THÔNG ĐIỆP VĂN HÓA TỪ NHỮNG VIỆC LÀM NHỎ CỦA TỔNG BÍ THƯ NGUYỄN PHÚ TRỌNG

Tự tay viết thư gửi chúc Tết cô giáo cũ, tự tay gói bánh chưng cùng gia đình dịp Tết; luôn quan tâm thăm hỏi, kính trọng người già, yêu thương trẻ nhỏ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng như một thông điệp sâu sắc, truyền đi lời nhắn nhủ mọi người dân hãy giữ gìn văn hóa tốt đẹp của cha ông.

Bức ảnh Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cùng gia đình gói bánh chưng dịp tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 (Ảnh: Văn phòng Tổng Bí thư)

Bức ảnh Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cùng gia đình gói bánh chưng dịp tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 (Ảnh: Văn phòng Tổng Bí thư)

Từ bức thư viết tay của "học trò" Nguyễn Phú Trọng

Bức thư gửi cô giáo cũ được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng viết tay bằng mực xanh, nét chữ nắn nót thể hiện tình cảm của người học trò cũ với cô giáo của mình khiến nhiều người xúc động. Nội dung bức thư rất ngắn gọn, giản dị nhưng sâu sắc và chứa đựng ân tình: “Kính thưa cô giáo Đặng Thị Phúc, nhân dịp chuẩn bị đón Tết cổ truyền của dân tộc - Xuân Kỷ Hợi 2019 - em xin có mấy lời kính thăm Cô và gia đình. Kính chúc Thầy Cô sang năm mới sức khỏe, trường thọ; chúc toàn thể gia đình an khang, mọi việc hanh thông, tốt đẹp, có nhiều niềm vui mới".

Bên trên chữ ký, tên người viết chỉ đề giản dị “Học trò cũ của cô” mà không một chữ đề cập tới những trọng trách Tổng Bí thư, Chủ tịch nước mà ông đang gánh vác.

Điều khiến mọi người cảm động hơn cả, cuối bức thư, người học trò cũ không quên gửi lời tri ân: “Em vẫn giữ mãi những kỷ niệm sâu sắc, không bao giờ phai mờ trong những năm tháng được Cô dạy bảo”.

Đọc đi đọc lại bức thư của Tổng Bí thư gửi cô giáo cũ, ông Nguyễn Văn Triệu, cựu chuyên gia quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia, không nén được xúc động: Dù bận trăm công nghìn việc nhưng bức thư tay được "học trò" Nguyễn Phú Trọng viết năm 2019, đã thể hiện truyền thống "tôn sư trọng đạo" với tình cảm chân thành, mộc mạc, không quên “người lái đò” năm xưa:

"Tôi đọc lá thư Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi cho cô giáo, vẫn xưng là em và rất là trân trọng cô giáo dạy mình thời cấp 2. Đó là mẩu chuyện đời thường nhưng khiến cho ta thấy phong cách sống của Tổng Bí thư hết sức tuyệt vời, một người mẫu mực và theo tôi là rất đáng kính trọng trong lịch sử của Việt Nam hiện đại"- ông Nguyễn Văn Triệu nhớ lại

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng viết thư chúc Tết cô giáo cũ

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng viết thư chúc Tết cô giáo cũ

... đến "ông Trọng" cùng gia đình gói bánh chưng

Chính sự khiêm nhường, gần gũi, bình dị của người giữ cương vị cao nhất của Đảng ta - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đã làm lay động hàng triệu con tim Việt Nam. Nhất là khi bức ảnh ông cùng gia đình gói bánh chưng ngày 27 Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 được lan tỏa rộng rãi, chia sẻ khoảnh khắc đời thường mộc mạc, chan hòa của một người chồng, người cha, người ông trong gia đình.

Đó là bức ảnh lần đầu tiên được công bố trong cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, ra mắt ngày 21/6/2024 của Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật. Trong bức ảnh chụp tự nhiên, không sắp xếp, không bố cục, là "ông Trọng" mặc bộ quần áo cũ, mái đầu bạc trắng đang ngồi gói bánh chưng như một người dân quê thứ thiệt.

Giữa gian bếp đơn sơ, ấm cúng là một gia đình nhỏ như bao người Việt Nam khác đang quây quần, đầm ấm dịp Tết đến, xuân về: gia đình của người đang nắm giữ trọng trách cao nhất của Đảng và Nhà nước: Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.

Xem đi xem lại bức ảnh "ông Trọng cùng cả nhà gói bánh chưng" được lan truyền những ngày qua, bà Thị Ngọc Liên – Chủ tịch Hội Cựu Thanh niên xung phong tỉnh Bình Thuận không giấu nổi xúc động: Dù bận trăm công nghìn việc vì nước, vì dân, nhưng bác Trọng vẫn dành thời gian bên gia đình. Ông đã làm gương trong giữ gìn nét đẹp phong tục Việt Nam, văn hóa truyền thống Việt Nam mà gia đình ông cũng là một tế bào nhỏ:

"Đối với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, rất là trân trọng, trân quý về cuộc sống bình thường, giản dị, nhất là việc cứ Tết đến Xuân về thì bác cùng với gia đình ngồi gói bánh chưng để đón xuân ăn Tết. Phải nói đây là một điều rất quý, một vị lãnh đạo đứng đầu Đảng, Nhà nước mà có phong cách, tác phong gần gũi, giản dị như thế thì hết sức trân trọng"-bà Vũ Thị Ngọc Liên nói.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng gia đình gói bánh chưng nhân dịp Tết đến Xuân về

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng gia đình gói bánh chưng nhân dịp Tết đến Xuân về

Dù đảm nhiệm những chức vụ lãnh đạo quan trọng nhất của đất nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn giữ đức tính giản dị và khiêm nhường. Ông sử dụng một chiếc xe công vụ hơn 20 năm. Nhiều người cũng rất bất ngờ khi thấy phòng làm việc của Tổng Bí thư thật đơn sơ, giản dị, trên tường treo một tấm ảnh Bác Hồ và trong phòng chỉ có sách và sách.

Trong cuộc sống thường nhật, mỗi lần họp lớp Khoa Ngữ văn khóa 8, nếu không bận công việc, cựu sinh viên Nguyễn Phú Trọng đều tham dự. Lần nào dự họp đến muộn, ông cũng báo trước để mọi người không phải chờ đợi.

Khi giữ chức Bí thư Thành ủy Hà Nội, ông lặng lẽ nhờ người chở mình đi xe máy về thăm trường cũ. Sự xuất hiện giản dị của ông khiến thầy cô và bạn bè vô cùng ngỡ ngàng. Khi về thăm quê, Tổng Bí thư thường tản bộ trong làng như bao người khác, luôn kính trọng, lắng nghe người cao tuổi, hỏi thăm, động viên các cháu nhỏ.

Không biệt thự, xe sang mà càng giản dị, khiêm nhường, Tổng Bí thư càng khiến dân tin, dân quý; được các cấp lãnh đạo tin tưởng vào tài năng, đức độ và tấm gương mẫu mực.

Đó cũng là cảm nhận của Đại tá Phạm Mạnh Hùng, nguyên trưởng bộ môn tư tưởng Hồ Chí Minh Trường Sĩ quan Công binh Bộ Quốc phòng: "Ở Tổng Bí thư chúng ta có thể thấy được một điều là qua cách sống, cách tiếp xúc, cách làm việc, sự tận tụy, giản dị, khiêm tốn của ông kèm với tất cả những kiến thức sâu sắc của ông trong quá trình chỉ đạo, một sự năng động, sáng tạo trong chỉ đạo thực tiễn. Tất cả những điều đó không chỉ làm cho bản thân tôi mà rất nhiều người Việt Nam phải ngưỡng mộ, khâm phục và đó là tấm gương sáng ngời nhất mà chúng ta có thể học tập và noi theo".

Đại tá Phạm Mạnh Hùng, nguyên trưởng bộ môn tư tưởng Hồ Chí Minh Trường Sĩ quan Công binh Bộ Quốc phòng trả lời phỏng vấn (ảnh: Thiên Lý)

Đại tá Phạm Mạnh Hùng, nguyên trưởng bộ môn tư tưởng Hồ Chí Minh Trường Sĩ quan Công binh Bộ Quốc phòng trả lời phỏng vấn (ảnh: Thiên Lý)

Việc làm nhỏ nhưng truyền thông điệp lớn

Tròn 10 năm trôi qua, Đại tá Đoàn Hoài Trung, từng công tác ở Sư đoàn Không quân 370, Chủ tịch Hội Nhiếp ảnh TP.HCM vẫn không quên lần gặp gỡ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại lễ kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ vào năm 2014. Đến giờ ông vẫn nhớ hình ảnh Tổng Bí thư đi đến khán đài, bắt tay từng người, ân cần hỏi han một cách chân thành. Sự quan tâm, gần gũi đó khiến những người có mặt đều xúc động vô cùng.

Với Đại tá Trung, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một con người khiêm nhường nhưng rất quyết liệt; giản dị nhưng luôn đề cao tính tư tưởng của Đảng. Từng lời nói, hành động, mọi việc của ông làm cho Đảng ta vững mạnh, trong sạch, cho thấy Tổng Bí thư đã dồn hết tâm huyết và trách nhiệm của mình lo cho dân cho nước:

"Cũng mong rằng dù Tổng Bí thư đi xa nhưng tinh thần của Tổng Bí thư sẽ còn mãi trong mỗi đảng viên. Mọi người cảm thấy rằng Tổng Bí thư là con người giản dị, khiêm nhường nhưng cũng hết sức quyết liệt để bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền, bảo vệ nền độc lập, tự do và suốt đời hy sinh vì dân tộc"- Đại tá Trung chia sẻ.

Đại tá Đoàn Hoài Trung nhớ mãi cái bắt tay của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại lễ kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ vào năm 2014 (ảnh: nhân vật cung cấp)

Đại tá Đoàn Hoài Trung nhớ mãi cái bắt tay của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại lễ kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ vào năm 2014 (ảnh: nhân vật cung cấp)

Tự tay viết thư gửi chúc Tết cô giáo cũ, tự tay gói bánh chưng cùng gia đình dịp Tết; luôn quan tâm thăm hỏi, kính trọng người già, yêu thương trẻ nhỏ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng như một thông điệp sâu sắc, truyền đi lời nhắn nhủ mọi người dân hãy giữ gìn văn hóa tốt đẹp của cha ông trong thời đại mới, bằng những lời nói, việc làm bình dị hàng ngày, cho dù người đó giữ cương vị nào.

Coi trọng danh dự, Tổng Bí thư luôn thể hiện rõ quan điểm: "Công việc của các con là do các con tự lo, tự chịu trách nhiệm với bản thân và tự khẳng định mình”. Trong công tác, ông cũng chỉ nhận mức lương mà Nhà nước chi trả, nhất quyết không nhận thêm một khoản tiền nào ngoài chế độ.

Ông Cao Đức Khoa, Hiệu trưởng Trường THCS Huỳnh Khương Ninh, Quận 1, TP.HCM cho biết: nhà trường sẽ giới thiệu tiểu sử của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, những việc mà ông đã làm cho các em học sinh học tập, noi theo. Các tác phẩm của Tổng Bí thư đã được trang bị trong thư viện của trường. Sắp tới chi bộ Đảng, Công đoàn sẽ triển khai những tác phẩm này để cán bộ, giáo viên học hỏi và làm theo.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tặng quà người dân đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận - tháng 7/2014 (ảnh: Đình Hòa)

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tặng quà người dân đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận - tháng 7/2014 (ảnh: Đình Hòa)

Theo ông Khoa, ngoài việc học tập theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, cần tiếp tục truyền tải rộng rãi những việc đời thường mà Tổng Bí thư đã làm được cho dân cho nước, đặc biệt là công cuộc phòng chống tham nhũng để mọi người tiếp tục phấn đấu, giữ cho “cái lò” luôn nóng, đảm bảo cuộc đấu tranh chống tham nhũng đi đến thành công, theo định hướng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Cùng suy nghĩ đó, ông Tôn Thất Minh, nguyên là giáo viên bộ môn Lịch sử, Trường Trung học Cơ sở Cù Chính Lan, quận Bình Thạnh, TP.HCM cho rằng, cần truyền cảm hứng từ những việc làm nhỏ mang ý nghĩa lớn của Tổng Bí thư cho thế hệ trẻ hiện nay:

Ông Tôn Thất Minh đề nghị, ngành giáo dục có quyết sách, định hướng phối hợp với các ban ngành để giáo dục truyền thống, đạo đức cho các em. Có thể đưa một chuyên đề học tập và noi gương bác Nguyễn Phú Trọng, rất là hay. Chúng ta lấy những việc làm, gương tốt theo tư tưởng của Bác Hồ, được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vận dụng rất chính xác, rất đúng, để cho học sinh, cho giới trẻ học tập.

Ông Tôn Thất Minh, nguyên là giáo viên môn Lịch sử, Trường THCS Cù Chính Lan, quận Bình Thạnh, TP.HCM đề nghị có chuyên đề noi gương Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (ảnh: nhân vật cung cấp)

Ông Tôn Thất Minh, nguyên là giáo viên môn Lịch sử, Trường THCS Cù Chính Lan, quận Bình Thạnh, TP.HCM đề nghị có chuyên đề noi gương Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (ảnh: nhân vật cung cấp)

Từ đây, gia đình nhỏ trong bức ảnh sẽ vắng bóng người đàn ông hiền từ, dáng vóc khoan thai, tóc bạc trắng, giọng nói nhỏ nhẹ, ấm áp, song hình ảnh và những việc làm bình dị đời thường của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng truyền đi những thông điệp nhiều ý nghĩa sẽ còn in dấu ấn đậm nét trong ký ức của đông đảo các tầng lớp nhân dân.

Một đời tận tụy vì dân vì nước, sống chan hòa, khiêm tốn, gần gũi với mọi người, Tổng Bí thư là tấm gương về một con người thật bình dị nhưng sức lan tỏa rất lớn. Ông đã giành được tình cảm chân thành, trân quý của nhân dân cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài và đông đảo bạn bè quốc tế bởi đức tính giản dị "nói đi đôi với làm", tận tâm, tận lực phục vụ Đảng và nhân dân đến hơi thở cuối cùng.

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=88198