Thủ tướng: Tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế từng bước được xử lý hiệu quả
Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội sáng 8/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có báo cáo giải trình về một số vấn đề được nhiều vị đại biểu Quốc hội và đồng bào, cử tri cả nước quan tâm.
Một số đoạn, tuyến cao tốc chưa xây dựng đủ 4 làn xe
Về các dự án hạ tầng quan trọng ngành giao thông, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo triển khai các dự án giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia (36 dự án với 83 dự án thành phần).
Lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương thường xuyên kiểm tra, trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ khó khăn, động viên, khích lệ các đơn vị thi công và người lao động "vượt nắng, thắng mưa", "xua tan dịch bệnh", làm việc "3 ca, 4 kíp", xuyên lễ, xuyên Tết, nỗ lực hết mình để hoàn thành, sớm đưa công trình vào sử dụng và đạt được những kết quả quan trọng, đáp ứng sự mong mỏi của người dân, doanh nghiệp; đồng thời qua đó tập trung chỉ đạo sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm để bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách.
Tháo gỡ những vấn đề bất cập, vướng mắc kéo dài để khởi công, triển khai các dự án giao thông trọng điểm, như Cảng hàng không quốc tế Long Thành, sân bay Điện Biên, Vành đai 3 thành phố Hồ Chí Minh, Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và nhiều dự án đường bộ cao tốc khác.
Tuy nhiên, theo Thủ tướng, một số dự án còn chậm tiến độ, đội vốn, chia nhỏ gói thầu, chất lượng chưa đồng đều; việc triển khai gặp nhiều khó khăn, vướng mắc pháp lý, tổ chức thực hiện trong giải phóng mặt bằng, tái định cư, cung ứng nguyên vật liệu; một số đoạn, tuyến cao tốc chưa xây dựng đủ 4 làn xe, chưa có trạm dừng nghỉ, làn dừng khẩn cấp; hoàn trả đường dân sinh, hậu cần còn bất cập...
Thủ tướng cho rằng, thực trạng này có nhiều nguyên nhân, trong đó đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến quá trình triển khai một số dự án; việc thực hiện thủ tục đầu tư còn chậm; chưa có quy chuẩn cho đường cao tốc; việc triển khai, quản lý, thi công, tư vấn, giám sát tại một số dự án còn hạn chế, bất cập, gây khó khăn, phiền hà cho người dân…
Thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp trọng tâm. Đó là rà soát, sửa đổi, hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan, nhất là về trình tự thủ tục đầu tư, thủ tục vốn ODA, bảo đảm nhanh, kịp thời, hiệu quả;
Đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tái định cư; xử lý các khó khăn về đường gom, đường tránh, nút giao cho người dân; Tháo gỡ ngay khó khăn, vướng mắc về nguồn nguyên vật liệu, đặc biệt là ở vùng đồng bằng sông Cửu Long; đồng thời, kiểm soát chặt chẽ biến động giá nguyên, vật liệu;
Sớm ban hành quy chuẩn đường cao tốc trong quý I/2024; rà soát, tính toán hợp lý, huy động nguồn lực đầu tư mở rộng 05 tuyến cao tốc phân kỳ đầu tư 2 làn xe và 07 tuyến chưa có làn dừng khẩn cấp; Nâng cao năng lực, chất lượng của chủ đầu tư, nhà thầu, tư vấn gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát...
"Phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ hoàn thành mục tiêu ít nhất có 3.000 km đường bộ cao tốc" - Thủ tướng nhấn mạnh
Tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế từng bước được xử lý hiệu quả
Về giải quyết tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế, các bệnh viện chậm tiến độ, Thủ tướng cho biết, năm 2022, tại một số cơ sở y tế công lập đã xuất hiện tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế; vào bệnh viện phải mua thuốc ngoài, thanh toán bảo hiểm y tế khó khăn, ảnh hưởng đến công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe Nhân dân; tình trạng quá tải bệnh viện chưa được khắc phục hiệu quả.
"Nguyên nhân chủ yếu là do đại dịch COVID-19 dẫn đến đứt gãy chuỗi cung ứng; các bất cập trong quy định về đăng ký, đấu thầu, mua sắm; còn có tâm lý e ngại, sợ sai tại một số cơ quan, cơ sở y tế; đầu tư phát triển cơ sở khám chữa bệnh còn hạn hẹp..." - Thủ tướng cho hay.
Thủ tướng cho biết, với tinh thần bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân là trên hết, trước hết, Chính phủ đã trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung các luật về đấu thầu, giá, khám bệnh, chữa bệnh và các nghị quyết cho phép gia hạn giấy đăng ký lưu hành đối với thuốc hết hiệu lực lưu hành; ban hành Nghị quyết về bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế; chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động đấu thầu, mua sắm thuốc và thanh toán bảo hiểm y tế.
"Đến nay, tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế từng bước được xử lý hiệu quả, trong đó bảo đảm đủ các loại thuốc thiết yếu, phổ biến. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Tổ công tác và yêu cầu khẩn trương xây dựng, triển khai phương án giải quyết những vấn đề tồn đọng của 2 dự án Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2" - Thủ tướng cho biết.
Cũng theo Thủ tướng, thời gian tới, Chính phủ tập trung chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm như:Trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung các Luật Dược, Luật Bảo hiểm y tế và xây dựng, trình Quốc hội sớm ban hành Luật Trang thiết bị y tế để giải quyết các vấn đề thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế và bảo hiểm y tế một cách căn cơ, có hệ thống, bảo đảm hiệu quả;
Yêu cầu các bộ, ngành, địa phương theo thẩm quyền tiếp tục khẩn trương rà soát, sửa đổi các quy định pháp luật để tháo gỡ vướng mắc, bất cập trong mua sắm, đấu thầu, đàm phán giá thuốc, bảo đảm công khai, minh bạch;
Thúc đẩy phát triển mạnh ngành công nghiệp dược, trang thiết bị y tế; Tập trung xây dựng cơ sở y tế mới góp phần giảm quá tải bệnh viện, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh;Chú trọng đào tạo, phát triển nhân lực ngành y tế, có chính sách đãi ngộ, trọng dụng, tôn vinh và phát huy vai trò của đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế.
Sớm hoàn thiện thị trường mua bán điện cạnh tranh
Về vấn đề bảo đảm an ninh năng lượng, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo từ sớm, từ xa về việc cung ứng đủ điện, xăng dầu cho sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của Nhân dân. Về cơ bản, an ninh năng lượng được đảm bảo; tuy nhiên trong năm nay đã xảy ra tình trạng thiếu điện cục bộ tại miền Bắc vào cuối tháng 5, đầu tháng 6, đúng như các vị đại biểu Quốc hội đã nêu.
Thủ tướng cho biết, mặc dù tổng công suất nguồn đạt trên 70 nghìn MW; nhu cầu thực tế chỉ cần khoảng 52 nghìn MW; nhưng do nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan đã dẫn đến tình trạng thiếu điện cục bộ khu vực miền Bắc, nhưng nguyên nhân chủ quan là chính, do nắm tình hình, xây dựng kế hoạch truyền tải, điều độ và khâu phân phối; trong đó việc đầu tư phát triển mạng lưới truyền tải, phân phối điện chưa được quan tâm đúng mức trong một thời gian dài; công tác điều độ điện lực có những hạn chế, bất cập; phân bổ nguồn điện nền giữa các vùng miền chưa hợp lý…
Theo Thủ tướng, Chính phủ đã chỉ đạo kiên quyết đảm bảo giữ vững an ninh năng lượng quốc gia. Trong đó, khẩn trương ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII; rà soát, hoàn thiện thể chế cho phát triển công nghiệp điện tái tạo theo tinh thần Nghị quyết số 55 của Bộ Chính trị;
Nâng cao hiệu quả các khâu truyền tải, điều độ và phân phối, trong đó đẩy nhanh tiến độ xây dựng đường dây 500 kV từ miền Trung ra miền Bắc; Sớm hoàn thiện thị trường mua bán điện cạnh tranh, cơ chế mua bán điện trực tiếp, cơ chế khuyến khích phát triển nguồn điện áp mái tự sản, tự tiêu;
Triệt để tiết kiệm điện trong sản xuất kinh doanh và tiêu dùng; Bảo đảm đủ xăng dầu cho sản xuất kinh doanh và tiêu dùng; Tăng cường hợp tác quốc tế; đẩy mạnh chuyển đổi năng lượng xanh, sạch, công bằng gắn với cam kết quốc tế về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.