Thủ tướng hoan nghênh ý kiến của JCCI dịch chuyển đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam

Tiếp ông Yoichi Kobayashi, Chủ tịch Ủy ban Hợp tác Kinh tế Nhật Bản-Mekong thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (JCCI), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh ý kiến của JCCI dịch chuyển đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp ông Yoichi Kobayashi, Chủ tịch Ủy ban Hợp tác Kinh tế Nhật Bản-Mekong. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Chiều 26/2, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp ông Yoichi Kobayashi, Chủ tịch Ủy ban Hợp tác Kinh tế Nhật Bản-Mekong thuộc JCCI.

Tại buổi tiếp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ vui mừng nhận thấy quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam-Nhật Bản đang ngày càng phát triển mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực, có sự tin cậy cao; tin tưởng mối quan hệ này trong thời gian tới tiếp tục được củng cố và phát triển lên một tầm cao mới. Hai nền kinh tế Việt Nam và Nhật Bản có sự bổ sung, chia sẻ rất lớn.

Ông Yoichi Kobayashi cho biết, đoàn JCCI lần này sang Việt Nam gồm khoảng 30 doanh nghiệp trong các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, tài chính... trong bối cảnh hai nước ngày càng thắt chặt quan hệ hợp tác trên nhiều lĩnh vực.

Đây là điều mà các doanh nghiệp Nhật Bản hết sức phấn khởi; hy vọng thời gian tới, sự hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Nhật Bản được mở rộng mạnh mẽ hơn nữa. Số lượng các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam ngày càng tăng lên. Ngày càng có nhiều người Việt Nam sang Nhật Bản học tập và nghiên cứu.

Ông cho biết, từ tháng 4 này, Chính phủ sẽ tăng cường tiếp nhận các lao động Việt Nam với visa kỹ năng đặc thù; hy vọng ngày càng có nhiều người Việt Nam sang Nhật Bản học tập và lao động.

Ông cũng thông báo, JCCI đang tích cực hợp tác với các bộ, ngành, cơ quan chức năng, địa phương của Việt Nam để triển khai các biện pháp cụ thể tăng cường hợp tác kinh tế.

Ông đánh giá cao đường lối phát triển kinh tế của Chính phủ Việt Nam, cho rằng, chính sách đang gặt hái những thành quả tốt đẹp. Việt Nam có lực lượng lao động trẻ, đông đảo với tay nghề cao. Nếu cơ sở hạ tầng Việt Nam phát triển mạnh hơn nữa thì lợi thế về lao động của Việt Nam sẽ được phát huy, đem lại hiệu quả rất lớn.

Việt Nam đang ngày càng trở nên hết sức quan trọng với Nhật Bản; hy vọng hai bên sớm ký kết được Hiệp định RCEP. JCCI sẽ nỗ lực hết sức mình đóng góp vào việc phát triển quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư với Việt Nam.

Cảm ơn những ý kiến của ông Yoichi Kobayashi, Thủ tướng đề nghị, JCCI thúc đẩy để Nhật Bản vươn lên dẫn đầu trong số các nước, vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam tương xứng mối quan hệ hai nước.

Thủ tướng hoan nghênh ý kiến của JCCI dịch chuyển đầu tư của Nhật Bản từ các nước khác vào Việt Nam và các nước Mekong. Thủ tướng cũng đánh giá cao đóng góp của Ủy ban Hợp tác Kinh tế Nhật Bản-Mekong trong việc thúc đẩy giao lưu kinh tế giữa Nhật Bản và Việt Nam thông qua các hoạt động như cử đoàn khảo sát tìm hiểu chính sách, tổ chức hội thảo, góp ý cải thiện môi trường đầu tư tại Việt Nam.

Nhân dịp này, Thủ tướng đề nghị JCCI tiếp tục tổ chức các đoàn doanh nghiệp thuộc các ngành nông nghiệp. công nghiệp hỗ trợ, công nghệ thông tin, Internet vạn vật (IoT), quy hoạch đô thị, du lịch... sang khảo sát, đầu tư và tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam.

Chính phủ Việt Nam cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi để các tập đoàn, doanh nghiệp Nhật Bản làm ăn thành công tại Việt Nam. Những kiến nghị của doanh nghiệp Nhật Bản liên quan các cơ chế, chính sách Việt Nam, Thủ tướng khẳng định sẽ giao các bộ, ngành chức năng xem xét, giải quyết.

Cách đây 1 năm rưỡi, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã tiếp đoàn doanh nghiệp của JCCI, do ông Yoichi Kobayashi dẫn đầu.

Trong khuôn khổ chuyến làm việc tại Việt Nam lần này của ông Yoichi Kobayashi, ngày 25/2, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (JCCI) tổ chức Hội thảo "Đối thoại kinh tế Việt Nam - Nhật Bản".

Tại Hội thảo, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh, 4 lĩnh vực là công nghiệp hỗ trợ, lao động, du lịch và nông nghiệp được kỳ vọng sẽ trở thành mũi nhọn mới cho sự hợp tác giữa doanh nghiệp hai bên.

Hội thảo “Đối thoại kinh tế Việt Nam – Nhật Bản”: Cơ hội thúc đẩy triển vọng hợp tác kinh tế cho các doanh nghiệp. Nguồn: Internet.

Ông Kobayashi Yoichi đánh giá cao sự hợp tác về thương mại, kinh tế giữa hai nước ngày càng tăng và thắt chặt. Hiện nay số lượng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam tăng nhanh, vượt con số 1.900 doanh nghiệp. Số vốn của Nhật tại Việt Nam đạt tới 8,6 tỷ USD và 2 năm liên tục là nước đầu tư lớn nhất vào Việt Nam.

Tuy nhiên, con số này vẫn ít hơn so với con số 3.300 doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư tại Trung Quốc.

Song ông Yoichi cho biết, thời gian tới, không chỉ Nhật Bản mà còn rất nhiều quốc gia trong nhiều lĩnh vực khác sẽ chuyển dịch ngành sản xuất của mình từ Trung Quốc sang Việt Nam. Nhiều ý kiến cho rằng, việc chuyển giao công nghệ giữa các doanh nghiệp Nhật Bản và Việt Nam dường như rất ít. Ông Yoichi cho rằng, vấn đề chuyển giao công nghệ đang bắt đầu được thực hiện, đặc biệt là trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung nên hiện tượng Trung Quốc +1 tăng lên. Việc chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam sẽ khiến việc chuyển giao công nghệ được đẩy mạnh hơn.

Một lĩnh vực khác được ông Kobayashi nhắc tới đó là thị trường tiêu thụ của Việt Nam rất hấp dẫn, các doanh nghiệp Nhật Bản rất quan tâm tới lĩnh vực này. Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ Nhật Bản đang hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ tại Trung Quốc cũng đang đặc biệt quan tâm tới lĩnh vực nhà hàng ở Việt Nam, một quốc gia có dân số gần 100 triệu dân trong thời gian tới. Mặc dù vậy, để doanh nghiệp Nhật Bản hiểu hơn về lĩnh vực này, các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực này cần có tài liệu giới thiệu bằng tiếng Anh hoặc tiếng Nhật cho đối tác Nhật.

Đối với lĩnh vực nông nghiệp, hai nước cũng có triển vọng lớn trong việc hợp tác để tạo thành một vành đai sản xuất nông sản sạch, an toàn; đồng thời, xuất khẩu sang các thứ thứ 3, bởi hai nước đều có thế mạnh và điều kiện để phát triển lĩnh vực này.

Đức Tân

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/chinh-tri-thoi-su/thu-tuong-hoan-nghenh-y-kien-cua-jcci-dich-chuyen-dau-tu-cua-nhat-ban-vao-viet-nam-4772.html