Thúc đẩy sản xuất lúa gạo bền vững

Lúa gạo là cây trồng chủ lực trong sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân cũng như đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn. Chính vì vậy, việc xây dựng, phát triển các mô hình sản xuất mới bền vững, hiệu quả kinh tế cao thay thế dần phương thức sản xuất truyền thống cho cây lúa đang được tỉnh quyết liệt chỉ đạo triển khai. Và sản xuất lúa theo hướng hữu cơ là một mô hình như vậy.

Sản xuất theo hướng hữu cơ góp phần thúc đẩy sản xuất lúa gạo bền vững, gia tăng giá trị kinh tế cho nông dân. Ảnh: Thiệu Vũ

Sản xuất theo hướng hữu cơ góp phần thúc đẩy sản xuất lúa gạo bền vững, gia tăng giá trị kinh tế cho nông dân. Ảnh: Thiệu Vũ

Vụ Mùa năm 2022, toàn tỉnh đã triển khai 14 mô hình sản xuất với gần 300 ha lúa chất lượng cao theo hướng hữu cơ tại nhiều vùng khí hậu, thổ nhưỡng trong tỉnh.

Trong đó, huyện Tam Dương 2 mô hình; huyện Lập Thạch 3 mô hình; huyện Sông Lô 1 mô hình; huyện Bình Xuyên 2 mô hình; huyện Vĩnh Tường 2 mô hình và huyện Yên Lạc 3 mô hình.

Tham gia mô hình, các hộ gia đình được ngân sách nhà nước hỗ trợ 50% kinh phí mua giống, vật tư, phân bón, chế phẩm phòng trừ sâu bệnh, phần kinh phí đối ứng còn lại do người sản xuất tự chi trả.

Để các mô hình triển khai đảm bảo tiến độ, hiệu quả, Trung tâm Giống nông nghiệp (Sở NN&PTNT) - đơn vị được giao thực hiện các mô hình đã thành lập ban chỉ đạo quản lý, giám sát hỗ trợ các địa phương triển khai; lập hồ sơ, tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà thầu theo quy định.

Chủ động phối hợp với Phòng NN&PTNT các huyện, UBND các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền về lợi ích, ý nghĩa của sản xuất lúa theo hướng hữu cơ nói riêng và trồng trọt hữu cơ nói chung; lựa chọn các hộ gia đình, vùng sản xuất phù hợp, đáp ứng các điều kiện để tham gia.

Đơn vị tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, bón phân, phòng trừ sâu bệnh; quy trình sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng hữu cơ cho các hộ dân tham gia mô hình. Cấp phát kịp thời, đầy đủ giống, vật tư, phân bón để các hộ sản xuất theo đúng khung lịch thời vụ.

Đến nay, trung tâm đã thực hiện cấp phát 14 nghìn kg các giống lúa chất lượng cao; 280 tấn phân bón hữu cơ sinh học; 560 tấn phân hữu cơ vi sinh và gần 1.700 lít chế phẩm thảo mộc, sinh học phòng trừ sâu bệnh.

Đồng thời, thường xuyên cử cán bộ trực tiếp phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan theo dõi sát sao quá trình phát triển, sinh trưởng của cây lúa, quy trình sản xuất của các hộ dân, cũng như các điều kiện, yếu tố ngoại cảnh tác động lên cây lúa để kịp thời điều chỉnh quy trình chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho phù hợp.

Qua đánh giá, tại tất cả các mô hình triển khai ở các địa phương, các vùng khí hậu thổ nhưỡng trên địa bàn tỉnh, cây lúa chất lượng cao theo hướng hữu cơ đều sinh trưởng, phát triển tốt, một số mô hình đã tiến hành thu hoạch với năng suất trung bình đạt hơn 2,6 tạ/sào.

Phó trưởng Phòng Kỹ thuật giống cây trồng, Trung tâm Giống Nông nghiệp Vĩnh Phúc Lê Thị Mai Anh chia sẻ: Mặc dù năng suất các mô hình trồng lúa chất lượng cao theo hướng hữu cơ chỉ tương đương với các mô hình sản xuất theo phương thức truyền thống nhưng hạt gạo thơm, đậm, chất lượng hơn hẳn.

Mặt khác, việc sản xuất lúa theo hướng hữu cơ không chỉ bảo vệ sức khỏe người sản xuất, người tiêu dùng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm mà còn góp phần bảo vệ môi trường, làm giàu đất, về lâu dài sẽ bồi dưỡng đất, chắc chắn sẽ cho năng suất, chất lượng cao hơn nữa.

Việc sản xuất lúa theo hướng hữu cơ không khó, người nông dân chỉ cần tuân thủ đúng quy trình được hướng dẫn; sử dụng lúa chất lượng cao, phân bón hữu cơ vi sinh và các chế phẩm sinh học, thảo mộc trong quá trình phòng trừ sâu bệnh là cây lúa sinh trưởng tốt, cho năng suất cao. Do vậy, sản xuất theo hướng hữu cơ chính là giải pháp hiệu quả để thúc đẩy sản xuất lúa gạo bền vững trong tương lai.

Thời gian tới, trên cơ sở những kết quả đạt được, trung tâm tiếp tục kiến nghị cấp trên cho triển khai nhân rộng mô hình ra nhiều địa phương khác trên toàn tỉnh, qua đó, từng bước thay đổi thói quen sản xuất lúa bằng phân vô cơ và thuốc bảo vệ thực vật hóa học cho người dân.

Là một trong những hộ gia đình tham gia sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, ông Trương Minh Trân, thôn Đại Lữ, xã Đồng Ích (Lập Thạch) chia sẻ: Mô hình có triển vọng rất tốt về năng suất, chất lượng sản phẩm.

Tuy nhiên, để thay đổi hẳn thói quen sản xuất lúa truyền thống sang sản xuất lúa theo hướng hữu cơ cho các hộ dân thì cần phải có quá trình hỗ trợ lâu dài, ít nhất là 3 năm để cải tạo đất và hình thành thói quen mới; đồng thời, quy hoạch các vùng sản xuất tập trung; xây dựng thương hiệu, quảng bá, bao tiêu sản phẩm để nâng cao giá trị kinh tế, thu nhập cho người dân…

Nguyễn Khánh

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/kinh-te/83231/thuc-day-san-xuat-lua-gao-ben-vung.html