Thu nhập bèo bọt, công nhân đắp đổi qua ngày
Tình hình khó khăn kéo dài của các doanh nghiệp khiến chất lượng sống của nhiều người lao động giảm xuống, tiền lương không đáp ứng mức sống tối thiểu
Tìm hiểu đời sống người lao động tại một số khu trọ trên địa bàn quận 7, 8, Bình Tân, chúng tôi nhận thấy trong giai đoạn khó khăn, hiện rất nhiều người lao động đang có mức thu nhập thấp, không đủ cho các chi tiêu bắt buộc, nhiều người phải vay mượn để đắp đổi.
Khi được hỏi các chi phí bắt buộc, đa số công nhân đều cho rằng với những người độc thân (không có người phụ thuộc) thì mức chi tối thiểu hằng tháng khoảng 5,5 triệu đồng (không tính đến các chi phí giải trí, học tập, du lịch, làm đẹp…). Trong đó, 30% là chi nhà trọ, điện, nước; 50-60% chi cho thực phẩm, phần còn lại là các khoản xăng xe, chi phí phát sinh (tiền gửi xe, điện thoại, 4G, tiền thuốc thang, đám tiệc…). Đối với công nhân có người phụ thuộc (cha mẹ già, con cái) thì mức chi tăng lên khá nhiều, bình quân 2,5 triệu đồng/con, tiền gửi về cho cha mẹ bình quân 1-2 triệu đồng/tháng.
Chị Trần Thị Diễm Kiều (quê Đồng Tháp), là công nhân Công ty TNHH PouYuen Việt Nam (quận Bình Tân) cho biết do công ty ít đơn hàng, gần như không có tăng ca nên hiện mức thu nhập của chị khoảng hơn 6 triệu đồng/tháng. Với khoản tiền lương đó, mỗi tháng chị dành khoảng 1,5 triệu đồng để trả tiền nhà trọ, điện, nước; tiền ăn uống khoảng 70.000 đồng, nếu tính thêm các chi phí gas, gia vị thì tính ra mỗi tháng chị tốn khoảng 2,5 triệu đồng cho việc ăn uống. Tiền xăng, điện thoại khoảng 400.000 - 500.000 đồng/tháng.
Như vậy, dù sống tiết kiệm, mỗi tháng chị tốn khoảng 4,5 triệu đồng cho các khoản chi bắt buộc. Tuy nhiên, chị Kiều đang mua trả góp chiếc xe máy nên mỗi tháng chị phải trả thêm 3,5 triệu đồng. Do vậy, nếu chỉ làm việc 8 tiếng/ngày là không đủ, buổi tối chị Kiều phải đi làm thêm công việc tiếp thị tại quán ăn đến khoảng 23 giờ đêm.
Chị tâm sự: "Nhiều người vẫn hỏi với mức lương 6 triệu đồng/tháng làm sao sống đủ tại TP HCM nhưng theo tôi, chi tiêu dựa theo hoàn cảnh, nếu gói ghém tiết kiệm thì vẫn đủ chỉ là không có tích lũy. Vì vậy, khi muốn mua sắm hay gặp sự cố đột xuất thì công nhân rất dễ phát sinh nợ hoặc phải chủ động kéo dài thời gian làm việc bằng công việc tay trái". Cũng vì cuộc sống nhiều khó khăn, chị Kiều rất ngại khi nghĩ đến chuyện lập gia đình.
Tương tự, gia đình bà Nguyễn Thị Bé Tư (công nhân Công ty TNHH G.T, quận 8, TP HCM) cũng sống rất chật vật do lương thấp. Bà Tư cho biết do công ty ít đơn hàng nên gần cả năm nay, tổng thu nhập của 3 lao động trong gia đình của bà chỉ được 14-15 triệu đồng/tháng. Với khoản tiền lương ít ỏi đó, mỗi tháng bà đã để dành 3-4 triệu đồng gửi về quê cho cha mẹ hai bên do cha mẹ đều đã già không có thu nhập.
Còn hai vợ chồng bà và cô con gái chỉ dám thuê một phòng trọ nhỏ có diện tích khoảng 10 m2 với chi phí 2 triệu đồng/tháng (bao gồm cả điện nước, tiền gửi xe). Tiền ăn hàng ngày của gia đình cũng gói ghém trong khoảng 100.000 đồng, để con gái có tiền trả góp chiếc xe máy, bà Tư đã cắt giảm bữa sáng.
"Công ty khó khăn chỉ có thể trả lương ngang với lương tối thiểu vùng nhưng sau khi trừ các khoản bảo hiểm thì mức lương chúng tôi nhận được còn thấp hơn. Vì vậy, dù đã tiết kiệm hết mức có thể nhưng vẫn thiếu trước hụt sau, có tháng phải khất lại tiền nhà. Chỉ có một đứa con, vợ chồng tôi cũng muốn cố gắng tích cóp để sau này con lập gia đình sẽ bớt khổ nhưng với tình hình như hiện tại, điều đó là không thể. Tôi chỉ mong mức tiền lương tối thiểu sẽ sớm được điều chỉnh" - bà Tư thở dài.
Từ thực tế đời sống của người lao động đã cho thấy mức tiền lương tối thiểu vùng hiện tại còn chênh lệch khá xa so với mức sống tối thiểu tại TP HCM. Tuy nhiên, trong giai đoạn khó khăn thì khá nhiều doanh nghiệp đang dựa trên lương tối thiểu vùng để trả lương cho người lao động nên rất khó để đảm bảo cuộc sống. Do vậy, yêu cầu bức thiết hiện nay của người lao động là sớm được nâng lương.
Kết quả khảo sát của Viện Công nhân Công đoàn trên gần 3.000 lao động tại Hà Nội, Hải Phòng, Phú Thọ, An Giang, Bình Dương và TP HCM cũng cho thấy nửa đầu năm 2023, mức chi tiêu của người tham gia khảo sát bình quân là 11,7 triệu đồng trong khi thu nhập chỉ đạt 7,88 triệu đồng mỗi tháng. Chỉ 24,5% lao động khảo sát cho biết thu nhập của họ vừa đủ chi tiêu cho các khoản sinh hoạt, số còn lại thiếu trước hụt sau.
Nhiều người phải làm thêm ở ngoài để tăng thu nhập ngoài công việc trong nhà máy. Hơn 17% lao động trả lời phải thường xuyên vay nợ với tâm trạng bất an vì bị đe dọa, khủng bố đòi nợ. Thu nhập thấp là nguyên nhân chính ảnh hưởng đến việc có hay không nên lập gia đình của gần 54% người khảo sát và quyết định có con của 72% công nhân.