Thay 'áo mới' hay 'khâu vá' dùng dần? (bài 2)

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) vừa chính thức trình Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề án tái cơ cấu Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) đến năm 2025. Trong đó, cơ quan chủ quản hy vọng đề án sẽ đưa VNR thoát khỏi tình trạng thua lỗ hằng năm, bù đắp khoản lỗ lũy kế, đảm bảo đủ việc làm và nâng cao đời sống của người lao động.

Rục rịch chiến lược hút khách, tăng vận tải hàng hóa

Ông Đặng Sỹ Mạnh, Chủ tịch Hội đồng thành viên VNR thừa nhận, hiện việc đi tàu chậm hơn so với các phương tiện khác, tuy nhiên để thu hút hành khách đi tàu, ngành sẽ có chiến lược riêng. Chẳng hạn như việc đưa vào đội tàu chất lượng cao Hà Nội - Đà Nẵng ngày 20/10, giúp hành khách có được sự trải nghiệm thú vị, thoải mái.

Nhiều đổi mới với tàu chất lượng cao Hà Nội - Đà Nẵng nhằm hút khách du lịch.

Nhiều đổi mới với tàu chất lượng cao Hà Nội - Đà Nẵng nhằm hút khách du lịch.

Cũng trong tháng 10 vừa qua, đoàn tàu gồm 19 toa, vận chuyển tinh bột sắn với khối lượng khoảng 500 tấn, xuất phát tại ga Sóng Thần (Bình Dương) đến Phổ Điền, Trịnh Châu (tỉnh Hà Nam, Trung Quốc), được coi là kết quả bước đầu đánh dấu nỗ lực của 2 bên trong việc phát huy hiệu quả vận tải đường sắt liên vận quốc tế, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Ông Lê Mạnh Hà, Giám đốc điều hành Công ty TNHH DV-TM T&T cho hay, nhu cầu vận chuyển hàng hóa đi Trung Quốc hoặc quá cảnh qua nước thứ ba và ngược lại rất cao. Doanh nghiệp có thể làm thủ tục ngay tại ga Sóng Thần thay vì phải tới các ga biên giới. Tàu liên vận khởi hành đã biến giấc mơ thành hiện thực cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, logistics.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, lãnh đạo Công ty cổ phần đường sắt Hà Nội cho biết, trong những năm gần đây, tình trạng ách tắc hàng hóa tại các cảng biển và các cặp cửa khẩu đường bộ giữa Việt Nam - Trung Quốc vẫn xảy ra. Để đáp ứng nhu cầu trao đổi hàng hóa giữa doanh nghiệp hai nước nhanh chóng, thuận tiện, ngành đường sắt hai nước đã phối hợp tổ chức nhiều đoàn tàu chuyên tuyến vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu qua lại giữa Việt Nam và Trung Quốc. Đối với các mặt hàng nông sản, trái cây (hải sản hiện tại chưa được tiếp nhận qua cửa khẩu đường sắt) là các mặt hàng cần có thời gian vận chuyển nhanh chóng, việc phải nằm chờ làm thủ tục xuất nhập khẩu tại biên giới sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng hàng hóa.

Vì vậy, với ưu điểm thời gian vận chuyển và thông quan nhanh chóng tại cửa khẩu đường sắt, tàu hàng liên vận là giải pháp giúp các doanh nghiệp thông quan nhanh chóng cũng như giảm ách tắc cho đường bộ. Về giá thành, khi thấp điểm, một container đi đường bộ từ phía Nam ra phải chịu cước trên dưới 60 triệu đồng, khi cao điểm có thể đến 100-120 triệu đồng. Trong khi đi bằng đường sắt, cước chỉ trên 40 triệu đồng, bao gồm chi phí nâng hạ, vận chuyển đường ngắn hai đầu.

Nhằm không bỏ lỡ cơ hội phát triển, hút khách, ông Đặng Sỹ Mạnh thông tin, hiện Bộ GTVT đã và đang triển khai các dự án nâng cấp, cải tạo ga Sóng Thần. Theo ông Mạnh, dự kiến giai đoạn 2025 - 2030, sau khi hoàn thành các dự án này, năng lực ga Sóng Thần sẽ đạt đến 3,5 triệu tấn/năm và trở thành ga hàng hóa đầu mối lớn nhất trong hệ thống các ga đường sắt Việt Nam. Khi hạ tầng tại ga Sóng Thần phục vụ hoạt động liên vận quốc tế được đầu tư hoàn thiện, ngành đường sắt sẽ tổ chức chạy tàu mỗi ngày và cung cấp đầy đủ các dịch vụ phục vụ công tác xuất nhập khẩu hàng hóa cho khách hàng tại khu vực tỉnh Bình Dương và các tỉnh lân cận.

Thay đổi toàn diện là yêu cầu sống còn

Một cuộc cách mạng để thay đổi toàn diện bộ mặt ngành đường sắt là yêu cầu sống còn để lĩnh vực vận tải lâu đời này có thể tìm lại được chính mình thay vì cứ cố gắng tồn tại lay lắt như hiện nay. Các chuyên gia cho rằng, bối cảnh hiện nay, những tín hiệu lạc quan về sự trở lại của hành khách đối với đường sắt chính là cơ hội không thể tốt hơn để ngành này đổi mới, xây dựng lại hình ảnh của mình.

PTS.TS Ngô Trí Long - chuyên gia kinh tế nhìn nhận, trong những năm trở lại đây, sự tăng trưởng vượt bậc của nhiều loại hình vận tải, trong đó đi đầu là hàng không và đường bộ đã giúp cho ngành đường sắt nhìn rõ được những yếu kém, lạc hậu của mình. Rõ ràng vị thế của đường sắt hiện nay so với trước kia đã suy giảm rất nhiều. Nếu không đổi mới triệt để, đường sắt sẽ ngày càng tụt hậu.

Theo chuyên gia kinh tế này, việc hành khách có dấu hiệu trở lại với đường sắt trong thời gian gần đây là điều rất đáng mừng, ngành đường sắt phải biết tận dụng cơ hội này để quảng bá hình ảnh, thay đổi cung cách quản lý và nâng cao chất lượng dịch vụ nhằm kéo hành khách về với mình nhiều hơn nữa.

Trong khi đó, GS.TS Bùi Xuân Phong - nguyên Chủ tịch Hội Kinh tế và Đường sắt Việt Nam cho rằng, ngành đường sắt chưa tự mình đổi mới triệt để. Đường sắt cũng phát triển nhưng không theo kịp các phương thức vận tải khác. Mong rằng tới đây, đường sắt Việt Nam có một bước tiến mới. Ngoài việc đầu tư đường sắt tốc độ cao, ngành đường sắt phải đổi mới về tư duy, phương thức phục vụ, không chờ đợi khách hàng tìm đến mà phải chủ động thu hút khách hàng, linh hoạt trong điều hành hoạt động kinh doanh, tạo thuận lợi từ kho đến kho, tăng cường kết nối, trong đó việc kết nối các phương thức vận tải là quan trọng nhất. Đặc biệt, tư duy kinh doanh cũng cần đổi mới, rạch ròi mảng lỗ-lãi, mác tàu lỗ-lãi.

Nằm trong công cuộc phát triển mạng lưới đường sắt, Bộ GTVT đã quyết định giao Ban Quản lý dự án Đường sắt thực hiện lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, với đường đôi, khổ ray 1.435mm, điện khí hóa, khởi công trước năm 2030. Dự kiến, tuyến đường sắt này sẽ khai thác vận tải hành khách và hàng hóa, tổng mức đầu tư khoảng 10 - 11 tỷ USD.

Theo đó, Bộ GTVT giao Ban Quản lý dự án Đường sắt là chủ đầu tư lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt Hải Phòng - Hà Nội - Lào Cai và kết nối với Trung Quốc. Chủ đầu tư được quyền lựa chọn tư vấn lập báo cáo theo quy định hiện hành, thời gian thực hiện từ nay tới năm 2025. Mục tiêu của dự án nhằm bảo đảm kết nối liên thông với mạng lưới đường sắt trong nước và quốc tế qua Trung Quốc; đảm bảo trung chuyển thuận tiện với các phương thức vận tải khác.

Cũng quan tâm đến hạ tầng đường sắt, tại phiên thảo luận về tình hình ngân sách, đầu tư công tại Quốc hội sáng 2/11, đại biểu Đinh Ngọc Minh (Phó Viện trưởng Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đề xuất, tăng bội chi để thực hiện một số dự án đầu tư công có tác động lớn đến nền kinh tế. Đó là hai tuyến đường sắt Lào Cai - cảng Hải Phòng và Đồng Nai - cảng Cái Mép Thị Vải.

"Hai cảng này xuất hàng trăm triệu tấn hàng hóa mỗi năm. Hai tuyến đường sắt đã có kế hoạch đầu tư giai đoạn 2025-2030, song cần đầu tư sớm hơn", ông Minh nói và lý giải, hai tuyến đường sắt này có ý nghĩa lớn cho nền kinh tế. Khi được triển khai sẽ là cú hích về hạ tầng giao thông cho quốc gia, nhất là khi đất nước đang tăng trưởng chậm lại. Bên cạnh đó, dự án sẽ giảm đáng kể chi phí logistic cho doanh nghiệp. "Tính sơ bộ, nếu giảm được 2% chi phí logistic thì doanh nghiệp có thêm 10 tỷ USD lợi nhuận mỗi năm", ông Minh ước tính.

Đặng Nhật

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/giao-thong/thay-ao-moi-hay-khau-va-dung-dan-bai-2--i712721/