Thi tốt nghiệp THPT: Đổi bàn ghế phù hợp kích cỡ thí sinh, ứng trực điểm nguy cơ sạt lở

Thời tiết tại một số nơi ở khu vực Miền Bắc trong những ngày thi dự báo có mưa nên tỉnh Hòa Bình cử lực lượng, phương tiện túc trực tại những điểm có nguy cơ ngập nước, sạt lở để hỗ trợ thí sinh.

Ứng trực điểm có nguy cơ ngập

Trao đổi với PV ngay trước Kỳ thi, bà Đinh Thị Hường, Phó Giám đốc Phụ trách Sở GD&ĐT Hòa Bình cho biết 38 điểm thi đã sẵn sàng tổ chức cho gần 10.000 thí sinh.

Những ngày sát kỳ thi, thời tiết có mưa nên có thể triển khai phương án đề phòng mưa lũ, đường sạt lở. Theo đó, việc vận chuyển đề thi cũng được tính toán bằng nhiều phương thức khác nhau, với sự hỗ trợ của lực lực lượng công an đảm bảo an ninh, an toàn.

Sở Giao thông đi khảo sát, đánh giá cho thấy, một số điểm thi có nguy cơ bị sạt lở hay một số cung đường thí sinh phải đi qua suối, ngầm mưa to nước dâng cao đều đã bố trí lực lượng, phương tiện túc trực nhằm hỗ trợ thí sinh đi qua.

Hòa Bình bố trí lực lượng, phương tiện túc trực ở những điểm có nguy cơ ngập nước, sạt lở nhằm hỗ trợ thí sinh đi qua.

Hòa Bình bố trí lực lượng, phương tiện túc trực ở những điểm có nguy cơ ngập nước, sạt lở nhằm hỗ trợ thí sinh đi qua.

"Trước đó, Sở GD&ĐT cũng yêu cầu các nhà trường khuyến cáo phụ huynh, những em có nhà ở xa điểm thi có thể di chuyển về ở nhà người quen, nhà trọ gần điểm thi trong những ngày thi. Các trường nội trú, chủ nhà trọ gần điểm thi cũng được huy động hỗ trợ thí sinh ở xa”, bà Hường nói.

"Công tác chuẩn bị cho kỳ thi được Ban chỉ đạo cập nhật từng giờ, từng ngày, giao trách nhiệm rõ nét cho từng thành viên, có phương án cụ thể đến từng điểm thi nhưng do địa phương có địa hình đồi núi nên vẫn vô cùng lo lắng, sốt ruột khi thời tiết có mưa", bà Đinh Thị Hường, Phó Giám đốc Phụ trách Sở GD&ĐT Hòa Bình.

Dự phòng tình huống bất ngờ

Ông Nguyễn Ngọc Trung, Trưởng phòng Quản lí thi và Kiểm định chất lượng (Sở GD&ĐT tỉnh Bà Rịa – Vũng tàu) nói rằng địa phương có một điểm thi cách xa đất liền bố trí tại huyện Côn Đảo với 94 thí sinh dự thi.

Trước đó, địa phương đã tính toán kỹ lưỡng công tác tổ chức, giao nhận đề thi đồng thời đưa cán bộ, giáo viên ra đảo làm công tác thi. Tất cả quy trình được thực hiện dưới sự giám sát, bảo vệ nghiêm ngặt của lực lượng an ninh.

Ngoài ra, kỳ thi năm nay có 1 thí sinh bị gãy tay phải, buộc phải dự thi ở phòng riêng. Sở GD&ĐT đang báo cáo Bộ GD&ĐT phương án bố trí một giáo viên bộ môn Thể dục vào phòng thi hỗ trợ thí sinh ghi chép bài dưới sự giám sát của cán bộ coi thi. Vấn đề địa phương lo lắng nhất là thí sinh sử dụng thiết bị công nghệ để gian lận thi nên ngoài tuyên truyền, trước ngày thi, tất cả cổng điểm thi được dán thông báo đề nghị thí sinh không mang điện thoại, thiết bị công nghệ vào phòng thi.

“Đến thời điểm này công tác chuẩn bị đã sẵn sàng. Dù nhiều năm qua, địa phương không có mưa, lũ nhưng để dự phòng tình huống bất ngờ, mỗi huyện có một điểm thi dự phòng. Ban chỉ đạo thi đã đi kiểm tra cơ sở vật chất một lần nữa”, theo ông Trung.

Hà Nội chuyển bàn ghế phù hợp kích cỡ

Tại Hà Nội địa phương có 196 điểm thi, số lượng lớn nhất toàn quốc, ngay sát ngày thi, Sở GD&ĐT triệu tập toàn bộ các trưởng điểm thi để tập huấn, quán triệt lại một lần nữa về việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ trong kỳ thi.

Mỗi phòng thi được yêu cầu bố trí đủ bàn ghế cho 24 thí sinh với kích cỡ phù hợp, đảm bảo khoảng cách tối thiểu giữa hai thí sinh ngồi cạnh nhau là 1,2m theo hàng ngang.

Mỗi phòng thi được yêu cầu bố trí đủ bàn ghế cho 24 thí sinh với kích cỡ phù hợp, đảm bảo khoảng cách tối thiểu giữa hai thí sinh ngồi cạnh nhau là 1,2m.

Mỗi phòng thi được yêu cầu bố trí đủ bàn ghế cho 24 thí sinh với kích cỡ phù hợp, đảm bảo khoảng cách tối thiểu giữa hai thí sinh ngồi cạnh nhau là 1,2m.

Phòng thi đảm bảo ánh sáng, thông thoáng và cửa sổ gần nhà dân, gần đường giao thông phải đóng kín trong suốt thời gian tổ chức kỳ thi, tránh đề bị lộ lọt ra ngoài. Những thí sinh không dự đủ các môn trong bài thi tổ hợp chuẩn bị phòng chờ để các em lưu lại trong suốt thời gian chờ làm môn thi tiếp theo.

Tại buổi tập huấn công tác thi ngay sát kỳ thi, đại diện điểm thi Trường THCS Ngọc Lâm, quận Long Biên Hà Nội cho biết, khi kiểm tra cơ sở vật chất đã phát hiện nhiều phòng học của học sinh THCS không đúng kích cỡ nên đã báo cáo Ban chỉ đạo “xin” phương án điều chuyển bàn từ các trường học khác đến thay thế nhằm bố trí đảm bảo đúng khoảng cách cũng như thí sinh cảm thấy thoải mái khi làm bài thi.

Việc này cũng được bà Phạm Thị Lệ Hằng, Trưởng phòng GD&ĐT quận Hà Đông chia sẻ, vấn đề thi ở trường THCS có kích thước bàn ghế không đáp ứng cũng được quận xử lý bằng cách huy động bàn ghế từ các trường lân cận đến điểm thi, đảm bảo chỗ ngồi thuận tiện nhất cho thí sinh.

Ông Phạm Quốc Toản, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu các điểm thi lưu ý rà soát các yếu tố có thể làm ảnh hưởng sức khỏe học sinh như: mưa gió cây xanh có thể gãy đổ; hệ thống quạt có bung đinh, dây điện… để có phương án khắc phục kịp thời.

Hà Linh

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/thi-tot-nghiep-thpt-doi-ban-ghe-phu-hop-kich-co-thi-sinh-ung-truc-diem-nguy-co-sat-lo-post1649459.tpo