'Thử nghiệm vaccine NanoCovax của Việt Nam tuân thủ chặt chẽ hướng dẫn của WHO'

Được sản xuất theo công nghệ protein tái tổ hợp, vaccine NanoCovax của Việt Nam đang được thử nghiệm giai đoạn 1 với liều cao nhất trên 13 tình nguyện viên...

Tình nguyện viên tiêm thử nghiệm vaccine NanoCovax - Ảnh: Bộ Y tế

Tình nguyện viên tiêm thử nghiệm vaccine NanoCovax - Ảnh: Bộ Y tế

Tại họp báo thường kỳ chiều 14/1, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã thông tin về cuộc thử nghiệm vaccine ngừa Covid-19 NanoCovax do Việt Nam phát triển giai đoạn 1.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết việc thử nghiệm vaccine NanoCovax tuân thủ chặt chẽ hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các tổ chức quốc tế liên quan, đảm bảo tính an toàn và khả năng miễn dịch sinh học của vaccine.

"Theo thông tin của Bộ Y tế, vaccine NanoCovax được sản xuất theo công nghệ protein tái tổ hợp. Hiện chưa có minh chứng khoa học nào cho thấy những biến thể mới của Covid-19 có khả năng kháng lại công nghệ trên", bà Hằng cho biết.

Ngày 12/1, Học viện Quân Y đã tiêm vaccine NanoCovax liều 75 microgram cho 3 tình nguyện viên đầu tiên. Đây là liều cao nhất trong giai đoạn 1 thử nghiệm lâm sàng vaccine NanoCovax. Tới sáng 14/1, Học viện Quân y đã tiêm liều 75cmg cho 10 tình nguyện viên, nâng số người được tiêm liều 75mcg lên 13 người.

Theo Bộ Y tế, đến nay, nhóm nghiên cứu đã tiêm thử nghiệm giai đoạn 1 trên 53 tình nguyện viên ở cả 3 nhóm liều 25mcg, 50mcg và 75mcg. Theo dõi cho thấy đến nay sức khỏe các tình nguyện viên đều ổn định, tinh thần hoàn toàn bình thường.

Sau khi tiêm vaccine, các tình nguyện viên được lấy mẫu máu vào các ngày thứ 7, 14 và 21 để nhóm nghiên cứu đánh giá khả năng sinh miễn dịch và khả năng trung hòa virus.

Trong giai đoạn 1, nhóm nghiên cứu sẽ đánh giá độ an toàn của vaccine và dò tìm liều tối ưu trên 60 tình nguyện viên. Sau đó, giai đoạn 2 sẽ được thực hiện trong 4 tháng, tiếp đến là giai đoạn 3 kéo dài 6 tháng với 10.000 - 30.000 tình nguyện viên. Dự kiến, Việt Nam sẽ có đầy đủ dữ liệu nghiên cứu lâm sàng của vaccine NanoCovax trước khi quyết định tiêm chủng cộng đồng vào cuối năm nay.

vaccine NanoCovax do Việt Nam phát triển - Ảnh: Học viện Quân y

vaccine NanoCovax do Việt Nam phát triển - Ảnh: Học viện Quân y

NanoCovax do Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học Dược NANOGEN phối hợp với Học viện Quân Y - Bộ Quốc Phòng phát triển, bắt đầu được thử nghiệm trên người từ ngày 10/12. Đây hứa hẹn sẽ là vaccine Covid-19 "made in Vietnam" đầu tiên được đưa ra thị trường của Việt Nam và phục vụ nhu cầu của người dân trong phòng ngừa Covid-19.

Trên thế giới, nhiều quốc gia bao gồm Anh, Canada, Mỹ, Singapore đã phê duyệt vaccine Covid-19 do hãng dược Pfizer Inc. và BioNTech SE của Mỹ đồng phát triển. Mỹ cũng phê duyệt vaccine thứ hai do công ty Moderna phối hợp với Đại học Oxford sản xuất.

Cả vaccine của Pfizer-BioNTech và Moderna đều sử dụng công nghệ mới dựa trên vật liệu di truyền gọi là RNA thông tin (còn gọi mRNA) để kích hoạt phản ứng miễn dịch ở người và đều cho hiệu quả từ 94-95%.

Trung Quốc cũng đã phát triển và thử nghiệm vaccine Covid-19 với ứng viên tiềm năng là CoronaVac của công ty Sinovac Biotech. Tuy nhiên, theo Viện Butantan (São Paulo, Brazil) - tổ chức thử nghiệm lâm sàng cho CoronaVac, vaccine này cho hiệu quả chỉ hơn 50% trong giai đoạn thử nghiệm thứ 3, thấp hơn nhiều so với con số 78% trong dữ liệu công bố trước đó. Điều này đặt ra câu hỏi về tình minh bạch trong quá trình tổng hợp và công bố kết quả. Đây cũng là nguyên nhân khiến người dân tại nhiều quốc gia không tin tưởng vaccine của Trung Quốc.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khoảng 46 nước trên thế giới đã triển khai chiến dịch tiêm chủng ngừa Covid-19, trong đó 38 nước là những quốc gia có thu nhập cao. Đến nay, đã có khoảng 28 triệu liều vaccine phòng ngừa dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 được tiêm chủng cho người dân trên thế giới, phần lớn ở những nước giàu có nhất. Trong đó, Mỹ là quốc gia có nhiều người dân đã được tiêm vaccine ngừa Covid-19 nhất thế giới với 10 triệu người.

Các loại vaccine đang được thử nghiệm mở ra cơ hội chấm dứt đại dịch Covid-19 khiến hơn 92 triệu người nhiễm và 1,98 triệu người tử vong tính đến ngày 13/1. Vaccine cũng được xem là "thần dược" đối với nền kinh tế sau những "đòn giáng" nặng nề của dịch bệnh suốt hơn một năm qua.

Thùy Linh

Nguồn VnEconomy: http://vneconomy.vn/thu-nghiem-vaccine-nanocovax-cua-viet-nam-tuan-thu-chat-che-huong-dan-cua-who-20210114201728343.htm