Thói quen ăn uống phổ biến dễ gây béo, mắc ung thư
Bệnh lý ung thư đang gia tăng chóng mặt, một trong tác nhân gây ra bệnh này là thói quen ăn uống thiếu lành mạnh.
Trang Ngôi sao dẫn nghiên cứu của nhóm tác giả đến từ Đại học Hiroshima, Nhật Bản, được trình bày tại Phiên họp khoa học của Hiệp hội Tim mạch Mỹ năm 2017, cho biết tốc độ ăn ảnh hưởng trực tiếp tới cơ thể.
Ăn quá nhanh
Nhóm nghiên cứu đánh giá 642 nam giới và 441 phụ nữ với độ tuổi trung bình là 51,2, không ai trong số họ mắc hội chứng chuyển hóa vào năm 2008.
Những người tham gia được chia thành ba loại dựa trên cách họ mô tả tốc độ ăn uống thông thường của mình: chậm, bình thường hoặc nhanh. Năm năm sau, các nhà nghiên cứu đánh giá lại những người tham gia. Họ phát hiện người ăn nhanh có nhiều khả năng mắc hội chứng chuyển hóa hơn (11,6%) so với những người ăn bình thường (6,5%) và những người ăn chậm (2,3%).
Ăn nhanh có thể giúp bạn tiết kiệm thời gian, nhưng lại có thể gây hại cho sức khỏe của bạn một cách âm thầm. Khi ăn quá nhanh, bạn thường nuốt thức ăn mà không nhai kỹ. Điều này có thể gây ra các vấn đề sức khỏe vì không có nước bọt tham gia vào quá trình tiêu hóa, làm tăng gánh nặng cho dạ dày theo thời gian và có thể gây ra các bệnh về tiêu hóa.
Dưới đây là năm nguy cơ chính khi ăn nhanh:
Dễ béo
Thông thường, não cần khoảng 20 phút để nhận được tín hiệu cho thấy bạn đã no. Nếu ăn nhanh, não không kịp nhận tín hiệu này, khiến bạn có thể ăn quá nhiều mà không nhận ra. Hơn nữa, ăn nhanh làm tăng lượng đường trong máu nhanh chóng, khiến cơ thể tiết ra nhiều insulin hơn. Insulin không chỉ kiểm soát đường huyết mà còn chuyển hóa đường dư thừa thành chất béo, dẫn đến việc tích trữ mỡ thừa trong cơ thể, làm bạn dễ béo hơn.
Giảm chất lượng dinh dưỡng của thực phẩm
Quá trình ăn uống và hấp thụ dinh dưỡng có mối liên hệ chặt chẽ với tốc độ ăn. Khi bạn nhai kỹ, thức ăn sẽ được phân hủy tốt hơn và kết hợp hiệu quả với enzyme tiêu hóa, giúp cơ thể hấp thụ dưỡng chất tốt hơn. Ngược lại, ăn quá nhanh và không nhai kỹ sẽ làm giảm khả năng hấp thụ dinh dưỡng, có thể dẫn đến suy dinh dưỡng nếu tình trạng này kéo dài.
Mất kiểm soát lượng đường trong máu
Ăn nhanh làm tăng lượng đường trong máu nhanh hơn, dẫn đến việc cơ thể tiết ra nhiều insulin. Tình trạng này kéo dài sẽ làm giảm khả năng điều hòa lượng đường trong máu, tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Nhiều nghiên cứu chỉ ra mối liên hệ giữa việc ăn nhanh và nguy cơ mắc tiểu đường.
Chẳng hạn, một nghiên cứu ở Litva với 702 người tham gia cho thấy nguy cơ mắc tiểu đường loại hai tăng gấp đôi ở những người ăn nhanh. Tương tự, một nghiên cứu ở Nhật Bản cũng cho thấy, ăn nhanh làm tăng tình trạng kháng insulin ở 3.465 nam giới và phụ nữ trung niên.
Gây ra các vấn đề về tim mạch
Nhai giúp cơ hàm kéo căng các mạch máu, cải thiện lưu thông máu ở tim và não. Ăn nhanh làm giảm hoạt động của cơ hàm, không có lợi cho sự lưu thông máu. Khi ăn, nhịp tim sẽ tăng 8-10% và lượng máu từ tim sẽ tăng. Ăn quá nhanh có thể khiến bạn ăn quá nhiều, làm tăng nhịp tim. Điều này không ảnh hưởng nhiều đến người khỏe mạnh nhưng có thể gây hoảng loạn và khó chịu cho người có bệnh tim.
Tăng nguy cơ ung thư
Nuốt các miếng thức ăn lớn hoặc cứng mà không nhai kỹ có thể gây tổn thương thực quản và đường tiêu hóa, dẫn đến loét và tổn thương tế bào, từ đó tăng nguy cơ ung thư. Người ăn nhanh cũng dễ nuốt đồ ăn nóng, gây tổn thương niêm mạc miệng và thực quản.
Nhai kỹ giúp enzyme trong nước bọt giảm tác hại của các chất gây ung thư trong thực phẩm. Nếu thời gian nhai được rút ngắn, tác động của các chất này lên cơ thể sẽ lớn hơn.
Ăn quá chậm?
Do nhai quá nhanh không tốt, có người lại nghĩ nhai từ từ và kéo dài thời gian ăn lên một giờ thì vấn đề gì không. Tuy nhiên, thực tế cho thấy ăn quá chậm cũng có thể khiến bạn tăng cân. Khi ăn đồ ăn nhiều chất béo, gan cần tiết ra mật để tiêu hóa. Nếu ăn quá chậm, mật sẽ vào ruột từng giai đoạn và với lượng hạn chế, không tiêu hóa hết chất béo, dễ dẫn đến tích tụ mỡ và tăng nguy cơ béo phì.
Các chuyên gia sức khỏe khuyên bạn nên dành khoảng 15 đến 20 phút cho bữa sáng và khoảng nửa giờ cho bữa trưa và bữa tối. Ăn chậm không có nghĩa là làm chậm tốc độ ăn hay kéo dài thời gian ăn mà là tăng số lần nhai cho mỗi miếng thức ăn lên hơn 30 lần trước khi nuốt, giúp tiêu hóa dễ dàng và kiểm soát cơn thèm ăn tốt hơn.
Thói quen ăn uống lành mạnh
BSCKI. Dương Ngọc Vân chia sẻ trên website Bệnh viện Medlatec, để đảm bảo sức khỏe chúng ta nên:
- Hạn chế sử dụng muối và các loại gia vị khác. Khi hàm lượng những loại này vào cơ thể ở mức độ dư thừa cũng sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe, cũng là yếu tố dẫn đến bệnh ung thư.
- Hạn chế đồ ăn cay nóng, không nên ăn trong thời gian dài hoặc sử dụng quá nhiều gia vị nóng trong bữa ăn.
- Nên chú ý nhai kỹ trong bữa ăn, hỗ trợ tiêu hóa tốt hơn. Đặc biệt không nên ăn nhiều món khó tiêu cùng một lần (như trứng, khoai tây, thịt rán,…).
- Sử dụng nhiều rau xanh, hoa quả hằng ngày, giúp cơ thể bổ sung thêm chất xơ và vitamin vừa tham gia tăng cường hệ miễn dịch đẩy lùi các tế bào ung thư ngay từ đầu.
- Tăng cường thể dục thể thao, hoạt động ngoài trời có thể giúp tăng cường sức khỏe cũng như quá trình trao đổi chất cho cơ thể. Giúp cơ thể giảm được năng lượng dư thừa và tăng sức đề kháng cần thiết.
Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/thoi-quen-an-uong-pho-bien-de-gay-beo-mac-ung-thu-ar885735.html