Thực phẩm siêu chế biến tăng nguy cơ ung thư

Theo một nghiên cứu mới, ăn nhiều thực phẩm siêu chế biến (UPF) có liên quan đến tăng nguy cơ phát triển ung thư đường tiêu hóa trên.

UPF được cho là làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư. Ảnh: Lifepan

UPF được cho là làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư. Ảnh: Lifepan

Theo một nghiên cứu mới, ăn nhiều thực phẩm siêu chế biến (UPF) có liên quan đến tăng nguy cơ phát triển ung thư đường tiêu hóa trên, như ung thư miệng, cổ họng và thực quản.

Những thành phần “chết người”

UPF là thực phẩm được chế biến công nghiệp, có từ 5 thành phần trở lên, gồm các chất phụ gia, phẩm màu, chất bảo quản... Theo nghiên cứu, người tiêu thụ UPF nhiều hơn 10% so với người bình thường khác có nguy cơ mắc ung thư ở khu vực đầu cổ cao hơn 23%; nguy cơ mắc ung thư biểu mô tuyến thực quản cao hơn 24%.

Tiến sĩ Helen Croker - trợ lý Giám đốc nghiên cứu và chính sách tại Quỹ Nghiên cứu về Ung thư Thế giới, nơi tài trợ cho nghiên cứu cho biết, nghiên cứu bổ sung thêm bằng chứng cho thấy mối liên hệ giữa UPF và nguy cơ ung thư.

“Điều đặc biệt quan trọng trong nghiên cứu này là việc ăn nhiều thực phẩm chế biến sẵn, đặc biệt là các sản phẩm từ động vật và đồ uống có đường, có liên quan đến việc tăng nguy cơ phát triển ung thư cùng với một bệnh khác như đột quỵ hoặc tiểu đường”, TS Helen Croker cho biết.

Trong khi đó, TS Ingre Huybrechts - Chi nhánh Dinh dưỡng và Chuyển hóa thuộc Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế cho rằng cần có nhiều nghiên cứu và thu thập dữ liệu hơn để hiểu được mối liên hệ mới được tìm thấy.

UPF gồm nước ngọt, khoai tây chiên, kem... chứa các thành phần “không bao giờ, hoặc hiếm khi được sử dụng trong nhà bếp và các chất phụ gia có chức năng làm cho sản phẩm cuối cùng trở nên ngon miệng hoặc hấp dẫn hơn - theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO).

Danh mục các chất phụ gia gồm chất bảo quản để chống nấm mốc, vi khuẩn; chất nhũ hóa để giữ cho các thành phần không tương thích tách ra; chất tạo màu và thuốc nhuộm nhân tạo; chất chống tạo bọt, làm phồng, tẩy trắng, tạo gel và làm bóng; lượng đường, muối và chất béo được thay đổi nhằm làm cho món ăn trở nên hấp dẫn hơn.

Nghiên cứu mới cũng cho thấy nguy cơ và tỷ lệ tử vong do ung thư, đặc biệt là ung thư buồng trứng, tăng lên khi người ta ăn nhiều UPF. Ảnh: Wttw

Nghiên cứu mới cũng cho thấy nguy cơ và tỷ lệ tử vong do ung thư, đặc biệt là ung thư buồng trứng, tăng lên khi người ta ăn nhiều UPF. Ảnh: Wttw

Mối liên quan ngày càng lớn

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ, thừa cân hoặc béo phì là yếu tố nguy cơ phổ biến dẫn đến ít nhất 13 loại ung thư, trong đó có ung thư thực quản. UPF thường chứa nhiều calo và được coi là nguyên nhân gây ra tình trạng thừa cân.

Tuy nhiên, sau khi phân tích kết quả, các nhà nghiên cứu nhận thấy sự gia tăng lượng mỡ trong cơ thể chỉ chiếm một số liên hệ giữa UPF và bệnh ung thư đường tiêu hóa trên trong khoảng thời gian 14 năm.

Cụ thể, tỷ lệ vòng eo/hông tăng lên chỉ giải thích được 5% trong số 23% nguy cơ mắc bệnh ung thư đầu và cổ. Sự gia tăng chỉ số khối cơ thể (BMI), giải thích 13% trong số 24% nguy cơ mắc bệnh ung thư thực quản, trong khi tỷ lệ vòng eo/hông giải thích được 15% nguy cơ ung thư tăng thêm.

Ngoài ra, các thành phần như chất nhũ hóa, chất bảo quản, chất làm ngọt nhân tạo và chất độc có trong bao bì thực phẩm cũng có thể đóng vai trò trong mối liên hệ giữa UPF và bệnh ung thư hoặc các bệnh khác.

TS David Katz - chuyên gia về y học phòng ngừa và lối sống từ Đại học Yale của Mỹ cho biết, nếu UPF góp phần gây ra nguy cơ ung thư thì chỉ ở mức độ nhỏ. Ở mức độ lớn hơn, chúng góp phần theo các cách khác. Đó có thể là viêm nhiễm do chế độ ăn, sự gián đoạn của hệ vi sinh vật và các tác động bất lợi khác.

Đây không phải là nghiên cứu đầu tiên tìm ra mối liên hệ giữa UPF và bệnh ung thư. Một nghiên cứu tiến hành tháng 8/2022 cho biết việc ăn UPF làm tăng đáng kể nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng ở nam giới, cũng như nguy cơ mắc bệnh tim và tử vong sớm cao hơn ở cả nam và nữ.

Ngoài ra, cứ tăng 10% lượng tiêu thụ UPF có liên quan đến việc tăng 2% khả năng phát triển bất kỳ loại ung thư nào và tăng 19% nguy cơ được chẩn đoán mắc bệnh ung thư buồng trứng.

Một nghiên cứu khác được công bố cho thấy ăn nhiều UPF làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh mãn tính như tiểu đường, bệnh tim và ung thư. Việc ăn nhiều sản phẩm động vật đã qua chế biến và đồ uống có đường giải thích phần lớn mối liên hệ này. Ăn 400 calo UPF mỗi ngày trong chế độ ăn 2.000 calo sẽ làm tăng nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ.

Theo nghiên cứu trong năm 2023, ăn nhiều thực phẩm và đồ uống đã qua chế biến sẵn, đặc biệt nếu những món đó được làm ngọt nhân tạo, có thể liên quan đến sự phát triển bệnh trầm cảm ở phụ nữ.

Nghiên cứu trên tiến hành đối với 450.111 người trưởng thành, do tổ chức Điều tra Triển vọng châu Âu về Ung thư và Dinh dưỡng (EPIC). Sau đó, dữ liệu về chế độ ăn uống và lối sống, gồm câu hỏi về tiêu thụ UPF của người tham gia được phân tích. Nghiên cứu này được công bố trên Tạp chí Dinh dưỡng châu Âu.

Theo CNN

Hải Yến

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/thuc-pham-sieu-che-bien-tang-nguy-co-ung-thu-post666732.html