Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương tiếp Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc AstraZeneca Việt Nam
Hôm nay 15/1, tại trụ sở Bộ Y tế, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đã tiếp, làm việc với ông Nitin Kapoor, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc AstraZeneca Việt Nam và các thành viên tham gia đoàn.
Cùng dự buổi tiếp với Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương có đại diện lãnh đạo các Vụ/Cục thuộc Bộ Y tế.
Tại buổi tiếp, thay mặt lãnh đạo Bộ Y tế, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương bày tỏ cảm ơn AstraZeneca đã đồng hành, hợp tác với Bộ Y tế trong thời gian qua, đặc biệt trong công tác phòng, chống dịch COVID-19; AstraZeneca cũng đã đồng hành, hỗ trợ ngành y tế Việt Nam trong phòng, chống các bệnh không lây nhiễm, thuốc, thử nghiệm lâm sàng...
Hai bên cùng trao đổi một số nội dung liên quan đến thời gian cấp phép nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng tại Việt Nam; Việc rút ngắn thời hạn thẩm định đề cương nghiên cứu và đơn giản hóa/có quy định riêng cho thủ tục cấp phép nhập khẩu thuốc, trang thiết bị phục vụ nghiên cứu lâm sàng thuốc, hoặc tích hợp thủ tục cấp phép nhập khẩu vào trong quy trình cấp phép cho nghiên cứu…
Tại buổi tiếp, ông Nitin Kapoor cho biết, trong ba thập kỷ đồng hành cùng sự phát triển bền vững của Việt Nam, AstraZeneca đã tích cực hợp tác với Bộ Y tế và các đối tác trong ngành để thực hiện nhiều chương trình nhằm thúc đẩy nhận thức, phòng ngừa và phát hiện sớm bệnh tật…
AstraZeneca rất tự hào vì trong thời gian qua luôn là doanh nghiệp dẫn đầu về triển khai hoạt động nghiên cứu lâm sàng tại Việt Nam. Không chỉ về số lượng, về chất lượng, các nghiên cứu do AstraZeneca, dưới sự phê duyệt, hướng dẫn, quản lý của Bộ Y tế, Cục Khoa học, Công nghệ và Đào tạo và các cơ quan, đơn vị, tổ chức liên quan đã được thực hiện với tiêu chuẩn chất lượng cao nhất.
Vào tháng 12/2023, AstraZeneca là đơn vị tài trợ nghiên cứu đầu tiên tại Việt Nam có vinh dự được đón tiếp đoàn FDA Hoa Kỳ đến kiểm tra đánh giá chất lượng trong lĩnh vực nghiên cứu y sinh. Kết quả kiểm tra ở cả hai điểm nghiên cứu được FDA lựa chọn là Bệnh viện Phổi Trung ương và Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, đều được thanh tra viên của US FDA kết luận là "Không cần thực hiện thêm biện pháp nào" ("No Action Indicated" - NAI).
NAI được xem là mức cao nhất trong thang điểm đánh giá chất lượng của FDA, chính là một bằng chứng rõ ràng nhất cho cam kết của AstraZeneca trong việc tuân thủ các quy định của pháp luật cũng như các chuẩn mực quốc tế trong nghiên cứu lâm sàng nhằm đảm bảo an toàn cho người bệnh và chất lượng của nghiên cứu.
Thành tựu này cũng thể hiện rõ nét nỗ lực cống hiến không ngừng của các đội ngũ nhân viên y tế Việt Nam trong việc nâng cao chất lượng chăm sóc bệnh nhân, ngay cả trong điều kiện được giám sát nghiêm ngặt như các thử nghiêm lâm sàng đa quốc gia.
Các nghiên cứu lâm sàng thuốc có đóng góp quan trọng về: Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài; Tạo ra các việc làm có hàm lượng khoa học công nghệ cao; Tăng cường năng lực nghiên cứu và triển khai cho đội ngũ chuyên gia, cán bộ nhân viên y tế tham gia thực hiện các nghiên cứu đa trung tâm toàn cầu được triển khai một phần tại Việt Nam; Đồng thời thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo trong nước và đóng góp cho đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực y tế trên toàn cầu;
Cùng đó hướng tới việc góp phần tăng cường tiếp cận sớm của người bệnh với các loại thuốc mới, các tiến bộ y khoa mới nhất của thế giới
Tại buổi làm việc phía AstraZeneca Việt Nam cam kết sẽ tiếp tục phối hợp với Cục Khoa học, Công nghệ và Đào tạo và các đơn vị liên quan của Bộ Y tế để cùng nghiên cứu, đề xuất các giải pháp giúp đơn giản hóa thủ tục hành chính trên cơ sở tuân thủ các quy định của pháp luật và đảm bảo các yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, chất lượng, hiệu quả đối với nghiên cứu khoa học liên quan đến sức khỏe con người.
Hai bên sẽ tiếp tục làm việc để sớm triển khai các hoạt động hợp tác đào tạo trong lĩnh vực nghiên cứu lâm sàng tại Việt Nam, giúp tăng cường năng lực, chuẩn hóa nghiệp vụ cho đội ngũ chuyên gia, cán bộ, nhân viên y tế tham gia vào hoạt động nghiên cứu lâm sàng thuốc từ tất cả bên liên quan: đơn vị tài trợ, đơn vị nghiên cứu và đơn vị quản lý.
Qua lắng nghe trao đổi giữa hai bên, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đề nghị Cục Khoa học và Đào tạo làm việc và phối hợp với AstraZeneca chuyển các kiến nghị của AstraZeneca sang Cục Quản lý Dược để nghiên cứu và đưa vào dự thảo Luật Dược sửa đổi và các văn bản dưới luật, đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp cũng như đảm bảo an toàn cho các loại thuốc lưu hành hiện nay;
Phối hợp với AstraZeneca tổ chức các khóa đào tạo cho cán bộ các đơn vị thử nghiệm lâm sàng và các đơn vị cấp phép; Cùng với đó AstraZeneca cần hoàn thiện báo cáo về những điểm nghẽn còn tồn tại.
Thứ trưởng giao Cục Quản lý Dược làm đầu mối phối hợp với các đơn vị xem xét các đề xuất của AstraZeneca trong giai đoạn hiện nay cũng như giai đoạn sắp tới trong việc sửa các văn bản đảm bảo phù hợp với các quy định hiện nay.
Thứ trưởng bày tỏ hy vọng trong thời gian tới Bộ Y tế Việt Nam và Astrazeneca tiếp tục có sự phối hợp hiệu quả hơn nữa trong các lĩnh vực hai bên cùng quan tâm.