, trong khi nguyên liệu thuốc lá giống hoàn toàn với thuốc lá điếu.

Về cách sử dụng, người hút thuốc lá điếu đốt điếu thuốc bằng bật lửa rồi rít. Còn người sử dụng TLLN cần bật thiết bị điện, nhét điếu thuốc đặc chế có nguyên liệu thuốc lá vào thiết bị và làm nóng.

Quá trình làm nóng này diễn ra chỉ trong vòng 6-8 giây. Do chỉ làm nóng mà không đốt cháy nên người sử dụng TLLN sẽ không tạo ra tàn thuốc và khói thuốc như thuốc lá điếu trong khi vẫn đáp ứng nhu cầu nicotine tạo ra từ nguyên liệu thuốc lá như thuốc lá điếu.

Do vậy, tên gọi TLLN bao hàm cơ chế hoạt động là làm nóng điếu thuốc lá, và điếu thuốc này có chứa nguyên liệu thuốc lá.

Cách đây 10 năm, TLLN đã du nhập vào thị trường Việt Nam thông qua đường xách tay.

Hầu hết nguồn hàng đến từ Nhật, Hàn quốc và chỉ một số ít người sử dụng. Tuy nhiên, đến nay sản phẩm đã phổ biến rộng rãi trong cộng đồng, đặc biệt tại Hà Nội.

Việc sử dụng TLLN sạch sẽ hơn so với thuốc lá điếu do không tàn thuốc, lại không ám mùi thuốc lá lên cơ thể (vấn đề thường gặp ở thuốc lá điếu) nên sản phẩm dễ dàng được ưa chuộng.

Khi được hỏi liệu có lo ngại về tính độc hại của TLLN hay không, một người sử dụng lậu năm, anh T.Đ (30 tuổi, Hà Nội) chia sẻ: "Đã hút thuốc thì biết đó là hại. Muốn không hại thì cai thuốc. Do đó tính độc hại của TLLN nếu có cũng không quá quan trọng. Điều dễ thấy là, so với thuốc lá điếu khi xài TLLN không làm khó chịu người xung quanh. Ngoài ra, mức độ khô họng cũng giảm rõ rệt".

Anh Đ. cũng nói thêm: "Nhật họ đã dùng 10 năm nay, nếu có hại thì chính phủ họ đã cấm từ lâu rồi. Còn các trường hợp gọi là tai nạn chỉ vì xài nhằm hàng "lởm"".

Nói về khả năng biến tướng TLLN của người dùng, tại tọa đàm ngày 1/8 vừa qua, ông Lê Thành Hưng - Trưởng phòng Tiêu chuẩn chất lượng nông nghiệp thực phẩm, Viện Tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ tái khẳng định: "TLLN là hệ khép kín nên người dùng sẽ sử dụng đúng như thiết kế ban đầu của nhà sản xuất".

Bên cạnh đó, bà Nguyễn Quỳnh Liên, Trưởng ban Dân chủ, Giám sát và Phản biện xã hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại tọa đàm trên cũng nhận định: "Trong những tiến trình của đất nước, đến thời điểm hiện nay, TLNN, thuốc lá mới không phải là vấn đề mới, không phải là mặt hàng mới xuất hiện ở Việt Nam nữa, nó đã có một quá trình gần như cả xã hội đã làm quen loại mặt hàng hóa này".

Xu hướng chuyển dịch từ thuốc lá điếu sang TLLN trên toàn cầu

Châu Á là khu vực chuộng TLLN nhất thế giới, theo sau là châu Âu, Mỹ, và các khu vực khác. Tại Nhật, chỉ trong 5 năm (2015-2019), tỷ lệ hút TLLN tăng lên đến 10-15% (từ 0,2%), đến hiện tại đã lên đến 44% thị phần thuốc lá.

Một khảo sát diện rộng thực hiện bởi Bộ Y tế Nhật cho thấy 40% người hút thuốc chuyển sang TLLN vì lo ngại ảnh hưởng đến cộng đồng, và 36% số khác tin rằng sản phẩm này giảm tác hại.

Theo cập nhật từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có 175 quốc gia thành viên không cấm lưu hành TLLN, từ các nước phát triển như Mỹ, Anh, Đức, Ý, Canada, Nga, Nhật, Pháp cho đến các nước ASEAN như Indonesia, Malaysia, Philippines.

Một số quốc giá từng cấm cửa TLLN, như Bhutan, đã hợp pháp hóa vào năm 2023. Đi trước Bhutan còn có Uruguay, Đài Loan… là những nước chuyển từ cấm sang hợp pháp hóa TLLN.

Trong chuỗi nguy cơ của sản phẩm nicotine, thuốc lá điếu là sản phẩm gây hại nhất. (Nguồn: GSTHR)

Trong chuỗi nguy cơ của sản phẩm nicotine, thuốc lá điếu là sản phẩm gây hại nhất. (Nguồn: GSTHR)

Không chỉ người hút thuốc trên toàn cầu đón nhận TLLN mà chính phủ một số nước đang sử dụng TLLN như là công cụ để giúp chuyển đổi từ thuốc lá điếu sang các sản phẩm này.

Theo đó, từ ngày 1/7, TLLN được giảm 50% thuế tiêu thụ đặc biệt tại New Zealand, quyết định được đưa ra bởi Bộ Y tế nước này nhằm mục tiêu thí điểm TLLN cai thuốc lá điếu. Ngoài NewZealand, còn có Nhật, Indonesia, Philippines cũng áp thuế TLLN chỉ bằng phân nửa so với thuốc lá điếu.

Ngược lại, tại Việt Nam có ý kiến cho rằng TLLN là sản phẩm độc hại và đề xuất cấm. Đánh giá về vấn đề này, ông Tạ Văn Hạ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội, cho rằng: "Chúng ta cần tính đến quyền lợi của hơn chục triệu người đang nghiện thuốc lá, để họ có quyền tiếp cận đến những sản phẩm giảm tác hại hơn".

Đồng thời, ông Hạ cũng nhắc lại việc Nhật Bản đã nghiên cứu vấn đề này kỹ rồi, liệu Bộ Y tế đã triển khai nghiên cứu trong nước như thế nào để bổ sung vào đề xuất quản lý thuốc lá mới theo chỉ đạo của Công điện 47 của Thủ tướng Chính phủ.

Từ thực tiễn trong nước cho đến dữ liệu đời thực trên thế giới đối với khoa học và chính sách quản lý TLLN, các đại biểu cho rằng liệu lệnh cấm có phải phù hợp với thực tiễn Việt nam hiện nay hay không trong khi rõ ràng TLLN đang ngày càng phổ biến trong nước lẫn quốc tế, cũng như nhận được sự ủng hộ của chính phủ tại nhiều quốc gia.

Xem tiếp Kỳ 2: Cấm thuốc lá làm nóng có đem lại lợi ích cho người hút thuốc?

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/thuoc-la-lam-nong-dinh-nghia-va-su-pho-bien-toan-cau-20424081921351111.htm