Thể hiện rõ các chính sách về phân cấp, phân quyền tạo đột phá phát triển Thành phố Hải Phòng

Tại Phiên họp thứ 44, cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 35/2021/QH15 ngày 13/11/2021 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, các chính sách về phân cấp, phân quyền cần thể hiện rõ và mạnh mẽ hơn nữa trong dự thảo Nghị quyết.

Toàn cảnh Phiên họp

Toàn cảnh Phiên họp

Góp ý hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra chuẩn bị Tờ trình và Báo cáo thẩm tra chi tiết, khẩn trương, kỹ lưỡng. Dự thảo Nghị quyết có đầy đủ cơ sở để trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 9.

Các ý kiến cơ bản nhất trí với nội dung dự thảo nghị quyết được xây dựng trên cơ sở kế thừa các cơ chế, chính sách đã được Quốc hội cho phép tại Nghị quyết số 35 năm 2021 về thí điểm một số cơ chế chính sách phát triển thành phố Hải Phòng; đồng thời bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù mang tính vượt trội, đột phá có tính lan tỏa nhằm tạo động lực tăng trưởng mới, phát huy hết vai trò, vị thế, tiềm năng, lợi thế tạo đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Hải Phòng. Các ý kiến cơ bản nhất trí với 6 nhóm chính sách lớn, 41 chính sách cụ thể được quy định trong dự thảo nghị quyết.

Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Dân nguyện và Giám sát phát biểu

Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Dân nguyện và Giám sát phát biểu

Thể hiện rõ các chính sách về phân cấp, phân quyền tạo đột phá phát triển thành phố Hải Phòng

Phát biểu tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị và đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm là “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”, Trung ương, Quốc hội, Chính phủ kiến tạo và giám sát. Trên tinh thần đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các chính sách về phân cấp, phân quyền cần thể hiện rõ và mạnh mẽ hơn nữa trong dự thảo nghị quyết.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu

Về đề xuất cho phép thành phố Hải Phòng chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa quy mô trên 500 ha, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng nên xem xét, nghiên cứu thêm về quy mô lớn hơn, đặc biệt là sau khi tỉnh Hải Dương sáp nhập với thành phố Hải Phòng. Cùng với đó, cần có chế tài chính, ngân sách ưu đãi hơn; cho phép phát hành trái phiếu đặc thù như trái phiếu xanh, trái phiếu hạ tầng với lãi suất ưu đãi.

Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh đến các chính sách khoa học công nghệ cần đáp ứng yêu cầu ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI, cải cách thủ tục hành chính, tinh gọn bộ máy, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, thí điểm các dự án kinh tế xanh, hoặc sử dụng năng lượng tái tạo trong các khu công nghiệp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu

Quan tâm đến chính sách tương tự áp dụng tại các địa phương khác, trong đó có chính sách liên quan đến logistic, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng nên vận dụng kinh nghiệm khi xây dựng nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng để đảm bảo tính hợp hiến.

Cơ bản đồng tình với chính sách chưa được áp dụng tại địa phương khác và chính sách đặc thù, nổi trội cho Khu thương mại tự do thế hệ mới, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị không sử dụng từ “thế hệ mới”. Bởi mới hay cũ là do nội dung bên trong; hơn nữa các văn bản chính trị, văn bản pháp lý đều dùng “khu thương mại tự do”.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, đã tiến hành thí điểm cần có thời hạn rõ ràng, do đó, cần rà soát trong dự thảo nghị quyết, chính sách nào chưa rõ thời gian thí điểm cần bổ sung cụ thể; Đồng thời, các chính sách ưu đãi cũng cần nêu mức tối thiểu và mức tối đa, “phải có van, có khóa”; hoặc nêu rõ hạn mức của cơ quan có thẩm quyền đã quy hoạch, phân bổ.

Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh phát biểu

Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh phát biểu

Một số ý kiến cũng lưu ý rà soát các chính sách về an ninh tài chính quốc gia và cân đối ngân sách nhà nước cần được đảm bảo; cùng với đó, lược bỏ những chính sách đã được đề cập trong các dự thảo luật chuẩn bị trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9 tới.

Các ý kiến cũng đề nghị Chính phủ có văn bản xin ý kiến Bộ Chính trị về việc mở rộng phạm vi áp dụng địa giới đối với tỉnh, thành phố sau sáp nhập (TP. Hồ Chí Minh, thành phố Cần Thơ, thành phố Đà Nẵng, thành phố Hải Phòng); cho phép điều chỉnh nội dung phù hợp với địa giới mới và yêu cầu phát triển mới.

Về chính sách miễn thị thực và cấp thẻ tạm trú 10 năm cho người nước ngoài là chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt, nhà quản lý, lao động có trình độ cao làm việc tại các doanh nghiệp có trụ sở chính trong Khu thương mại tự do Hải Phòng, đại biểu đề nghị quy định cụ thể hơn về tiêu chí đánh giá thế nào là chuyên gia, thế nào là người có tài năng đặc biệt để hạn chế lạm dụng khi áp dụng chính sách.

Các đại biểu cũng thống nhất với thời điểm thông qua theo như Tờ trình: Thông qua tại Kỳ họp thứ 9 và áp dụng đối với thành phố Hải Phòng sau sáp nhập.

Rà soát, đánh giá tác động đầy đủ, đặc biệt là các chính sách mới

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, qua thảo luận Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành sự cần thiết và thống nhất trình Quốc hội hồ sơ dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết số 35/2021/QH15 ngày 13/11/2021 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng; đề nghị Chính phủ tiếp thu, nghiên cứu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và của các cơ quan thẩm tra, hoàn thiện hồ sơ dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu kết luận

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu kết luận

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị tiếp tục thể chế hóa đầy đủ các chủ trương của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết số 45, Kết luận số 96 của Bộ Chính trị để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, đảm bảo có cơ chế, chính sách đặc thù phát triển vượt trội, đột phát, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tạo động lực phát triển thành phố Hải Phòng, góp phần vào việc phát triển chung của đất nước. Đồng thời, khắc phục những hạn chế, vướng mắc khi thực hiện Nghị quyết số 35 của Quốc hội; không đưa vào Nghị quyết những chính sách thuộc thẩm quyền của Chính phủ, không thuộc thẩm quyền của Quốc hội, các chính sách đã và sẽ có trong các luật khác; đặc biệt, rà soát các chính sách đảm bảo phù hợp với Hiến pháp.

Rà soát các quy định đảm bảo thực hiện nghiêm các quy định hiện hành, không để xảy ra lợi ích nhóm, thất thoát, lãng phí, tiêu cực. Đối với các chính sách thực sự cần thiết, những vấn đề lớn, vấn đề mới liên quan đến các vấn đề chung của quốc gia, cần xin ý kiến cấp có thẩm quyền trước khi trình Quốc hội, như phạm vi áp dụng liên quan đến mở rộng địa giới hành chính, sử dụng đất đối với khu thương mại tự do, chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng…

Đại biểu tham gia Phiên họp

Đại biểu tham gia Phiên họp

Về phạm vi áp dụng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, thực hiện chủ trương của Đảng, thời gian tới thành phố Hải Phòng sẽ thay đổi, mở rộng địa giới hành chính, do đó để đảm bảo tính khả thi, toàn diện và ổn định của nghị quyết, cần nghiên cứu để bao quát địa giới hành chính mới sau khi sắp xếp để không chỉ phát huy tiềm năng, thế mạnh, đặc điểm địa lý kinh tế, văn hóa của thành phố Hải Phòng hiện nay, mà phải tính cho thành phố Hải Phòng sau khi mở rộng. Đồng thời, lưu ý đến những tác động của việc sắp xếp, tổ chức bộ máy, các kết luận, chỉ thị của Trung ương để rà soát các chính sách cho phù hợp, khả thi, đặc biệt là việc kết thúc hoạt động của cấp huyện, sắp xếp cấp xã.

Rà soát, đánh giá tác động đầy đủ, đặc biệt là các chính sách mới; từng chính sách cần có nguyên tắc, tiêu chí, điều kiện thực hiện, đảm bảo rõ ràng, minh bạch khi áp dụng; gắn trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan, đảm bảo hiệu quả tiết kiệm, chống lãng phí, đảm bảo lợi ích chính đáng của người dân, hài hòa lợi ích của Nhà nước và nhà đầu tư; đánh giá kỹ tác động chính sách trong điều kiện mở rộng địa giới hành chính. Đối với Khu thương mại tự do cần đánh giá thêm kết quả đầu ra, nghiên cứu thêm các quy định về cơ chế giám sát, trách nhiệm thực hiện.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cũng đề nghị đánh giá thêm ảnh hưởng của các chính sách, mức độ ảnh hưởng của ngân sách nhà nước, đặc biệt là ngân sách Trung ương, vì Hải Phòng là địa phương có tỷ lệ điều tiết ngân sách Trung ương, thuế xuất nhập khẩu tương đối lớn; làm rõ kết quả đầu ra của từng chính sách để đảm bảo an ninh tài chính quốc gia, phát huy vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương; đồng thời tạo dư địa cho phát triển thành phố Hải Phòng…

Một số hình ảnh tại Phiên họp:

Toàn cảnh Phiên họp

Toàn cảnh Phiên họp

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung thảo luận

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung thảo luận

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu

Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan phát biểu

Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan phát biểu

Thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp

Thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng phát biểu

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng phát biểu

Đại biểu tham gia Phiên họp

Đại biểu tham gia Phiên họp

Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc phát biểu

Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc phát biểu

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu kết luận

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu kết luận

Lan Anh - Lan Hương - Phạm Thắng

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=93557