Thiếu nguyên liệu cho sản xuất làng nghề

Trong thời gian vừa qua, Thủ đô Hà Nội đã có nhiều giải pháp để thúc đẩy phát triển làng nghề và đã có nhiều mô hình, cách làm hay, mang lại hiệu quả từ xuất khẩu. Tuy nhiên, đằng sau sự thành công trong xuất khẩu các sản phẩm làng nghề là câu chuyện sản xuất còn nhiều bấp bênh, nếu không có giải pháp căn cơ thì nguy cơ mai một ngành nghề truyền thống sẽ hiện hữu.

Dâu tằm tơ là một trong những nhóm nghề truyền thống có vị trí đặc biệt. Với lịch sử lâu đời, nghề dệt lụa còn góp phần định vị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Nghề dệt lụa tơ tằm

Đã có lúc, trồng dâu nuôi tằm chỉ đứng sau trồng lúa. Thế nhưng ngành nghề này đã trầm lắng suốt thời gian dài. Và đến nay, những làng nghề dệt lụa đang phải đối mặt với việc thiếu đất trồng dâu. Câu chuyện ở làng nghề dệt Phùng Xá, Mỹ Đức, Hà Nội là một ví dụ.

Nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận - Giám đốc Công ty TNHH Dâu tằm tơ Mỹ Đức cho biết: "Chưa ai nghĩ đến việc định hướng cho việc phát triển vùng nguyên liệu trồng dâu ở đâu trong lúc này ở Mỹ Đức chúng tôi. Tôi đi tìm nhiều làng nghề, chưa có những khuyến khích cụ thể về địa điểm nuôi trồng vùng nguyên liệu. Cây dâu đòi hỏi môi trường rất nghiêm ngặt nhưng hiện nay để có đám đất trồng dâu rất khó".

Trong khi đó, nhóm nghề gốm sứ cũng đối mặt với thực trạng nguồn nguyên liệu từ đất dần cạn kiệt.

Nghề làm gốm

Ông Hạ Bá Định - Nghệ nhân Làng gốm Chu Đậu, tỉnh Hải Dương chia sẻ: "Ở Hải Dương thì tốt nhất vẫn là đất Trúc Thôn. Đất Trúc Thôn trắng nhất nhưng hiện nay đất Trúc Thôn đang ít nhất và dần mất đi. Những vùng đất trắng của Trúc Thôn, đất đẹp của La Phù không tồn tại mãi và dần dần sẽ phải hết. Những người làm gốm cứ trông vào đó là không được mà phải tìm ra những chỗ khác".

Nếu như các nghệ nhân gốm đau đáu với nguồn đất trắng có hàm lượng nhôm cao đang dần ít đi thì những người trồng dâu nuôi tằm còn có thể trông chờ vào công tác quy hoạch phát triển.

Ông Tạ Văn Tường - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết: "Hà Nội đang đánh giá phân tích tất cả các nghề, danh mục các nghề, cái nào cần khuyến khích phát triển, cái nào hạn chế đều phải có những giải pháp, sẽ quy hoạch ra một khu để giải quyết".

Làm gốm hay dệt lụa chỉ là một ví dụ điển hình trong câu chuyện thiếu nguyên liệu để ổn định sản xuất. Còn nhiều nhóm ngành nghề truyền thống như đan lát cũng bấp bênh không kém vì nguyên liệu không ổn định và nhiều loại có nguy cơ mai một.

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/thieu-nguyen-lieu-cho-san-xuat-lang-nghe-209316.htm