Thổ Nhĩ Kỳ chỉ trích kế hoạch tăng gấp đôi dân số tại Cao nguyên Golan của Israel
Thổ Nhĩ Kỳ đã chỉ trích kế hoạch của Israel nhằm tăng gấp đôi dân số sống tại Cao nguyên Golan, khu vực bị chiếm đóng ở rìa phía Tây Nam Syria, là một nỗ lực nhằm 'mở rộng biên giới'.
Theo trang The Guardian (Anh), cáo buộc ccủa Thổ Nhĩ Kỳ được đưa ra trong bối cảnh cộng đồng quốc tế ngày càng lo ngại về các hành động của Israel tại Syria kể từ khi Chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad sụp đổ.
Cao nguyên Golan là vùng đất rộng khoảng 1.800km2, giáp với Syria, Israel, Jordan và Liban. Đây là một phần của Syria kể từ năm 1944, khi quốc gia Trung Đông này được công nhận là nước cộng hòa độc lập. Israel đã chiếm được khoảng 2/3 diện tích Cao nguyên Golan từ Syria trong cuộc Chiến tranh sáu ngày năm 1967. Tuần trước, Tel Aviv đã đưa quân đội và xe bọc thép vào một vùng đệm, được gọi là khu phi quân sự bên ngoài vùng đất mà họ đã chiếm đóng.
Israel tuyên bố các vị trí mới mà lực lượng nước này đã chiếm đóng tại Syria chỉ là “biện pháp tạm thời”. Song những tuyên bố gần đây dường như đã làm suy yếu lời khẳng định đó.
Tuần trước, Israel đã cho rằng quân đội nước này vẫn sẽ hiện diện tại các vị trí mới trong suốt mùa Đông. Trước đó, hôm 14/12, Thủ tướng Benjamin Netanyahu tuyên bố ông đã phê duyệt kế hoạch tăng gấp đôi số khu định cư của Israel tại Cao nguyên Golan bị chiếm đóng.
“Việc củng cố Cao nguyên Golan chính là củng cố nhà nước Israel. Chúng tôi sẽ tiếp tục giữ vững, khiến khu vực này phát triển và ổn định”, ông Netanyahu nhấn mạnh.
Trong tuyên bố chỉ trích động thái này, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng: “Quyết định này là giai đoạn mới trong mục tiêu mở rộng biên giới của Israel thông qua hành động chiếm đóng. Động thái này của Israel là gốc rễ của mối quan ngại sâu sắc, cùng với việc tiến vào khu vực bị chia cắt, vi phạm thỏa thuận rút quân năm 1974, tiến vào các khu vực lân cận và tiến hành các cuộc không kích ở Syria”.
Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ nói thêm rằng động thái này sẽ “làm suy yếu nghiêm trọng” những nỗ lực mang lại sự ổn định cho Syria sau sự sụp đổ của Chính quyền Tổng thống Assad.
Israel đã đơn phương tuyên bố sáp nhập Cao nguyên Golan vào năm 1981. Hầu hết các quốc gia không công nhận chủ quyền của Israel đối với vùng lãnh thổ này, ngoại trừ Chính quyền của cựu Tổng thống Donald Trump đã công nhận việc sáp nhập vào năm 2019. Hiện tại, vùng đất bị chiếm đóng này có khoảng 50.000 người sinh sống, một nửa trong số đó là người Do Thái và một nửa là người Druze Syria, nhóm thiểu số dân tộc tôn giáo nói tiếng Arab.
Lệnh ngừng bắn năm 1974 - chấm dứt cuộc chiến Yom Kippur năm 1973 - đã thiết lập vùng đệm do Liên hợp quốc tuần tra giữa Israel và Syria để tách biệt các lực lượng. Ông Netanyahu tuyên bố thỏa thuận này đã sụp đổ sau khi chính quyền Tổng thống Assad bị lật đổ.
Video Quân đội Israel hoạt động tại vùng đệm giữa Syria và Cao nguyên Golan bị chiếm đóng (Nguồn Reuters):
Kế hoạch của Israel nhằm tăng gấp đôi dân số của Cao nguyên Golan bị chiếm đóng cũng đã bị Đức, một trong những đồng minh thân cận nhất của Israel tại châu Âu, lên án hôm 16/12. Berlin kêu gọi Tel Aviv từ bỏ kế hoạch này.
Ông Christian Wagner, phát ngôn viên của Bộ ngoại giao Đức, cho biết “theo luật pháp quốc tế, hoàn toàn rõ ràng rằng khu vực do Israel kiểm soát này thuộc về Syria. Và do đó, Israel là một thế lực chiếm đóng”.
Khi lực lượng đối lập lật đổ chính quyền Tổng thống Assad vào tuần trước, ông Netanyahu đã ra lệnh cho quân đội chiếm giữ khu phi quân sự trên Cao nguyên Golan. Israel cũng đã tiến hành hàng trăm cuộc tấn công vào Syria nhằm vào các địa điểm quân sự chiến lược và vũ khí, bao gồm cả vũ khí hóa học.
Ông Wagner cho biết: “Hoàn toàn quan trọng vào lúc này, trong giai đoạn biến động chính trị ở Syria, tất cả các bên trong khu vực phải tính đến toàn vẹn lãnh thổ của Syria và không được đặt câu hỏi về vấn đề này”.
Phát biểu tại một cuộc họp báo thường kỳ, phát ngôn viên của Bộ ngoại giao Đức nói thêm rằng tình hình hiện rất phức tạp và Israel có lợi ích trong việc đảm bảo rằng vũ khí của chế độ của Tổng thống Assad không rơi vào tay kẻ xấu.
Ông nhấn mạnh Đức đang kêu gọi tất cả các bên trong khu vực kiềm chế. Ông cũng cho hay chiến tranh tàn phá đã khiến “Syria trở thành trò chơi của các thế lực nước ngoài trong thời gian quá dài”.
Ai Cập cũng bày tỏ phản đối hoàn toàn quyết định mở rộng các khu định cư của Chính phủ Israel ở Cao nguyên Golan bị chiếm đóng, coi động thái này là hành vi vi phạm trắng trợn chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Syria.
Chính phủ Saudi Arabia cho rằng kế hoạch của Israel nhằm phá hoại nỗ lực kiến tạo hòa bình và ổn định tại Syria.
Trong khi đó, Các tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE) cảnh báo hành động của Israel có thể làm gia tăng căng thẳng khu vực, kiên quyết phản đối bất kỳ biện pháp nào thay đổi hiện trạng pháp lý của Cao nguyên Golan. Quốc gia này đồng thời nhấn mạnh việc mở rộng khu định cư là mối đe dọa trực tiếp đến chủ quyền và an ninh của Syria.
Qatar đánh giá hành động của Israel là vi phạm luật pháp quốc tế. Quốc gia này kêu gọi cộng đồng quốc tế có hành động can thiệp và tái khẳng định sự ủng hộ đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Syria.
Về phần mình, Thủ tướng Iraq Mohammed Shia' al-Sudani đã tái khẳng định sự ủng hộ của nước này đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Syria, nhấn mạnh nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của nước láng giềng và bày tỏ sẵn sàng hỗ trợ người dân Syria vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Tuyên bố của Thổ Nhĩ Kỳ được đưa ra trong bối cảnh Israel đang tiếp tục tấn công các cơ sở quân sự của chế độ cũ ở Syria. Tổ chức giám sát nhân quyền Syria (SOHR) có trụ sở tại Anh cho biết Israel đã tấn công các kho tên lửa và các địa điểm cũ của quân đội Syria dọc bờ biển nước này trong “cuộc tấn công dữ dội nhất ở khu vực bờ biển kể từ khi Tel Avv bắt đầu các cuộc không kích từ năm 2012”.