Thị trường bất động sản: Cơ hội mới từ dòng vốn xanh

Trong định hướng phát triển một nền kinh tế xanh mà Việt Nam đang theo đuổi, lĩnh vực bất động sản ghi nhận những bước chuyển tích cực theo xu hướng này.

Với bất động sản, tín dụng xanh là câu chuyện của những bước đi đầu tiên.

Với bất động sản, tín dụng xanh là câu chuyện của những bước đi đầu tiên.

Nguồn lực lớn hỗ trợ tăng trưởng

Đầu tiên, phải nói đến cam kết Net Zero của Việt Nam vào năm 2050. Hành động này đã khiến việc thực thi phát triển xanh trở thành một sứ mệnh phải làm, với nhiều doanh nghiệp, thuộc nhiều lĩnh vực ngành nghề. Bất động sản - xây dựng vốn là ngành có mức độ phát thải carbon lớn, nên đòi hỏi chuyển mình ở lĩnh vực này là rất lớn.

PGS-TS. Trần Đình Thiên - thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh rằng, thực thi các cam kết phát triển xanh đã trở thành sứ mệnh phải thực hiện, chứ không phải sự lựa chọn “nâu” hay “xanh” như giai đoạn trước. Đây cũng là cách làm duy nhất, là cuộc đua tranh của cả nhân loại mà Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc.

Theo ông Thiên, việc thay đổi một mô thức phát triển đòi hỏi nguồn lực lớn, trong đó nguồn lực chuyển đổi là tốn kém nhất và Việt Nam có thể phải cần từ 200-300 tỷ USD cho việc này.

Bởi vậy, đã đến lúc Việt Nam phải tính đến các giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng xanh thông qua các hoạt động đầu tư công, đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP), các công cụ tài chính như trái phiếu xanh, tín dụng xanh…

Trên thực tế, tín dụng xanh ngày càng nhận được sự quan tâm của nhiều bên, bao gồm cả doanh nghiệp và ngân hàng.

Thậm chí, những năm gần đây, tín dụng xanh trở thành lựa chọn chiến lược của nhiều ngân hàng khi cấp vốn cho các dự án bất động sản. Đây không chỉ là dòng tiền ưu đãi, mà còn thể hiện cam kết mạnh mẽ của các tổ chức tài chính trong việc thúc đẩy phát triển bền vững.

Vừa qua, thương vụ HSBC cùng 3 ngân hàng quốc tế cung cấp khoản vay hợp vốn trị giá 3.750 tỷ đồng cho dự án Eaton Park của Gamuda Land đã thu hút sự chú ý lớn từ thị trường. Khoản vay này đã minh chứng cho xu hướng tài chính xanh đang lan tỏa mạnh mẽ.

Bà Lâm Thúy Nga - Giám đốc Toàn quốc Khối Khách hàng lớn, HSBC Việt Nam cho hay, nguồn lực cho tăng trưởng xanh là vô cùng quan trọng nên HSBC đặt mục tiêu thu xếp 12 tỷ USD cho các dự án phát triển xanh của Việt Nam. Giải pháp đưa ra là phối hợp cùng các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước để xây dựng chương trình hành động, đúc rút bài học kinh nghiệm.

Không chỉ với Gamuda Land, thời gian qua, HSBC đã thu xếp được khoảng 2 tỷ USD cho các dự án trong nước, tập trung vào nội dung đồng hành cùng khách hàng trong quá trình chuyển đổi xanh, trong đó có phần chuyển đổi công nghệ, xây dựng khung chính sách.

Đơn cử, HSBC hỗ trợ Vingroup hoàn thiện khung tài trợ xanh, phát hành gói trái phiếu chuyển đổi xanh đầu tiên trên thế giới (giá trị trên 400 triệu USD), tài trợ cho các dự án điện mặt trời áp mái của Công ty cổ phần Cơ điện lạnh (REE)…

Tương tự, đầu tháng 5/2025, VPBank đã thực hiện thành công thương vụ vay hợp vốn quốc tế với giá trị ban đầu 1 tỷ USD, có kèm tùy chọn mở rộng giá trị khoản vay tùy thuộc theo nhu cầu sử dụng vốn của Ngân hàng.

Khoản vay này được thu xếp, bảo lãnh phát hành, dựng sổ và đồng cho vay bởi các định chế tài chính lớn và có danh tiếng trên thị trường quốc tế bao gồm Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC), Standard Chartered Bank, MUFG, ANZ, Cathay, Commerzbank AG, CTBC Bank và Mashreq Bank, State Bank of India.

Đến nay, đây được ghi nhận là khoản vay hợp vốn nước ngoài lớn nhất từ trước tới nay về mặt quy mô. Quan trọng hơn, đây là một khoản vay quốc tế lớn nhất hỗ trợ cho mục tiêu thúc đẩy tài chính bền vững mà một ngân hàng Việt Nam từng triển khai.

Cơ hội chuyển đổi xanh

Tín dụng xanh trong một số lĩnh vực đã dần trở nên phổ biến, nhưng với bất động sản vẫn là câu chuyện của những bước đi đầu tiên.

Thương vụ HSBC cùng 3 ngân hàng quốc tế khác cung cấp khoản vay xanh cho Gamuda Land có thể là “cú nổ” mang tính hiệu ứng để các chủ đầu tư dự án khác đi theo con đường xanh này. Vấn đề đặt ra hiện tại, đó là tiếp cận dòng tín dụng xanh liệu có dễ, trong bối cảnh số lượng dự án bất động sản đạt các tiêu chuẩn về xanh, về phát triển bền vững chưa nhiều.

Theo Ngân hàng Nhà nước, có 50 tổ chức tín dụng đã phát sinh dư nợ tín dụng xanh. Đến cuối năm 2024, dư nợ tín dụng được đánh giá về các rủi ro môi trường đã tăng lên khoảng 3,2 triệu tỷ đồng trong tổng dư nợ toàn hệ thống là 15 triệu tỷ đồng.

Theo chia sẻ của đại diện nhiều ngân hàng - nơi khởi nguồn cho tín dụng xanh, để có thể tiếp cận dòng vốn này, các dự án bất động sản sẽ phải thỏa mãn nhiều điều kiện quan trọng: Đạt chứng nhận công trình xanh theo tiêu chuẩn quốc tế; tuân thủ Nguyên tắc khoản vay xanh quốc tế; chủ đầu tư có năng lực tài chính và chiến lược ESG (Môi trường - Xã hội - Quản trị doanh nghiệp) rõ ràng; báo cáo định kỳ và khả năng đo lường tác động môi trường.

Lấy ví dụ với dự án Eaton Park, đây không chỉ là một công trình quy mô lớn với hơn 2.000 căn hộ và 100 tiện ích hiện đại, mà còn đạt chứng nhận EDGE (Excellence in Design for Greater Efficiencies) từ Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC), đòi hỏi tiết kiệm tối thiểu 20% năng lượng, nước và vật liệu xây dựng.

Dự án này đồng thời tuân thủ Nguyên tắc khoản vay xanh quốc tế (Green Loan Principles) - phản ánh cam kết mạnh mẽ của Gamuda Land trong việc tích hợp yếu tố bền vững vào chiến lược phát triển bất động sản.

Thương vụ tín dụng xanh với Eaton Park không phải là một sự “tiếp xúc” tình cờ, mà đó là sự hiện thực hóa chiến lược phát triển xanh rõ ràng mà Gamuda Land đã theo đuổi từ lâu. Đại diện nhà phát triển dự án này từng chia sẻ rằng, ở lĩnh vực bất động sản, Gamuda Land chọn cho mình chiến lược đặc biệt là cải tạo và biến những khu vực kém phát triển như “rốn nước thải” Yên Sở (Hà Nội) thành khu đô thị xanh, văn minh, hiện đại.

Với Gamuda Land, giá trị cốt lõi để đạt được thành công gắn liền với việc bảo tồn thiên nhiên. Trong các dự án tại Hà Nội và TP.HCM, Gamuda Land áp dụng nhiều phương pháp tiên tiến nhằm bảo tồn thiên nhiên như trồng cây trong vườn ươm, xây dựng nhà máy xử lý nước thải theo tiêu chuẩn quốc tế, lắp đặt bảng năng lượng mặt trời, hệ thống lọc nước mưa để sử dụng tưới tiêu cho khu vực cây trồng…

Việt Nam đang trong chặng đầu chuyển đổi xanh nền kinh tế. Thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư (nay là Bộ Tài chính) cho hay, để đạt được mục tiêu Net Zero, trong giai đoạn 2021-2050, Việt Nam cần huy động thêm 140 tỷ USD ngoài ngân sách nhà nước, tương đương 2,2% GDP. Trong đó, tài chính xanh là một trong những lời giải, tín dụng xanh là một chìa khóa.

Tại Việt Nam, tín dụng xanh đang cho thấy nhiều tín hiệu tích cực với tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2017-2022 ước đạt khoảng 23%/năm, cao hơn cả tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế.

Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước, có 50 tổ chức tín dụng đã phát sinh dư nợ tín dụng xanh. Đến cuối năm 2024, dư nợ tín dụng được đánh giá về các rủi ro môi trường đã tăng lên khoảng 3,2 triệu tỷ đồng trong tổng dư nợ toàn hệ thống là 15 triệu tỷ đồng.

Một điểm tích cực nữa là theo quan điểm của nhiều ngân hàng lớn đang thu xếp tín dụng xanh, việc tiếp cận nguồn vốn ưu đãi không còn là đặc quyền của các tập đoàn lớn nếu doanh nghiệp thể hiện được cam kết phát triển bền vững rõ ràng, chiến lược ESG thực chất và hệ thống quản lý minh bạch. Như vậy, chuyển đổi xanh, tín dụng xanh đang là cuộc chơi dành cho toàn thị trường, miễn là các doanh nghiệp có nhiệt huyết, quyết tâm, từ cam kết đến thực thi để phát triển bền vững, việc tiếp cận dòng vốn xanh sẽ không còn là điều quá xa vời.

Bình Minh

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/thi-truong-bat-dong-san-co-hoi-moi-tu-dong-von-xanh-post369465.html