Thủ tướng Phạm Minh Chính: 'Phát triển kinh tế tư nhân là không có giới hạn'

Thủ tướng nêu rõ đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế tư nhân là không có giới hạn, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh

Chiều 8-5, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc làm việc với Hội đồng Tư vấn chính sách nhằm tiếp tục hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển kinh tế tư nhân để triển khai thực hiện Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị.

Thủ tướng phát biểu tại cuộc làm việc về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển kinh tế tư nhân. Ảnh: Nhật Bắc

Thủ tướng phát biểu tại cuộc làm việc về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển kinh tế tư nhân. Ảnh: Nhật Bắc

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội, các nhiệm vụ, giải pháp quy định tại Nghị quyết 68 cần được thể chế hóa gồm 3 nhóm. Trong đó, có nhóm cơ chế cần được thể chế hóa, hoặc cần sửa đổi, bổ sung ngay và thuộc phạm vi điều chỉnh của các luật đang được sửa đổi, bổ sung, dự kiến trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 9 đang diễn ra.

Các thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách đã tập trung thảo luận về các nhóm chính sách cụ thể trong dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển kinh tế tư nhân.

Các nội dung về nguyên tắc hoạt động thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp, hộ kinh doanh; nguyên tắc xử lý các hành vi sai phạm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, hộ kinh doanh; hỗ trợ tiếp cận đất đai, nguồn vốn...được các đại biểu đánh giá cao.

Bên cạnh đó là các chính sách về hỗ trợ tài chính, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cơ chế đặt hàng doanh nghiệp thực hiện dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia; ưu đãi thuế, lệ phí thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo...

Phát biểu tại cuộc làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khái quát bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế để nhấn mạnh mục tiêu năm nay tăng trưởng 8% trở lên là không thay đổi.

Thủ tướng đã nhắc lại các Nghị quyết vừa được Bộ Chính trị ban hành và nêu rõ đây là "bộ tứ chiến lược", gồm: Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, Nghị quyết số 59-NQ/TW về hội nhập quốc tế, Nghị quyết số 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật, Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân.

Các đại biểu dự họp. Ảnh: Nhật Bắc

Các đại biểu dự họp. Ảnh: Nhật Bắc

Việc xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội để phát triển kinh tế tư nhân cần tập trung vào những vấn đề cấp thiết nhất cần giải quyết ngay, được người dân và doanh nghiệp quan tâm nhất, vừa mang tính cấp bách vừa mang tính lâu dài, nhưng chưa có trong các dự án luật.

Theo Thủ tướng, các cơ chế, chính sách phải mang tính "đòn bẩy, điểm tựa", sát tình hình, phù hợp với điều kiện hiện nay, tạo tâm lý hứng khởi, phát huy tinh thần tự tin, tự lực, tự cường, tự hào trong vươn lên phát triển.

"Đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế tư nhân là không có giới hạn, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh của đất nước ta trong kỷ nguyên mới"- Thủ tướng nêu rõ.

Để phát triển kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia, theo lãnh đạo Chính phủ, Nhà nước phải kiến tạo, con người là nền tảng, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể và thể chế, cơ chế, chính sách là động lực.

Nhận định còn nhiều điểm nghẽn đối với kinh tế tư nhân, Thủ tướng yêu cầu phải tháo gỡ để tạo xu thế, phong trào phát triển doanh nghiệp tư nhân, mọi người, mọi nhà thi đua khởi nghiệp, thi đua làm giàu chính đáng. Tạo cơ chế để các tập đoàn kinh tế lớn tham gia các chuỗi cung ứng toàn đầu, trở thành các tập đoàn đa quốc gia.

Thủ tướng cũng yêu cầu các cơ quan khi xây dựng cơ chế, chính sách cần rà soát để bảo đảm quyền sở hữu tài sản, quyền tự do kinh doanh, cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, tiếp cận bình đẳng về nguồn lực, vốn, đất đai, tài sản công.

Dự thảo Nghị quyết cũng cần làm rõ hơn, nhấn mạnh hơn cơ chế, thể chế liên quan tới tài sản vô hình, thương hiệu, sở hữu trí tuệ. Bên cạnh đó, để người dân, doanh nghiệp yên tâm đầu tư, sản xuất, kinh doanh, cần cụ thể hóa nội dung trong Nghị quyết 68 về tuân thủ nguyên tắc phân định rõ trách nhiệm hình sự với hành chính, dân sự; giữa pháp nhân và cá nhân trong xử lý vi phạm.

Trong thủ tục hành chính đối với doanh nghiệp, người đứng đầu Chính phủ cho rằng cần thông thoáng, giảm tối đa chi phí và xóa bỏ cơ chế xin - cho. Thủ tướng yêu cầu khẩn trương lấy ý kiến cộng đồng doanh nghiệp, các cơ quan, đơn vị để hoàn thiện, trình Quốc hội thông qua trước ngày 18-5.

Hội đồng Tư vấn chính sách được thành lập theo Quyết định số 812/QĐ-TTg ngày 24-4-2025 của Thủ tướng Chính phủ, gồm 13 thành viên. Hội đồng là tổ chức tư vấn, có chức năng nghiên cứu, tư vấn, khuyến nghị với Thủ tướng Chính phủ trong quản lý, chỉ đạo, điều hành về phát triển kinh tế - xã hội.

Minh Chiến

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thu-tuong-pham-minh-chinh-phat-trien-kinh-te-tu-nhan-la-khong-co-gioi-han-196250508202907935.htm