Thông qua cơ chế đặc thù của TPHCM: HĐND thành phố sẽ thành lập Sở An toàn thực phẩm

Chiều 24/6, với 481/487 đại biểu (97,37% tổng số đại biểu tham gia) tán thành, Quốc hội đã thông qua nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM. Nghị quyết có 12 điều và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2023.

97,37% tổng số đại biểu tham gia tán thành thông qua nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM

Áp dụng cơ chế hợp tác công tư PPP đối với y tế, giáo dục

Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh đã trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý một số điểm lớn tại dự thảo nghị quyết.

Về đầu tư công, theo ông Mạnh, nhiều ý kiến đề nghị không nên quy định nội dung cho phép TPHCM được sử dụng nguồn tăng thu ngân sách Nhà nước để bố trí cho các dự án đầu tư công mới, vì việc sử dụng nguồn thu này đã được quy định tại Luật Ngân sách Nhà nước và Luật Đầu tư công.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, theo quy định tại Luật Ngân sách Nhà nước, HĐND thành phố (TP) có thẩm quyền quyết định sử dụng nguồn tăng thu ngân sách nhà nước, trong đó bao gồm cả chi đầu tư phát triển. HĐND TP có thể chủ động quyết định mà không cần phải báo cáo và được sự đồng ý của cấp có thẩm quyền trước khi bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn các dự án sử dụng nguồn tăng thu ngân sách TP.

UBND TP báo cáo cấp có thẩm quyền để tổng hợp chung vào kế hoạch đầu tư công trung hạn. Hiện nay, nhiều địa phương đã và đang thực hiện bình thường quy định tại Luật Ngân sách Nhà nước. Nếu quy định như dự thảo sẽ dẫn đến sự khác nhau rất lớn về nhận thức, cách hiểu quy định pháp luật về Ngân sách Nhà nước, Luật Đầu tư công giữa TPHCM và 62 địa phương khác trên cả nước.

Do đó, tiếp thu ý kiến đại biểu, để tránh cách hiểu khác nhau, thống nhất trong nhận thức pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin Quốc hội cho phép không quy định nội dung này tại dự thảo nghị quyết.

Về ý kiến đề nghị bổ sung, áp dụng cơ chế hợp tác công tư PPP đối với cả lĩnh vực y tế, giáo dục mà không áp dụng định mức. Tiếp thu ý kiến đại biểu, để tăng cường thu hút đầu tư, phát huy nguồn lực xã hội, bao quát cả các dự án PPP trong lĩnh vực y tế, giáo dục - đào tạo, tạo sự chủ động cho TP trong thực hiện các dự án PPP, không bị ràng buộc bởi quy định quy mô từ 100 tỉ đồng trở lên. Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin Quốc hội cho phép quy định tại dự thảo giao HĐND TPHCM quyết định quy mô của dự án PPP trong lĩnh vực y tế, giáo dục - đào tạo, thể thao và văn hóa.

Về ngân sách tài chính, Quốc hội quyết định nâng tổng mức dư vay nợ của TPHCM không vượt quá 120% số thu ngân sách TP được hưởng. Hàng năm, ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách TP không quá 70% số tăng thu. Tuy nhiên, trong triển khai thực hiện, TP cần tính toán kỹ khả năng hấp thụ vốn, bảo đảm hiệu quả sử dụng, không làm tăng trần nợ công quốc gia.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh đã trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý một số điểm lớn tại dự thảo nghị quyết.

Bổ sung thêm phó chủ tịch huyện, phường, xã, thị trấn

Về tổ chức bộ máy chính quyền của Thành phố, HĐND TPHCM thành lập Sở An toàn thực phẩm - là cơ quan chuyên môn thuộc UBND Thành phố.

Ngoài ra, Quốc hội cho phép UBND huyện thuộc TPHCM có không quá 3 phó chủ tịch. Đối với phường, xã, thị trấn có quy mô dân số từ 50.000 người trở lên, UBND phường, xã, thị trấn có không quá 3 phó chủ tịch.

Chủ tịch TPHCM được ủy quyền cho người đứng đầu cơ quan hành chính khác thuộc UBND và việc ủy quyền phải bằng văn bản, quy định rõ trách nhiệm của người ủy quyền và người được ủy quyền.

HĐND TPHCM được quyết định bố trí ngân sách chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức… không vượt quá 1,8 lần mức lương ngạch, bậc, chức vụ và chi thu nhập tăng thêm không vượt quá 0,8 lần quỹ lương cơ bản của cán bộ, công chức, viên chức…

HĐND TP cũng quyết định mức thu nhập cho các chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt của TP.

Về tổ chức bộ máy chính quyền của thành phố Thủ Đức, HĐND thành phố Thủ Đức có không quá 2 phó chủ tịch và có không quá 8 đại biểu hoạt động chuyên trách. UBND thành phố Thủ Đức có không quá 4 phó chủ tịch.

Về ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược vào TPHCM, theo nghị quyết của Quốc hội, lĩnh vực được ưu tiên thu hút đầu tư là: Xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D); đầu tư nghiên cứu và hỗ trợ chuyển giao công nghệ cao; đầu tư dự án trong lĩnh vực công nghiệp mạch tích hợp bán dẫn, công nghệ thiết kế, chế tạo linh kiện, vi mạch điện tử tích hợp; đầu tư dự án xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ…

Bên cạnh các điều kiện phải đáp ứng, nhà đầu tư chiến lược trong các ngành, nghề này cũng được hưởng nhiều ưu đãi, theo Nghị quyết của Quốc hội.

Về quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này ở TPHCM được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 5 năm. Chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt, cá nhân khởi nghiệp sáng tạo làm việc tại doanh nghiệp này cũng được miễn thuế thu nhập cá nhân trong cùng thời hạn.

Hải Yến

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/thong-qua-co-che-dac-thu-cua-tphcm-hdnd-thanh-pho-se-thanh-lap-so-an-toan-thuc-pham-2023062415324359.htm