THẢO LUẬN TỔ 3: CÔNG TÁC RÀ SOÁT HỆ THỐNG VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT CẦN ĐƯỢC THỰC HIỆN THƯỜNG XUYÊN, LIÊN TỤC

Thảo luận tại Tổ 3 về kinh tế - xã hội, nhiều ý kiến đại biểu quan tâm đến công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật và cho rằng, một trong những điểm nhấn của Quốc hội khóa XV chính là công tác rà soát tổng thể hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, các ý kiến đề nghị công tác này cần được thực hiện thường xuyên, liên tục để thực hiện nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đạt chất lượng tốt hơn.

Toàn cảnh phiên họp tại Tổ 3

Toàn cảnh phiên họp tại Tổ 3

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, sáng 23/5, Quốc hội thảo luận tại Tổ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024. Cùng dự phiên thảo luận tại Tổ 3 có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương.

Tổ 3 bao gồm các Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh: Bắc Kạn, Nghệ An và Quảng Ngãi. Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An Thái Thanh Quý, Tổ trưởng Tổ 3 điều hành phiên họp.

Thảo luận tại Tổ 3 về kinh tế - xã hội, nhiều ý kiến đại biểu quan tâm đến công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật. Qua nghiên cứu các Báo cáo về kinh tế - xã hội của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, đại biểu Hoàng Minh Hiếu - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An nêu rõ, công tác tổ chức rà soát văn bản quy phạm pháp luật thời gian qua được thực hiện rất tốt. Chỉ trong thời gian ngắn từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Chính phủ và các cơ quan của Quốc hội đã tiến hành hai đợt rà soát các điểm mâu thuẫn, chồng chéo trong các văn bản quy phạm pháp luật.

Qua các đợt rà soát này đã cho thấy bức tranh toàn cảnh thực trạng của hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật của nước ta cũng như xác định rõ những tồn tại, hạn chế, những điểm mâu thuẫn, chồng chéo giữa các văn bản, xác định được rõ điểm nghẽn nằm ở đâu trong quá trình xây dựng và thực hiện pháp luật để có giải pháp xử lý. Đại biểu Hoàng Minh Hiếu đề xuất công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật cần được thực hiện thường xuyên, liên tục để thực hiện việc xây dựng các đạo luật đạt chất lượng tốt hơn, đầy đủ hơn. Kết quả rà soát, đánh giá là cơ sở, nguồn dữ liệu đầu vào quan trọng phục vụ cho nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật.

Đại biểu Hoàng Minh Hiếu - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An

Đại biểu Hoàng Minh Hiếu - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An

Đề xuất về công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, trong đó về công tác xây dựng các đạo luật của Quốc hội, đại biểu Hoàng Minh Hiếu đề nghị nên cân nhắc chuyển đổi việc xem xét, sửa đổi luật theo định kỳ thành xem xét, sửa đổi luật theo yêu cầu của cuộc sống. “Từ trước đến nay, với một đạo luật, chúng ta thường tiến hành sơ kết 3 năm, tổng kết 10 năm. Cách xem xét, sửa đổi luật theo định kỳ có ưu điểm là có thể xem xét tổng thể các đạo luật, tuy nhiên cách làm này có hạn chế rất lớn trong việc chậm trễ sửa đổi các vướng mắc phát sinh trong thực tiễn, tạo ra những điểm nghẽn trong việc triển khai thực hiện luật ở các địa phương”, đại biểu nêu rõ.

Vì vậy, đại biểu Hoàng Minh Hiếu cho rằng, không nên chờ sửa đổi luật tổng thể mà thay vào đó, nếu thấy có điểm nghẽn, có giải pháp thì nên tập trung sửa đổi những vấn đề tồn tại, bất cập. Đồng thời không nên lo ngại việc sửa đổi liên tục như vậy thì không đảm bảo tính ổn định của pháp luật. Bởi qua nghiên cứu kinh nghiệm của các nước, việc sửa đổi các đạo luật ở nghị viện các nước vẫn diễn ra thường xuyên, thậm chí là hàng năm, nhưng vẫn bảo đảm được tính ổn định trong việc triển khai thi hành. Do đó đại biểu Hoàng Minh Hiếu nhấn mạnh, vấn đề quan trọng là cần bảo đảm chủ trương chung của luật và việc sửa đổi luật làm sao để tốt hơn và giải quyết các vướng mắc của người dân và doanh nghiệp một cách kịp thời.

Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn

Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn

Đồng tình với ý kiến của đại biểu Hoàng Minh Hiếu, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn cho rằng, thời gian qua Chính phủ đã thực hiện nghiêm túc về công tác rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, báo cáo đầy đủ với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đại biểu nhận thấy, việc chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, văn bản hướng dẫn sẽ rất khó cho việc tổ chức triển khai cũng như nguồn lực đầu tư để triển khai cơ chế, chính sách đó. Việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chính là liên quan đến quá trình xây dựng văn bản và hoàn thiện thể chế. Mặc dù Chính phủ đã tích cực, trách nhiệm trong quá trình hoàn thiện thể chế, tuy nhiên đại biểu Hồ Thị Kim Ngân đề nghị với những nội dung Quốc hội đã giao thì cần phải thực hiện.

“Theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, khi luật có hiệu lực thì văn bản quy định chi tiết đồng thời có hiệu lực cùng thời điểm. Ví dụ như Luật Dược có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2017 nhưng đến nay vẫn chưa có văn bản quy định chi tiết. Điều này chưa thỏa đáng khi mong muốn, nguyện vọng của cử tri và các cán bộ quản lý ở cơ sở bày tỏ băn khoăn về vấn đề này”, đại biểu Kim Ngân nêu dẫn chứng.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn

Quan tâm đến nội dung này, đại biểu Nguyễn Thị Thủy - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn nhấn mạnh, một trong những điểm nhấn của Quốc hội khóa XV chính là rà soát tổng thể hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành phá luật. “Cứ đến mỗi kỳ họp Quốc hội, công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật được đầu tư rất nhiều công sức, dày dặn”, đại biểu nói.

Qua theo dõi công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật, đại biểu nhận thấy, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội đã thẩm tra rà soát các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành pháp luật, tuy nhiên mới chỉ dừng lại ở rà soát tiến độ, đã ban hành hay chưa ban hành. Do đó, đại biểu Nguyễn Thị Thủy đề nghị thời gian tới Lãnh đạo Quốc hội tiếp tục chỉ đạo rà soát thêm nội dung đã đảm bảo phù hợp với các luật gốc đã ban hành hay chưa. Ngoài đảm bảo việc rà soát về tiến độ, việc rà soát chặt chẽ về nội dung mới hoàn thành yêu cầu của Quốc hội về giám sát các văn bản quy định chi tiết.

Đại biểu Đặng Ngọc Huy - Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi

Đại biểu Đặng Ngọc Huy - Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi

Đồng tình với ý kiến của các đại biểu đã nêu tại phiên thảo luận tổ, đại biểu Đặng Ngọc Huy - Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi bày tỏ băn khoăn khi Luật Dược có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2017 nhưng đến nay vẫn chưa có văn bản quy định chi tiết, gần đây nhất, Luật Đấu thầu có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2024 nhưng Nghị định hướng dẫn thi hành đến ngày 27/2/2024 mới ban hành… Một số địa phương cho rằng, điều này ảnh hưởng đến công tác giải ngân vốn đầu tư công và các vấn đề liên quan. Do đó, đại biểu Đặng Ngọc Huy băn khoăn với tình hình ban hành các văn bản hướng dẫn như hiện nay, thời gian tới khi Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở có hiệu lực thi hành thì việc ban hành các văn bản hướng dẫn 3 luật này có kịp hay không? Bên cạnh đó, các đại biểu Quốc hội cũng đã nhiều lần yêu cầu Chính phủ sớm sửa đổi các nghị định, văn bản hướng dẫn chưa phù hợp với tình hình thực tiễn. Do đó, đại biểu Đặng Ngọc Huy đề nghị Chính phủ quan tâm thêm về vấn đề này./.

Một số hình ảnh tại Phiên thảo luận tại Tổ 3:

Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An Thái Thanh Quý, Tổ trưởng Tổ 3 điều hành phiên họp

Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An Thái Thanh Quý, Tổ trưởng Tổ 3 điều hành phiên họp

Đại biểu Nguyễn Thị Huế - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn đề nghị Chính phủ cần có chính sách bình ổn giá, nhất là các mặt hàng thiết yếu để người dân bình ổn cuộc sống.

Đại biểu Nguyễn Thị Huế - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn đề nghị Chính phủ cần có chính sách bình ổn giá, nhất là các mặt hàng thiết yếu để người dân bình ổn cuộc sống.

Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn cho biết, qua tiếp xúc cử tri tại địa phương, nhiều cử tri tỉnh Bắc Kạn đề nghị cần thiết có Bộ công cụ và tiêu chí chung trong phân định vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn cho biết, qua tiếp xúc cử tri tại địa phương, nhiều cử tri tỉnh Bắc Kạn đề nghị cần thiết có Bộ công cụ và tiêu chí chung trong phân định vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Đại biểu Hà Sỹ Huân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn đề nghị quan tâm đến đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số còn khó khăn, đồng thời sớm thực hiện việc chi trả kinh phí khoán bảo vệ rừng.

Đại biểu Hà Sỹ Huân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn đề nghị quan tâm đến đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số còn khó khăn, đồng thời sớm thực hiện việc chi trả kinh phí khoán bảo vệ rừng.

Đại biểu Hoàng Minh Hiếu - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An đề nghị nên cân nhắc chuyển đổi việc xem xét, sửa đổi luật theo định kỳ thành xem xét, sửa đổi luật theo yêu cầu của cuộc sống.

Đại biểu Hoàng Minh Hiếu - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An đề nghị nên cân nhắc chuyển đổi việc xem xét, sửa đổi luật theo định kỳ thành xem xét, sửa đổi luật theo yêu cầu của cuộc sống.

Đại biểu Trần Thị Hồng An - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi góp ý về các báo cáo kinh tế - xã hội tại phiên họp

Đại biểu Trần Thị Hồng An - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi góp ý về các báo cáo kinh tế - xã hội tại phiên họp

Toàn cảnh phiên họp

Toàn cảnh phiên họp

Các đại biểu thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn

Các đại biểu thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn

Các đại biểu thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An

Các đại biểu thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An

Các đại biểu thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi tham dự phiên thảo luận tại Tổ 3./.

Các đại biểu thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi tham dự phiên thảo luận tại Tổ 3./.

Bích Ngọc - Trọng Quỳnh

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=87004