Thủ tướng: Đánh giá khách quan, đầy đủ về mô hình tổ chức bộ máy Chính phủ
Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Tổng kết 20 năm thực hiện mô hình tổ chức bộ máy của Chính phủ nhấn mạnh điều này khi chủ trì phiên họp thứ nhất của Ban chỉ đạo, chiều 6/8.
Cùng dự có Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Bộ trưởng các bộ: Nội vụ, Văn phòng Chính phủ, Công An, Ngoại giao, Kế hoạch và Đầu tư cùng lãnh đạo các bộ ngành.
Tại phiên họp, các thành viên Ban chỉ đạo đã thông qua Quyết định số 269/QĐ-TTg ngày 02/4/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ban Chỉ đạo và Quyết định số 796/QĐ-TTg ngày 05/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi Quyết định số 269/QĐ-TTg; Nghe Báo cáo Tờ trình dự thảo Kế hoạch xây dựng Đề án tổng kết và Tờ trình dự thảo Đề cương sơ bộ Đề án tổng kết 20 năm thực hiện mô hình tổ chức bộ máy của Chính phủ (từ khóa XII đến khóa XV). Cùng với đó, các thành viên Ban chỉ đạo cũng thảo luận, cho ý kiến về nội dung dự thảo Kế hoạch xây dựng Đề án này và các vấn đề cần xin ý kiến của Ban Chỉ đạo.
Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đổi mới tổ chức và hoạt động của Chính phủ theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tổ chức bộ đa ngành, đa lĩnh vực; giảm hợp lý số lượng các bộ, cơ quan ngang bộ; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hợp lý giữa Trung ương và địa phương,.. vừa là mục tiêu, vừa là nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ Nhân dân.
Thủ tướng nhấn mạnh việc tổ chức phiên họp để công bố ra mắt Ban chỉ đạo; trao đổi thống nhất kế hoạch tổng kết đề cương báo cáo tổng kết 20 năm thực hiện mô hình tổ chức bộ máy của Chính phủ với tinh thần Chính phủ liêm chính, hành động, phục vụ nhân dân, nhưng bộ máy phù hợp, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
"Bộ máy sau 20 năm đã hoạt động đúng, trúng mục tiêu đề ra chưa? Lúc tách ra, nhập vào các bộ, các ngành, đến giai đoạn hiện nay thì cơ bản ổn định. Tuy nhiên, xem xét khách quan như vậy thì phù hợp chưa? Chưa phù hợp ở điểm nào về mặt cơ sở chính trị, về mặt cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn, trên cơ sở đó đề xuất một phương án phù hợp với tình hình của đất nước trong giai đoạn mới", Thủ tướng lưu ý.
Theo Thủ tướng, Đề án tổng kết phải đạt 2 mục tiêu: Nghiên cứu, đánh giá có hệ thống, toàn diện về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của 4 nhiệm kỳ Chính phủ (từ khóa XII đến khóa XV); Đề xuất quan điểm, mục tiêu, định hướng nhiệm vụ, giải pháp về hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của nhiệm kỳ Chính phủ khóa XVI và nhiệm kỳ tiếp theo.
Thủ tướng cho biết, mục tiêu đề ra là xây dựng được một kế hoạch tổng kết cụ thể hợp lý, khả thi, trong đó có sự phân công trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên của Ban Chỉ đạo, các Bộ, ngành, cơ quan liên quan; xây dựng báo cáo tổng kết có hệ thống toàn diện, đánh giá kết quả đạt được, hạn chế, vướng mắc nguyên nhân, bài học, kinh nghiệm, đề xuất các định hướng giải pháp kiện toàn cơ cấu tổ chức bộ máy của Chính phủ tinh gọn, chuyên nghiệp, hoạt động hiệu lực, hiệu quả đúng theo tinh thần Nghị quyết 27 của Trung ương khóa XII về việc tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.
Cùng với đó Thủ tướng chỉ rõ, việc xây dựng Đề án tổng kết phải đánh giá khách quan, đầy đủ, toàn diện kết quả đạt được, hạn chế, vướng mắc, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm. Đề xuất các định hướng, giải pháp kiện toàn cơ cấu tổ chức của Chính phủ tinh gọn, giảm tầng nấc trung gian, giảm đầu mối bên trong, tăng cường phân cấp, phân quyền, bảo đảm hoạt động hiệu lực, hiệu quả, thực hiện tốt nhiệm vụ của Chính phủ. Xác định rõ nội dung, nhiệm vụ, thời hạn hoàn thành và trách nhiệm của từng Bộ, cơ quan ngang Bộ và các cơ quan có liên quan trong việc thực hiện tổng kết; Công tác tổng kết tiến hành thiết thực, tiết kiệm, hiệu quả; kịp thời đôn đốc, hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Về phạm vi Đề án tập trung tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện mục tiêu, quan điểm, định hướng, giải pháp về hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ; sắp xếp, kiện toàn cơ cấu tổ chức của Chính phủ theo tinh thần Nghị quyết, Kết luận của Đảng; rà soát các vấn đề giao thoa về quản lý nhà nước và phân định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ trong các lĩnh vực; Nghiên cứu các quy định của Đảng để đề xuất định hướng kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ và cơ cấu tổ chức của Chính phủ khóa XVI và giai đoạn tiếp theo.
Thủ tướng nhấn mạnh, nhiệm vụ tổng kết 20 năm thực hiện mô hình tổ chức bộ máy của Chính phủ trải qua 4 nhiệm kỳ Chính phủ, với nhiều nội dung phức tạp liên quan đến rà soát, điều chỉnh, phân định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, sắp xếp, kiện toàn tổ chức của các bộ, cơ quan ngang bộ qua nhiều nhiệm kỳ, đòi hỏi phải có sự tập trung chỉ đạo thống nhất của Ban Chỉ đạo và sự vào cuộc của các bộ, ngành, trong đó có vai trò rất quan trọng của các thành viên Ban Chỉ đạo trong việc triển khai nhiệm vụ tổng kết của Bộ, ngành mình và ngành, lĩnh vực được Ban Chỉ đạo phân công để bảo đảm việc tổng kết đạt mục tiêu, kết quả cao nhất.
Thủ tướng chỉ rõ, đây là việc làm khó, nhạy cảm vì động đến con người, bộ máy tổ chức. Kế hoạch phải làm sao cho sát với tình hình thực tế, khả thi vì thời gian có hạn, phạm vi rộng. Thủ tướng yêu cầu phải có lộ trình cụ thể từ nay đến 31/12, tinh thần là rõ người, rõ việc, rõ lộ trình, rõ sản phẩm để dễ kiểm tra, đánh giá.
Trước mắt cần xây dựng Đề cương chung và phải bám sát đề án để gửi cho các bộ ngành địa phương triển khai thực hiện. Thủ tướng giao bộ trưởng, trưởng ngành chỉ đạo trực tiếp việc này, cùng với đó tăng cường phân cấp phân quyền, giảm khâu trung gian trong quá trình thực hiện.
Đối với việc tổ chức Đoàn khảo sát ở nước ngoài phải tập trung ở bộ, ngành các nước tương đồng với Việt Nam về văn hóa, chính trị, địa lý, chủ yếu tập trung vào châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản.
Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Bộ Nội vụ tiếp thu ý kiến của các thành viên Ban Chỉ đạo, khẩn trương hoàn thiện dự thảo Kế hoạch xây dựng Đề án, trình Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo quyết định ban hành để tổ chức triển khai nhiệm vụ xây dựng Đề án và có văn bản gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ đánh giá việc việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, ngành mình.
Trong đó, có việc tự rà soát, đánh giá thực trạng quản lý nhà nước của bộ, ngành mình về vấn đề giao thoa như kết quả, tồn tại, hạn chế, bất cập và nguyên nhân và đề xuất phương án giải quyết trong đó nêu rõ căn cứ chính trị, căn cứ pháp lý, căn cứ thực tiễn và đánh giá tác động của phương án đề xuất; gửi cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo là Bộ Nội vụ để tổng hợp, phục vụ cho việc xây dựng Đề án tổng kết 20 năm thực hiện mô hình tổ chức bộ máy của Chính phủ.
Thủ tướng giao Bộ Nội vụ đôn đốc, tổng hợp kết quả thực hiện nhiệm vụ xây dựng Đề án tổng kết 20 năm thực hiện mô hình tổ chức bộ máy của Chính phủ của các bộ, ngành. Trong quá trình triển khai, nếu phát sinh vấn đề vướng mắc, chưa thống nhất thì báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Phó Trưởng ban Thường trực xem xét, chỉ đạo.