Thôi làm lãnh đạo khi tinh gọn bộ máy, cán bộ được hưởng chính sách gì?
Bộ Nội vụ vừa đề xuất chính sách, chế độ khi cán bộ thôi giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý hoặc giữ chức vụ thấp hơn
Tại dự thảo Nghị định về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, Bộ Nội vụ đã đề xuất chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý thôi giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý hoặc được bầu cử, bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý thấp hơn do sắp xếp tổ chức.
Theo đó, cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý do sắp xếp tổ chức thôi giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý hoặc được bầu cử, bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý thấp hơn thì được bảo lưu mức lương chức vụ cũ hoặc phụ cấp chức vụ lãnh đạo cũ đến hết nhiệm kỳ bầu cử hoặc hết thời hạn giữ chức vụ. Trường hợp đã giữ chức vụ theo nhiệm kỳ bầu cử hoặc thời hạn bổ nhiệm còn dưới 6 tháng thì được bảo lưu 6 tháng.
Bên cạnh đó, dự thảo Nghị định cũng quy định chính sách khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức tăng cường đi công tác ở cơ sở. Cán bộ, công chức, viên chức ở các cơ quan Trung ương và địa phương được cơ quan có thẩm quyền cử tăng cường đi công tác trong thời gian 3 năm ở cơ sở, được hưởng chính sách tùy theo từng cấp được tăng cường đến.
Cụ thể, đối với cán bộ, công chức, viên chức tăng cường đến làm việc tại cơ quan Đảng, nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập ở cấp xã, được hưởng các chế độ sau: Được hưởng tiền lương (bao gồm cả phụ cấp) theo vị trí việc làm trước khi được cơ quan, tổ chức, đơn vị cử đi; trợ cấp một lần bằng 10 tháng lương cơ sở tại thời điểm nhận công tác.
Trường hợp đơn vị công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì được hưởng các chính sách, chế độ quy định tại Nghị định số 76 năm 2019 của Chính phủ về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Các chế độ này trong thời gian công tác ở cơ sở, ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn do cơ quan, tổ chức, đơn vị cử đi chi trả.
Dự thảo cũng nêu rõ sau khi cán bộ, công chức, viên chức hoàn thành tốt nhiệm vụ ở cơ sở, ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, được tiếp nhận trở lại cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi cử đi hoặc được cơ quan có thẩm quyền bố trí công tác phù hợp; đồng thời, được nâng lương vượt 1 bậc. Được cơ quan, đơn vị sử dụng đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên thì được Bộ, ban, ngành và tỉnh xem xét khen thưởng theo quy định của Luật Thi đua, khen thưởng.
Đối với cán bộ, công chức, viên chức ở các cơ quan Trung ương tăng cường đến làm việc tại cơ quan Đảng, nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập ở cấp tỉnh, cấp huyện, được hưởng tiền lương (bao gồm cả phụ cấp) theo vị trí việc làm trước khi được cơ quan, tổ chức, đơn vị cử đi; được trợ cấp một lần bằng 3 tháng lương cơ sở tại thời điểm nhận công tác.
Trường hợp đơn vị công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì được hưởng các chính sách, chế độ quy định tại Nghị định số 76 năm 2019. Các chế độ quy định vừa nêu trong thời gian công tác ở cơ sở do cơ quan, tổ chức, đơn vị cử đi chi trả.
Sau khi cán bộ, công chức, viên chức hoàn thành tốt nhiệm vụ ở cơ sở, được tiếp nhận trở lại cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi cử đi hoặc được cơ quan có thẩm quyền bố trí công tác phù hợp; đồng thời, được nâng lương vượt 1 bậc. Được cơ quan, đơn vị sử dụng đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên thì được Bộ, ban, ngành và tỉnh xem xét khen thưởng theo quy định của Luật Thi đua, khen thưởng.
Nhu cầu kinh phí thực hiện chính sách, chế độ là 130.000 tỉ đồng, bao gồm: 111.000 tỉ đồng kinh phí chi trả chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức; 4.000 tỉ đồng kinh phí chi trả chính sách, chế độ đối với người lao động; 9.000 tỉ đồng kinh phí chi trả chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức cấp xã; 4.000 tỉ đồng kinh phí đóng bảo hiểm xã hội và 2.000 tỉ đồng kinh phí đào tạo, bồi dưỡng.