Thực hiện chính sách đặc thù phát triển nông nghiệp tại huyện Lộc Bình: Còn nhiều khó khănTin khácThông báo nội dung kỳ họp thứ sáu (kỳ họp chuyên đề) HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021- 2026Nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ trong xã hội
Người dân thôn Nà Mu, xã Hữu Khánh kiểm tra rừng keo của gia đình
– Qua gần 2 năm triển khai Nghị quyết 08/2019/NQ-HĐND ngày 10/12/2019 của HĐND tỉnh về chính sách đặc thù khuyến khích đầu tư, phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 – 2025 và mới đây là Nghị quyết 15 của HĐND tỉnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 08, huyện Lộc Bình là một trong những huyện, thành phố có kết quả thực hiện yếu nhất trên địa bàn tỉnh.
Để triển khai thực hiện Nghị quyết 08, Nghị quyết 15, công tác tuyên truyền, phổ biến đã được UBND huyện Lộc Bình triển khai từ huyện đến cơ sở. Ông Nguyễn Hữu Thuân, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 08 huyện Lộc Bình cho biết: Sau khi có hướng dẫn của tỉnh, huyện đã tổ chức 1 lớp tập huấn cho lãnh đạo các phòng, ban chuyên môn, UBND các xã, thị trấn; sau đó, các xã tuyên truyền, lồng ghép tại các cuộc họp xã, thôn, trên hệ thống loa truyền thanh… (từ đầu năm 2021 đến nay, tuyên truyền hơn 400 cuộc với khoảng 12.000 lượt người nghe).
Công tác tuyên truyền, quán triệt các nghị quyết đã được triển khai, tuy nhiên, sau gần 2 năm thực hiện, số tổ chức, gia đình, cá nhân tiếp cận được chính sách hỗ trợ trên địa bàn huyện đạt rất thấp.
Cụ thể, từ khi triển khai Nghị quyết 08 đến ngày 10/11/2021, trên địa bàn huyện mới có 30 trường hợp làm hồ sơ đề nghị hưởng chính sách vay vốn hỗ trợ lãi suất tín dụng, qua thẩm định có 14 dự án đủ điều kiện và mới chỉ giải ngân được 2 dự án với số tiền 300 triệu đồng (Lộc Bình là huyện có tỷ lệ giải ngân thấp nhất trên địa bàn tỉnh). Ngoài ra, việc triển khai các chính sách hỗ trợ khác theo tinh thần Nghị quyết 08 trên địa bàn huyện cũng đạt kết quả rất thấp.
Lý giải về kết quả này, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng: Mặc dù công tác tuyên truyền đã được triển khai, song, ở một số xã, công tác tuyên truyền về nghị quyết đến người dân còn chưa sâu sát, kịp thời, chưa có hướng dẫn cụ thể; nhiều hộ dân sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, tình hình dịch bệnh phức tạp, giá cả bấp bênh nên người dân chưa có nhu cầu vay vốn; một số trường hợp có nhu cầu tiếp cận chính sách nhưng lại vướng các thủ tục về tài sản thế chấp, phương án sản xuất kinh doanh không phù hợp… Trường hợp gia đình ông Lâm Văn Vận, thôn Nà Noong, xã Minh Hiệp là một ví dụ.
Cuối tháng 10/2021, ngân hàng đã thẩm định và đồng ý cho gia đình ông Vận vay theo Nghị quyết 08 để phát triển đàn dê với kinh phí 360 triệu đồng. Tuy nhiên, khi qua các khâu thẩm định, gia đình ông Vận lại xin ngừng vay. Ông Vận cho biết: Ban đầu gia đình xây dựng phương án vay vốn để tăng quy mô đàn dê, tuy nhiên, gần đây, đàn dê chết nhiều, nguồn dê giống lại khan hiếm nên gia đình chưa thể mở rộng đàn. Không xác định rõ được phương án sản xuất cho phù hợp với điều kiện khí hậu, kỹ thuật nên mặc dù đã được đồng ý cho vay song hiện nay, gia đình phải xin ngừng vay khoản tiền trên.
Bên cạnh đó có những trường hợp lại không đáp ứng được các điều kiện cần thiết, như gia đình ông Hoàng Hữu Dùng, thôn Quang Khao, xã Ái Quốc. Gia đình ông Dùng có nhu cầu vay vốn để trồng keo, qua thẩm định của cơ quan chức năng, phương án sản xuất của gia đình ông Dùng đủ điều kiện để vay vốn hỗ trợ lãi suất theo Nghị quyết 08, Nghị quyết 15. Tuy nhiên, tài sản đảm bảo cho khoản vay không đủ điều kiện thế chấp do giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp chồng lấn nhau (giữa đất rừng sản xuất, đất ở, đất trồng cây hàng năm khác).
Trên đây chỉ là hai trường hợp cụ thể, ngoài ra, trên địa bàn huyện Lộc Bình vẫn còn nhiều hộ có nhu cầu nhưng chưa tiếp cận được các chính sách ưu đãi trong phát triển nông nghiệp, dẫn đến việc triển khai Nghị quyết 08, Nghị quyết 15 đạt kết quả thấp.
Thực tế, từ khi Nghị quyết 08 và Nghị quyết 15 được ban hành, trên địa bàn tỉnh đã có hàng trăm trường hợp được tiếp cận với các chính sách ưu đãi, qua đó giúp các tổ chức, cá nhân, gia đình có điều kiện nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Chính vì vậy, huyện Lộc Bình cần có giải pháp để khắc phục khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để nhiều tổ chức, cá nhân, gia đình có nhu cầu tiếp cận được các chính sách hỗ trợ trong Nghị quyết 08, Nghị quyết 15. Qua đó, tạo thêm động lực để đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn.