Thời tiết thay đổi, bệnh nhân đột quỵ tăng

Số lượng người bị đột quỵ não đang có dấu hiệu tăng khi thời tiết giao mùa, chuyển lạnh đột ngột.

Nhiều hôn mê mới đến bệnh viện

Trong khu điều trị đột quỵ, Bệnh viện Hữu nghị, hầu như chỉ có tiếng thiết bị hoạt động; bởi bệnh nhân ở đây đều là người già, đa số bệnh nặng, nhiều người đang phải thở nội khí quản; một số bệnh nhân đã dần hồi phục, mới chỉ tập luyện cử động chân tay nhẹ nhàng…

Ghi nhận tại bệnh viện Hữu Nghị:

Khi bác sĩ đến giường bệnh khám, chị Hoàng Mỹ Hằng nhanh chóng trình bày tình trạng của bố mình vừa mới tỉnh sau cơn đột quỵ nặng. Ông chưa nói được, mới chỉ có thể nhắm mở mắt, gật đầu theo hiệu lệnh của bác sĩ.

“Bố tôi mới bị đột quỵ lần 2, cách đây một năm, bố tôi đã từng bị đột quỵ nhưng hồi phục tốt, đã có thể sinh hoạt bình thường. Đợt này, ông bị nặng hơn vì khi gia đình phát hiện, bố tôi đã trong tình trạng hôn mê, thở khó khăn... May được đưa tới bệnh viện cấp cứu kịp thời, bố tôi đã qua được nguy hiểm, hiện bố tôi đã tỉnh và có vẻ đang dần hồi phục tốt hơn”, chị Hằng lo lắng.

Nhiều bệnh nhân độ quỵ vừa qua cơn hôn mê.

Nhiều bệnh nhân độ quỵ vừa qua cơn hôn mê.

Vừa xoay bóp tay cho bố chị Hằng chia sẻ: “Trước đây chúng tôi chưa hình dung ra được cách chăm sóc người già, nhất là khi trời lạnh, chỉ đơn giản nghĩ lạnh là cần giữ ấm. Sau đợt này, chắc chắc gia đình tôi sẽ chú ý hơn, biết cách chăm sóc người bệnh hơn, nhất là khi thời tiết thay đổi”.

May mắn vì kịp thời hồi phục sau cơn đột quỵ, ông Nguyễn Huy Phồn (82 tuổi) vẫn nằm im, trầm tư trên giường bệnh. Dường như đã hồi phục được ý thức, khi được hỏi chuyện ông thều thào kể: “Khi có dấu hiệu tôi không biết mình bị đột quỵ. Tôi nhớ, hôm bị đột quỵ, vào buổi tối, tôi đang đánh răng thì choáng và ngã trong nhà tắm, bất tỉnh, sau đó người nhà đưa tôi tới bệnh viện. Bây giờ tôi đã tỉnh táo, cử động được chân tay, đang trị liệu để tập vận động”.

Bác sĩ hướng dẫn bệnh nhân luyện tập sau đột quỵ.

Bác sĩ hướng dẫn bệnh nhân luyện tập sau đột quỵ.

Theo các bác sĩ, thường bệnh nhân chưa quen với những khó khăn vận động sau đột quỵ nên nhiều bệnh nhân còn gặp phải tình trạng trầm cảm sau đột quỵ. Chúng tôi vừa phải điều trị đột quỵ, vừa kết hợp liệu pháp tâm lý để bệnh nhân hồi phục tốt hơn.

Những ngày gần đây, thời tiết nóng - lạnh thay đổi liên tục khiến nhiều người già phải nhập viện vì đột quỵ, nhiều bệnh nhân đã từng cũng bị tái đột quỵ, tới lần thứ 2, thứ 3.

Trao đổi về tình hình tiếp nhận bệnh nhân, TS.BS Mai Đức Thảo, Trưởng khoa Thần kinh, Bệnh viện Hữu nghị cho biết: “Mới vào mùa lạnh nhưng số lượng bệnh nhân đột quỵ não chúng tôi tiếp nhận đã tăng lên nhẹ. Các bệnh nhận vào viện thường có các dấu hiệu đột quỵ não rõ rệt, do đặc điểm thời tiết lạnh đã làm các nguy cơ gây bệnh như: Tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa, đái tháo đường… thay đổi dễ gây tắc mạch dẫn tới đột quỵ”.

Giải thích về sự thay đổi thời tiết dễ gây đột quỵ, TS.BS. Mai Đức Thảo cho biết: Khi thời tiết thay đổi làm cho cơ thể phải thích ứng, nhất là trời lạnh cơ thể phải tiết chất làm co mạch, giữ ấm cho cơ thể làm cho huyết áp tăng. Trong mùa lạnh, nhất là khi chuyển môi trường từ nơi ấm sang nơi lạnh khi thức dậy, tập thể dục dễ thay đổi môi trường đột ngột làm các yếu tố nguy cơ đột quỵ tăng lên. Bên cạnh đó, những người có nền tăng huyết áp, béo phì, rối loạn chuyển hóa không có sự kiểm soát, phòng chống, nguy cơ đột quỵ sẽ càng cao hơn.

Nhiều ca nặng phải đặt nội khí quản.

Nhiều ca nặng phải đặt nội khí quản.

Người già cần kiểm soát các yếu tố nguy cơ

Theo TS.BS. Mai Đức Thảo, trong thời tiết lạnh, với những người có sẵn bệnh về huyết áp, cần tuân thủ sử dụng thuốc điều trị, sử dụng đúng và theo dõi chặt huyết áp của mình, thậm chí nên ghi lại chỉ số mỗi lần đo trong ngày với các máy đo huyết áp sử dụng tại nhà. Người bệnh cũng cần giảm sử dụng các chất kích thích như: Rượu bia, cà phê, thuốc lá, các đồ cay nóng… dễ làm kích thích tăng huyết áp. Bên cạnh đó, dù ngày lạnh, người già cũng vẫn cần vận động theo hướng vận động vừa đủ, lắng nghe cơ thể để tập thể dục.

Với người già, ngày lạnh, khi thức dậy không nên ra khỏi giường ấm ngay, mà cần nằm tại chỗ xoa chân, tay làm ấm cơ thể, bỏ chăn, mở cửa dần dần để làm quen với không khí bên ngoài trước khi ra khỏi phòng, đi tập thể dục. Người già cần khoảng thời gian vừa đủ, hợp lý để tập thể dục, thường là khoảng 20 – 30 phút với các bài tập phù hợp. Khi ra ngoài trời lạnh, cần có mũ, áo đảm bảo đủ ấm.

Bác sĩ cũng đặc biệt lưu ý, có nhiều người già có thói quen dậy tập thể dục từ rất sớm, điều này là không nên trong ngày lạnh. Khi trời lạnh, nên chờ đến khi mặt trời mọc mới nên đi tập thể dục; khi tập cũng nên tập ở nơi thoáng đãng nhưng tránh được gió lùa để đảm bảo phòng bệnh.

Về việc gần đây nhiều người sử dụng An cung để phòng đột quỵ, theo TS.BS Mai Đức Thảo, sản phẩm này là thực phẩm chức năng, không phải là thuốc; chưa kể, nhiều sản phẩm trên thị trường còn không chính thống, người dân thường mua về qua đường “xách tay”, hoặc không rõ nguồn gốc.

“Thực tế trong hướng dẫn điều trị của Bộ Y tế và trên thế giới không hề có tên sản phẩm An cung này trong việc phòng tránh cũng như điều trị đột quỵ. Vì vậy, chúng tôi khuyến cáo những bệnh nhân đột quỵ, những người có nguy cơ không nên sử dụng sản phẩm này mà không có ý kiến của bác sĩ”, BS. Mai Đức Thảo cảnh báo.

Theo đó, trong mùa lạnh, ngoài việc đảm bảo giữ ấm cơ thể, người già cần kiểm soát các yếu tố nguy cơ, chế độ ăn uống phù hợp mới phòng bệnh được chứ không thể quá tin tưởng vào các sản phẩm được truyền tai hoặc quảng cáo phòng đột quỵ, có thể gây hậu quả không lường khi chủ quan với bệnh. Khi có các dấu hiệu nghi ngờ bị đột quỵ, người bệnh hoặc người nhà cần khẩn trương đưa người bệnh tới cơ sở y tế để được xử trí kịp thời.

Các dấu hiệu để nhận biết đột quỵ não BE FAST:
B (BALANCE): Diễn tả triệu chứng khi bệnh nhân đột ngột mất thăng bằng, chóng mặt, đau đầu dữ dội và mất khả năng phối hợp vận động.
E (EYESIGHT): Thể hiện việc bệnh nhân bị mờ mắt (giảm thị lực) hoặc mất hoàn toàn thị lực của 1 hoặc cả 2 mắt.
F (FACE): Miêu tả sự biến đổi của khuôn mặt, bệnh nhân có thể bị liệt, méo miệng, nhân trung (đoạn nối giữa điểm dưới mũi đến môi trên) bị lệch, thể hiện rõ nhất khi bệnh nhân cười mở miệng lớn.
A (ARM): Bệnh nhân cử động khó hoặc không thể cử động tay chân, tê liệt 1 bên cơ thể. Cách xác nhận nhanh chóng nhất là yêu cầu bệnh nhân giơ 2 tay lên và giữ lại cùng 1 lúc.
S (SPEECH): Bệnh nhân khó nói, phát âm không rõ, nói dính chữ, nói ngọng bất thường. Bạn có thể kiểm tra bằng cách yêu cầu người nghi ngờ bị đột quỵ lặp lại một câu đơn giản bạn vừa nói.
T (TIME): Khi xuất hiện đột ngột các triệu chứng trên hãy nhanh chóng gọi 115 hoặc đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.

Bài, ảnh, video: Tạ Nguyên

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/y-te/thoi-tiet-thay-doi-benh-nhan-dot-quy-tang-20231116105725827.htm