Thực hư làm đẹp bằng tế bào gốc

Tế bào gốc được coi là phát hiện của thế kỷ với nhiều ứng dụng vào y sinh học, thẩm mỹ. Tuy nhiên, đây là lĩnh vực mới, chưa được Bộ Y tế cấp phép rộng rãi.

Phòng khám “hô biến” thuốc chữa khớp thành tế bào gốc. Nguồn: Sở Y tế TPHCM.

Phòng khám “hô biến” thuốc chữa khớp thành tế bào gốc. Nguồn: Sở Y tế TPHCM.

Tuy vậy, trên mạng xã hội lại tràn lan hàng loạt quảng cáo làm đẹp từ tế bào gốc như một loại thần dược với đa dạng cách thức sử dụng.

Tin tưởng vào phương pháp tiêm tế bào gốc tự thân được quảng cáo trên mạng xã hội cùng cam kết sử dụng công nghệ an toàn, phục hồi nhanh ngay sau khi thực hiện thủ thuật, chị N.T.T. (25 tuổi, Hà Nội) đã tìm đến một spa ở Hà Nội để tiêm tế bào gốc tự thân làm đẹp.

Theo lời kể của người bệnh, sau khi đóng cho spa 10 triệu đồng, nhân viên lấy máu sử dụng các loại máy móc công nghệ được giới thiệu dùng tách chiết ra tế bào gốc. Sau khi tách chiết xong, nhân viên lấy tiêm trở lại vào vùng mặt của chị T.

Thực hiện xong thủ thuật, trên đường về nhà chị T. ngất, ngã ra đường, được đưa vào viện cấp cứu. Tại bệnh viện, các bác sĩ chẩn đoán nguyên nhân gây ra tai biến có thể do các thành phần có trong sản phẩm tiêm vào da gây phản ứng trên cơ thể.

BSCKII Nguyễn Quang Minh - Phó Trưởng khoa Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tế bào gốc (Bệnh viện Da liễu trung ương) thông tin, hiện nay, tiêm tế bào gốc đang được nhiều spa giới thiệu rầm rộ trên mạng. Tuy nhiên, công nghệ tiêm tế bào gốc tự thân là phương pháp mới được ứng dụng và cấp phép của Bộ Y tế trong điều trị một số bệnh ung thư, hay các ổ viêm loét... Việc sử dụng tế bào gốc trong một số lĩnh vực như làm đẹp vẫn đang trong quá trình nghiên cứu.

Phân tích về lĩnh vực ứng dụng tế bào gốc, PGS.TS.BS Trần Công Toại - Chủ tịch Hội tế bào gốc TPHCM cho biết, tế bào gốc được coi là “phát hiện của thế kỷ” với nhiều ứng dụng vào y sinh học, thẩm mỹ. Với khả năng tự làm mới và biệt hóa thành các loại tế bào khác nhau trong cơ thể, tế bào gốc đã trở thành phương pháp mới trong điều trị bệnh, y học tái tạo. Nhiều căn bệnh nguy hiểm như một số loại ung thư, bệnh về máu, xương khớp, tim, thần kinh, phổi, gan, tụy, da, giác mạc… đã ứng dụng tế bào gốc để điều trị thành công.

Tại Việt Nam, nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc đã được triển khai từ khá lâu, ngày càng có nhiều bệnh viện được cấp phép trong trị liệu. Hiện Bộ Y tế đã cho phép sử dụng tế bào gốc điều trị một số bệnh như bệnh lý về máu (suy tủy xương, các bệnh ung thư về máu); các bệnh về máu cần ghép tủy xương, thoái hóa khớp; bệnh lý về phổi (bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính COPD)... Trong tương lai, tế bào gốc sẽ tiếp tục mang đến nhiều ứng dụng bất ngờ hơn nữa bởi các chuyên gia đang nghiên cứu thêm những tác động của phương pháp này. Hiện các nước tiên tiến trên thế giới đang nghiên cứu, ứng dụng tế bào gốc trong làm chậm quá trình lão hóa và điều trị thoái hóa buồng trứng với nhiều tín hiệu khả quan.

Tuy nhiên, theo BS Toại, hiện nay liệu pháp tế bào gốc đang được quảng cáo vô cùng rầm rộ, nhất là trong lĩnh vực làm đẹp. Hội Tế bào gốc TPHCM đã từng nhiều lần được Sở Y tế mời tham gia hội đồng chuyên môn khi người dân khiếu kiện các cơ sở quảng cáo liệu pháp tế bào gốc nhưng trị liệu không mang lại hiệu quả. Sau khi xem xét kỹ thì những liệu pháp này hoàn toàn không phải là tế bào gốc, cơ sở y tế đã lừa dối khách hàng.

Mới nhất, Sở Y tế TPHCM vừa đưa ra thông tin về một cơ sở mang tên “Amio StemCell - Viện Y học tái tạo quốc tế, chữa từ gốc thoái hóa khớp gối, Bio Nano Cell - Liệu pháp tế bào vạn năng” có địa chỉ tại số 256B Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TPHCM do bác sĩ V.N.X. phụ trách chuyên môn.

Đáng nói, những từ trong quảng cáo về cơ sở này như “Amio StemCell”, “Bio Nano Cell” dùng liệu pháp tế bào vạn năng nhưng thuốc được phòng khám tại địa chỉ trên dùng tiêm vào khớp gối là Ostenil Plus - thuốc điều trị các bệnh lý liên quan đến khớp, làm khách hàng dễ nhầm lẫn là được điều trị tế bào gốc.

Sở Y tế TPHCM cho biết, Ostenil Plus được sử dụng như một liệu pháp thay thế dịch khớp để giảm đau và cải thiện chức năng của các khớp bị thoái hóa, đặc biệt là khớp gối. Thuốc được tiêm trực tiếp vào khoang khớp bị ảnh hưởng, thường được thực hiện trong một đợt điều trị gồm 1 đến 3 mũi tiêm, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng bệnh.

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương - Thứ trưởng Bộ Y tế, tế bào gốc là lĩnh vực nghiên cứu đang phát triển mạnh mẽ, song cũng đang đối mặt với các thách thức về an toàn, chất lượng, vi phạm đạo đức trong nghiên cứu, giả mạo kết quả nghiên cứu, quảng cáo quá sự thật... Các nước phát triển hiện nay mới chủ yếu cho phép nghiên cứu, thử nghiệm lâm sàng các phương pháp này, đặc biệt là tế bào gốc, còn việc ứng dụng vào điều trị được kiểm soát chặt chẽ bằng các quy định và luật pháp hết sức nghiêm ngặt.

TS Nguyễn Ngô Quang - Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và đào tạo (Bộ Y tế) cho biết, tại Việt Nam, điều trị tế bào, đặc biệt là tế bào gốc còn mang tính tự phát, nhiều nơi ứng dụng không đúng quy định. Đặc biệt, nhiều quảng cáo không được kiểm chứng khoa học, có thể gây hậu quả cho người hoặc hiệu quả không rõ ràng gây tốn kém. Người dân muốn ứng dụng liệu pháp tế bào gốc cần đến cơ sở uy tín, được Bộ Y tế cấp phép trị liệu bằng tế bào gốc, tránh tin vào quảng cáo quá sự thật của các phòng khám.

Đức Trân

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/thuc-hu-lam-dep-bang-te-bao-goc-10280685.html