Thủ tướng phát lệnh khởi công xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành

Phát biểu tại lễ khởi công, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Cảng hàng không quốc tế Long Thành là một trong 16 dự án sân bay được mong chờ nhất thế giới.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại Lễ khởi công dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. (Ảnh: Quan Toàn)

Sáng 5/1, tại xã Bình Sơn (Long Thành, Đồng Nai), Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai đã tổ chức lễ khởi công xây dựng dự án xây dựng cảng Hàng không quốc tế Long Thành đoạn 1 – Dự án thành phần 3 do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam – CTCP (ACV) làm chủ đầu tư.

Đây là dự án đặc biệt cấp quốc gia, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, bảo đảm quốc phòng an ninh, và đây cũng là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, thiết thực chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Phát biểu chỉ đạo tại buổi Lễ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, hạ tầng cơ sở đóng vai trò như mạch máu phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh quốc gia. Việt Nam được quốc tế vinh danh là nền kinh tế năng động, tăng trưởng nhanh tại khu vực, với GDP tăng trưởng bình quân 6,5% mỗi năm trong 10 năm qua. Năm 2020, chúng ta là nền kinh tế mới nổi thành công trong kiểm soát dịch bệnh và tăng trưởng kinh tế. Nhà đầu tư nước ngoài coi Việt Nam như điểm đến đầu tư vững chắc, tới nay đã có 384 tỷ USD đầu tư, với 33.000 dự án, đã thực hiện 230 tỷ USD....

Kết quả trên cho thấy triển vọng kinh tế tươi sáng, niềm tin thị trường, quốc tế đang gia tăng mạnh mẽ. Đi liền với phát triển kinh tế, thị trường hàng không tiếp tục phát triển mạnh mẽ, năm 2019, khách qua cảng trên 116 triệu lượt hành khách, tăng 12% so với năm 2018.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, nhu cầu khách và hàng hóa qua đường hàng không lớn, hạ tầng hàng không đang là điểm nghẽn, các cảng hàng không lớn thường xuyên lâm vào cảnh quá tải, ảnh hưởng tiêu cực, tình trạng này còn ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh doanh so với quốc gia khác.

Cảng hàng không lớn của Việt Nam hiện nay như Nội Bài, Tân Sơn Nhất cơ bản khai thác luôn vượt công suất, thiếu chỗ đậu tàu bay, làm mất cơ hội kêu gọi hãng hàng không nước ngoài vào Việt Nam, mất cơ hội Việt Nam trở thành trung tâm hàng không khu vực. Nếu kéo dài sẽ mất đi lợi thế của Việt Nam và kéo theo các ngành khác...

"Cảng hàng không quốc tế Long Thành là top 16 cảng hàng không sân bay mong chờ nhất thế giới, đây là dự án quan trọng đặc biệt cấp quốc gia, thể hiện khát vọng vươn lên mạnh mẽ của Việt Nam. Cảng hàng không quốc tế Long Thành có vị trí địa lý và khí hậu thuận lợi, hệ thống tân tiến, giao thông kết nối đồng bộ, khi đi vào khai thác sẽ là điều kiện thuận lợi cho phát triển mạnh đường bay trong và ngoài nước, thúc đẩy kết nối khu vực và toàn cầu, khắc phục tình trạng quá tải của sân bay Tân Sơn Nhất. Đáp ứng nhu cầu di chuyển hàng không toàn cầu và khu vực. Đặc biệt, Cảng hàng không quốc tế Long Thành sẽ giúp ngành hàng không Việt Nam cạnh tranh với hàng không khu vực và Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn…", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu thực hiện nghi thức bấm nút khởi công dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, (Ảnh: Quang Toàn)

Với ý nghĩa tầm quan trọng như vậy, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Ủy ban Quản lý vốn nhà nước chỉ đạo ACV tiếp tục triển khai dự án đảm bảo chất lượng, tiến độ, tiết kiệm, hiệu quả, không vượt tổng mức đầu tư, không thất thoát, lãng phí, bảo toàn vốn nhà nước đầu tư nhà nước tại doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp, đơn vị phải khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư để kịp tiến độ đồng bộ, đưa giai đoạn 1 vào khai thác năm 2025, đảm bảo chất lượng, hiệu quả.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu, các đơn vị liên quan theo chức năng nhiệm vụ được giao cùng với chủ đầu tư tăng cường kiểm tra, giám sát để đảm bảo chất lượng công trình, không gây thất thoát, lãng phí. Sân bay này phải là dự án chất lượng hàng đầu, tiến độ đúng yêu cầu, chủ đầu tư gương mẫu, không thất thoát, lãng phí, đảm bảo an ninh an toàn. Thủ tướng cũng đề nghị nhân dân ủng hộ, tạo điều kiện để dự án hoàn thành đúng tiến độ. Tỉnh Đồng Nai tạo điều kiện cho người dân tái định cư và sinh kế tốt.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng cho biết, diện tích đất cần thu hồi cho dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành lớn, số lượng các hộ dân bị ảnh hưởng nhiều nên áp lực cho công tác giải phóng mặt bằng là rất lớn. Đây là dự án có diện tích đất cần thu hồi lớn nhất mà Đồng Nai thực hiện từ trước đến nay.

Cũng theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai, với một khối lượng công việc khổng lồ, lại phải thực hiện trong một quỹ thời gian khá gấp rút, do đó ngay từ đầu, tỉnh Đồng Nai đã xác định giải phóng mặt bằng cho dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành là nhiệm vụ trọng tâm và ưu tiên toàn lực để thực hiện. Trong suốt quá trình triển khai thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, hơn 100 cán bộ của các sở, ban, ngành đã được điều động hỗ trợ huyện Long Thành thực hiện các công việc. Đồng thời, Đồng Nai đã xây dựng lộ trình thực hiện cụ thể trong đó dành ưu tiên đặc biệt, thực hiện nhanh khu vực 1,8 ngàn ha phục vụ xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 1. Cùng với việc thu hồi đất, Đồng Nai đặc biệt quan tâm đến công tác ổn định cuộc sống của người dân vùng dự án, những người đã chịu thiệt thòi vì lợi ích của quốc gia.

Theo quy hoạch đã được phê duyệt, dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành nằm trên địa bàn 6 xã của huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Dự án có diện tích 5.000 ha, trong đó diện tích đất xây dựng kết cấu hạ tầng Cảng hàng không là 2.750 ha, diện tích đất cho quốc phòng và xây dựng kết cấu hạ tầng hàng không dùng chung quân sự và dân dụng là 1.050 ha, diện tích đất cho hạng mục phụ trợ, công nghiệp hàng không và công trình thương mại khác là 1.200ha.

Tổng mức đầu tư cho toàn bộ dự án là 336.630 tỷ đồng, tương đương 16 tỷ 030 triệu USD, được chia làm 3 giai đoạn; trong đó, giai đoạn 1 sẽ đầu tư 1 đường cất hạ cánh và 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm.

Khi hoàn thành, Cảng Hàng không quốc tế Long Thành có 4 đường cất hạ cánh, 4 nhà ga hành khách cùng với các hạng mục phụ trợ đồng bộ, công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm.

Theo phê duyệt dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1. Theo đó, Dự án được phân chia thành 4 dự án thành phần, bao gồm: dự án thành phần 1 - các công trình trụ sở cơ quan quản lý nhà nước; dự án thành phần 2 - các công trình phục vụ quản lý bay; dự án thành phần 3 - các công trình thiết yếu trong cảng hàng không; dự án thành phần 4 - các công trình khác; trong đó, dự án thành phần 3 - các công trình thiết yếu trong cảng hàng không do nhà đầu tư khai thác cảng thực hiện được giao cho ACV làm chủ đầu tư bằng nguồn vốn của ACV.

Về giao thông kết nối, Cảng hàng không quốc tế Long Thành được kết nối với các tuyến giao thông như sau: tuyến số 1 kết nối Cảng với Quốc lộ 51, quy mô 6 làn xe; tuyến số 2 kết nối Cảng với đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành – Dầu Giây, quy mô 4 làn xe và các nút giao. Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 109.111,742 tỷ đồng, hoàn thành và đưa vào khai thác trong năm 2025.

Mô hình Cảng hàng không quốc tế Long Thành. (Ảnh: ACV)

Theo đó, tiến độ thực hiện Dự án được triển khai như sau, ngày 5/1/2021: khởi công dự án thành phần 3 và triển khai các hạng mục rà phá bom mìn, xây dựng tường rào, san lấp mặt bằng; từ tháng 1-9/2021: triển khai thiết kế kỹ thuật; tháng 7/2022: xây dựng nhà ga hành khách; tháng 8/2022: xây dựng các hạng mục hạ tầng kỹ thuật; tháng 12/2025: hoàn thành các hạng mục công trình và đưa Cảng Hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 vào khai thác.

Theo ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị ACV, có 2 yếu tố thuận lợi hết sức cơ bản đối với ACV trong việc thực hiện Dự án; thứ nhất là việc giải phóng mặt bằng do Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai thực hiện, phần đất cần thiết cho Giai đoạn 1 đã được địa phương bàn giao cho Bộ Giao thông Vận tải. Thứ hai là nguồn vốn được đảm bảo đầy đủ, sẵn sàng.

Trong thời gian thực hiện dự án, ACV sẽ tăng cường tối đa năng lực để thực hiện tốt chức năng chủ đầu tư, quản lý dự án, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các nhà thầu tư vấn, thi công, giám sát, cung cấp hàng hóa, dịch vụ để giữ vững tiến độ và đảm bảo chất lượng; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của Nhà nước để thực hiện các quy trình, thủ tục liên quan đến dự án trong thời gian ngắn nhất./.

K.V

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/thoi-su/thu-tuong-phat-lenh-khoi-cong-xay-dung-cang-hang-khong-quoc-te-long-thanh-572287.html