Thầy trò thỏa sức sáng tạo với câu lạc bộ ngoại ngữ

Thời gian qua, phong trào học tập, rèn luyện ngoại ngữ được triển khai rộng khắp, hiệu quả tại các trường học trong cả nước.

Ngoại ngữ là hành trang quan trọng cho học sinh, sinh viên trong quá trình học tập và hội nhập quốc tế.

Ngoại ngữ là hành trang quan trọng cho học sinh, sinh viên trong quá trình học tập và hội nhập quốc tế.

Điều này góp phần nâng cao kiến thức, kỹ năng, năng lực ngoại ngữ và hội nhập quốc tế cho học sinh, sinh viên.

Không còn “học chay”

Cô Trần Thị Diệp Anh - Tổ trưởng Ngoại ngữ, Trường THPT Cao Bá Quát (huyện Gia Lâm, Hà Nội) - cho biết: Nhờ đổi mới đồng bộ nên chất lượng giảng dạy môn Tiếng Anh của trường được nâng lên rõ rệt. Không còn học chay, phần lớn các tiết dạy đều được tích hợp với các phần mềm dạy ngoại ngữ như Quizlet, EDpuzzle, Voice Thread.

Nhiều thầy cô có khả năng sử dụng thành thạo các phần mềm tin học khác để tạo ra tiết học sôi nổi như Movie Maker; Story Jumper để tạo các câu chuyện sinh động. “Nhờ đầu tư cả thời gian và công sức cho chuyên môn mà học trò ngày càng yêu thích môn Tiếng Anh và khả năng nghe nói của các em cũng tiến bộ rõ rệt”, cô Diệp Anh cho hay.

Không chỉ chăm chút cho hoạt động chính khóa, theo cô Diệp Anh, các hoạt động ngoại khóa cũng được nhà trường chú trọng. Là câu lạc bộ đầu tiên được thành lập, câu lạc bộ tiếng Anh không chỉ thu hút đông đảo học trò tham gia, mà còn là điển hình để nhân rộng các câu lạc bộ khác.

Câu lạc bộ tiếng Anh của trường đã tổ chức nhiều buổi sinh hoạt ngoại khóa như Lễ hội Halloween, chào năm mới... Trong các buổi sinh hoạt này, học sinh được đóng kịch, hát, hùng biện, thuyết trình bằng tiếng Anh; tìm hiểu về văn hóa và biểu diễn trang phục của các quốc gia trên thế giới.

Một hoạt động ngoại khóa khác dành cho học sinh nhà trường là “Em tập làm hướng dẫn viên du lịch”. Tham gia hoạt động này, học sinh hướng dẫn giáo viên nước ngoài đến địa điểm du lịch nổi tiếng của Hà Nội, các tỉnh lân cận và làng nghề địa phương. Qua việc chơi mà học này, học sinh được học tích hợp cả kiến thức Lịch sử, Địa lý và rèn luyện 4 kỹ năng của môn Ngoại ngữ.

Còn tại Quảng Ngãi, Câu lạc bộ tiếng Anh của Trường Đại học Phạm Văn Đồng sinh hoạt mỗi tuần một lần dành cho sinh viên chuyên ngành tiếng Anh và mỗi tháng một lần dành cho sinh viên các ngành khác. Với nhiều hoạt động như trò chơi, thảo luận theo chủ đề, hát ca khúc tiếng Anh... không chỉ giúp sinh viên củng cố kiến thức, mà còn tạo không khí hào hứng, yêu thích môn học.

Em Trần Lê Thúy An - thành viên Câu lạc bộ tiếng Anh, Trường Đại học Phạm Văn Đồng - chia sẻ: Em có cơ hội gặp nhiều bạn bè, vừa củng cố kiến thức, vừa rèn luyện kỹ năng nói trước đám đông. Đây là sân chơi lành mạnh, bổ ích, giúp chúng em học hỏi, rèn luyện kỹ năng tiếng Anh, nâng cao khả năng giao lưu bằng tiếng Anh.

Cần nhân rộng các câu lạc bộ nhằm tạo môi trường rèn luyện tiếng Anh cho học sinh.

Cần nhân rộng các câu lạc bộ nhằm tạo môi trường rèn luyện tiếng Anh cho học sinh.

Tăng cường khả năng giao tiếp

Theo ông Phạm Xuân Tiến - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, giáo viên các cấp học đã chuyển từ dạy ngữ pháp thuần túy sang dạy tăng cường khả năng giao tiếp, phát huy tính tích cực của học sinh. Tại Hà Nội, 80% giáo viên đã đạt chuẩn năng lực tiếng Anh theo chuẩn chung châu Âu. Đa số giáo viên đều tích cực trau dồi kiến thức, tích cực dạy học tích hợp liên môn, tạo ra những giờ học sinh động.

Tại nhiều trường học, trong giờ ngoại ngữ, kiến thức tổng hợp môn học Địa lý, Lịch sử... được lồng ghép, giúp học sinh thêm hiểu biết về các quốc gia trên thế giới, có cơ hội giới thiệu về đất nước mình. Giờ học vì vậy đã thực tế hơn, kiến thức ngôn ngữ cũng được cập nhật giúp học sinh phát triển tốt kiến thức và kỹ năng.

Về phía học sinh, ở bộ môn Tiếng Anh, các em đã chủ động trong các giờ học trên lớp, hào hứng tham gia nhóm thảo luận, qua đó phát triển kỹ năng, hướng đến sử dụng tiếng Anh trong giao tiếp. Học sinh không còn ngại ngùng hay miễn cưỡng tham gia vào các buổi thảo luận sử dụng tiếng Anh như trước.

Bên cạnh đó, nhiều sân chơi tiếng Anh được tổ chức như các kỳ Olympic, festival của thành phố, cuộc thi hùng biện bằng tiếng Anh, IOE... đã giúp học sinh thực hành các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. Trong đó, kỹ năng nghe, nói của học sinh tiến bộ rõ rệt, giúp các em tự tin khi giao tiếp.

Anh Nguyễn Tường Lâm - Bí thư BCH Trung ương Đoàn - cho biết: Từ năm 2018, Trung ương Đoàn đã ban hành Đề án nâng cao năng lực tiếng Anh cho thanh, thiếu niên Việt Nam giai đoạn 2018 - 2022 nhằm góp phần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của tiếng Anh; thúc đẩy tinh thần và phong trào học tiếng Anh, tạo môi trường rèn luyện cho thanh, thiếu niên Việt Nam.

Trong hơn 4 năm triển khai, đề án đã thu được nhiều kết quả tích cực, với sự tham gia của hơn 10 triệu lượt thanh, thiếu niên. Đã có nhiều cuộc thi tiếng Anh và chương trình hỗ trợ nâng cao năng lực tiếng Anh được tổ chức. Không chỉ dừng lại ở sân chơi, cuộc thi, sau chương trình, các thí sinh, đại biểu đã tạo ra mạng lưới tiếp tục lan tỏa tinh thần học tập, rèn luyện tiếng Anh và hỗ trợ các hoạt động của đề án tại nơi công tác, học tập, đơn vị và địa phương.

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình “Hỗ trợ nâng cao năng lực ngoại ngữ và hội nhập quốc tế cho thanh, thiếu nhi Việt Nam giai đoạn 2022 - 2030”. Đề án đặt mục tiêu đến năm 2030, có ít nhất 10.000.000 lượt thanh, thiếu nhi được tham gia, thụ hưởng chương trình; phấn đấu 100% trường đại học, cao đẳng, THPT thành lập hoặc duy trì thường xuyên ít nhất 1 câu lạc bộ ngoại ngữ và hội nhập quốc tế. Chương trình được kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao năng lực ngoại ngữ cho học sinh, sinh viên trong giai đoạn tới.

Lan Anh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/thay-tro-thoa-suc-sang-tao-voi-cau-lac-bo-ngoai-ngu-post617408.html