Thể chế hóa chức năng của Bộ Công an trong công tác bảo vệ môi trường

Bộ Công an đánh giá rất cao việc sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường nhằm đưa ra những chính sách quy định theo hướng tạo cơ sở pháp lý vững chắc, đầy đủ, thể chế hóa những quan điểm đổi mới của Đảng, Nhà nước.

Ngày 12/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi). Phát biểu đóng góp vào dự thảo Luật, Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, Bộ Công an đánh giá rất cao việc sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường nhằm đưa ra những chính sách quy định theo hướng tạo cơ sở pháp lý vững chắc, đầy đủ, thể chế hóa những quan điểm đổi mới của Đảng, Nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội mạnh mẽ và bền vững, đáp ứng những yêu cầu quản lý nhà nước mới trong phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật về môi trường.

Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc phát biểu tại phiên họp

Đối với những nội dung liên quan đến công tác bảo vệ ANTT, giữ gìn TTATXH thuộc chức năng nhiệm vụ của Bộ Công an, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc cho biết, ngày 4/6/2020, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên môi trường đã chủ trì cùng với các cơ quan có liên quan họp và thống nhất trên một số các tinh thần.

Cụ thể, là đảm bảo Luật mới được ban hành đồng bộ nhất quán với các quy định của pháp luật có liên quan đã và đang phát huy hiệu quả trong thực tiễn; thúc đẩy sự phát triển nhưng cũng đồng thời có thể răn đe, phòng ngừa sai phạm và thiệt hại về môi trường, kiên định mục tiêu phát triển bền vững; các quy định mới tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, hiệu quả phục vụ công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật về môi trường, đảm bảo chủ động hiệu quả trong quan hệ phối hợp, đồng thời không làm hạn chế, gây khó khăn cho nhiệm vụ đảm bảo ANQG, giữ gìn TTATXH của CAND.

Về phạm vi điều chỉnh của Luật Bảo vệ môi trường có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của CAND trong đấu tranh phòng chống tội phạm, xử lý vi phạm về môi trường, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc cho biết, Bộ Công an và Bộ Tài nguyên và môi trường đã thống nhất xác định các hành vi liên quan đến tội phạm về môi trường được quy định tại Chương 19 của BLHS 2015. Như vậy, công tác này sẽ bảo đảm nguyên tắc này sẽ đảm bảo không trùng dẫm, chồng chéo giữa các cơ quan trong công tác quản lý nhà nước và thực thi pháp luật.

Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc nhấn mạnh, để đảm bảo sự đồng bộ cơ sở pháp lý và đồng bộ với thực tiễn, Bộ Công an đề nghị chỉnh lý các điều khoản trong Luật có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của lực lượng Công an. Cụ thể, khoản 13, điều 175 quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường của Bộ Công an. Đề nghị chỉnh lý thành Bộ trưởng Bộ Công an có trách nhiệm chỉ đạo tổ chức thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường trong hoạt động của lực lượng CAND, chỉ đạo hoạt động phòng chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật có liên quan đến tội phạm về môi trường, đảm bảo an ninh môi trường, an ninh quốc gia, TTATXH trong lĩnh vực môi trường.

Huy động lực lượng tham gia ứng phó, khắc phục sự cố môi trường theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, hai quy định tại điểm b, khoản 3, điều 167 quy định về trách nhiệm, quyền hạn của lực lượng Cảnh sát PCTP về môi trường và khoản 4 điều 167 quy định về phối hợp kiểm tra, thanh tra chuyên ngành về bảo vệ môi trường cũng cần chỉnh lý, sửa đổi.

“Bộ Công an xác định rất rõ, công cuộc bảo vệ môi trường còn phức tạp, phải đấu tranh quyết liệt và kiên trì. Chính vì vậy, chúng tôi thấy rất cần thể chế hóa chức năng nhiệm vụ của Bộ Công an trong Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi mới đáp ứng được tình hình hiện nay. Bảo đảm pháp luật không chồng chéo, không ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của cơ quan, tổ chức, cá nhân”. Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc nhấn mạnh.

Phương Thủy

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/the-che-hoa-chuc-nang-cua-bo-cong-an-trong-cong-tac-bao-ve-moi-truong-607012/