Thúc đẩy phục hồi bền vững các nền kinh tế Pháp ngữ sau đại dịch
Thông qua Đoàn thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư Pháp ngữ, Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ muốn hỗ trợ các Quốc gia và chính phủ thành viên trong việc thúc đẩy hợp tác, phục hồi các nền kinh tế Pháp ngữ sau đại dịch, trong đó có Việt Nam.
Nhận lời mời của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Tổng Thư ký Pháp ngữ, bà Louise Mushikiwabo thăm chính thức Việt Nam từ ngày 21 – 26/3/2022. Cùng đi với Tổng Thư ký Pháp ngữ có đoàn xúc tiến thương mại Pháp ngữ. Đây là lần đầu tiên Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF) tổ chức Đoàn thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư Pháp ngữ mang tính đa phương tại Việt Nam.
Việt Nam đón đoàn Tổng Thư ký Pháp ngữ trong bối cảnh, triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế. Thời gian qua, Việt Nam luôn nỗ lực thúc đẩy mối quan hệ hợp tác Việt Nam - Pháp ngữ, là thành viên tích cực có trách nghiệm của Cộng đồng, đóng vai trò nòng cốt của phong trào Pháp ngữ tại khu vực châu Á, Thái Bình Dương, qua đó tăng cường quan hệ song phương với các đối tác (Pháp, Canada, bỉ, các nước châu Phi,...), kết nối với các doanh nghiệp Pháp ngữ để mở rộng thị trường xuất khẩu,...
Trong ngày 22/3, Đoàn gặp gỡ giao thương giữa các doanh nghiệp tại TP.HCM nhằm trong các lĩnh vực: Công nghiệp chế biến thực phẩm, năng lượng tái tạo, sản phẩm và dịch vụ số,…
Mục đích của cuộc gặp gỡ nhằm giúp các doanh nghiệp quốc tế trao đổi, đàm phán trực tiếp với các doanh nghiệp Việt Nam trong cùng lĩnh vực để có thể đi đến các hoạt động trao đổi thương mại, các dự án hợp tác thương mại, công nghiệp hoặc tài chính và việc ký kết thỏa thuận hợp tác song phương, đa phương.
Dự kiến, ngày mai (23/3), tại Hà Nội, Tổ chức quốc tế Pháp ngữ (OIF) phối hợp với các Bộ ngành Việt Nam sẽ tổ chức Diễn đàn kinh tế cấp cao Việt Nam- Pháp ngữ. Tham dự Diễn đàn có Lãnh đạo Chính phủ và Bộ trưởng Bộ ngoại giao Việt Nam cùng nhiều lãnh đạo cấp cao khác.
Diễn đàn kinh tế cấp cao cùng các cuộc gặp gỡ trao đổi trực tiếp giữa các doanh nghiệp theo hình thức B2B, các chuyến tham quan doanh nghiệp là điểm nhấn của chương trình.
102 doanh nhân và chủ thể kinh tế quốc tế (76 từ Châu Phi, 18 từ Châu Âu, 5 từ Ấn Độ Dương, 2 từ Bắc Mỹ và 1 từ Caribe) đến từ 24 quốc gia, chính phủ thành viên của OIF và hơn 420 doanh nghiệp Viêt Nam gặp gỡ, thảo luận về các dự án kinh doanh, đầu tư, tập trung trong 3 lĩnh vực: Nông nghiệp‐chế biến thực phẩm, năng lượng bền vững, hàng hóa và dịch vụ kỹ thuật số.
Thông qua Đoàn thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư Pháp ngữ này, OIF muốn hỗ trợ các Quốc gia và chính phủ thành viên, nhất là nước chủ nhà trong việc thúc đẩy hợp tác phục hồi chắc và bền vững các nền kinh tế Pháp ngữ, vốn đã chịu tác động nặng nề từ đại dịch COVID‐19.
Tổ chức quốc tế Pháp ngữ (OIF) được thành lập trên cơ sở cùng chia sẻ tiếng Pháp và các giá trị chung. Tổ chức tập hợp 88 Nhà nước và chính phủ.
Là thành viên của Pháp ngữ từ năm 1979, Việt Nam luôn nỗ lực thúc đẩy quan hệ hợp tác Việt Nam-Pháp ngữ, là thành viên tích cực và có trách nhiệm của Cộng đồng, đóng vai trò nòng cốt của phong trào Pháp ngữ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.